Thi môn Văn vào lớp 10 ở TP.HCM: Đề thi có độ mở cao, thí sinh tự tin đạt điểm khá
Giáo viên và thí sinh đánh giá đề thi môn Văn vào lớp 10 trường công lập tại TP.HCM là khá nhẹ nhàng, hay, có độ mở cao. Thí sinh tự tin đạt 7-8 điểm.
Sáng nay 6/6, hơn 96.000 học sinh lớp 9 tại TP.HCM đã đến các điểm thi để chính thức bước vào kỳ thi vào lớp 10 trường công lập, bắt đầu bằng môn Văn. Theo thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở định hướng ra đề có độ mở cao, học sinh cần rèn luyện kỹ năng và tích luỹ kiến thức để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của đề.
Đề thi môn Văn hôm nay gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Q.8, cho biết: Sáng nay các em học sinh thi môn Ngữ Văn, có mặt 3.360/3.364. Vắng 4 em. Cụ thể như sau: 1 thí sinh chuyển về thi tại Bạc Liêu, 3 em được phụ huynh cho học nghề.
"Môn Văn đảm bảo kiến thức các em đã học. Sát thực tiễn. Các em làm bài tốt" - Trưởng phòng GD&ĐT Q.8 chia sẻ.
Đề hay, có độ mở cao
Cô Phạm Tố Như, giáo viên môn Văn Trường THCS Nguyễn Trãi, Quận Gò Vấp, nhận xét: “Đề Văn năm nay hay, có độ mở cao, phần đọc hiểu ngữ liệu phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh ngại bộc lộ tình cảm đối với người lớn, tuy nhiên chưa nêu rõ nguồn trích của văn bản đọc hiểu. Đề nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh nắm vững kỹ năng lập luận và bày tỏ quan điểm quan điểm cá nhân về những suy nghĩ tốt đẹp nếu không được cất lên thành lời. Đề nghị luận văn học chủ đề tình yêu nước của con người Việt Nam và tình cảm gia đình cũng gần gũi với học sinh...”.
Thầy Võ Kim Bảo – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, cũng chia sẻ, đề Văn gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ là lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp và một bảng thông báo của CLB Lớn lên cùng sách.
"Đề Văn nhìn có vẻ dài nhưng lại không khó, nội dung của đề gần gũi, dễ hiểu, thiết thực, chủ đề phù hợp với năng lực nhận thức và tình cảm của học sinh tuổi 15. Ở các câu hỏi, đề có sáng tạo, chưa bao giờ trùng lặp với các năm trước. Đề không đánh đố, các câu hỏi đều vừa sức, học sinh có học lực trung bình cũng có thể đáp ứng được tất cả các câu", thầy Võ Kim Bảo cho biết.
Theo thầy Bảo, đề Văn năm nay cũng có tính phân hóa ở 2 phương diện: kỹ năng làm bài và tư duy sáng tạo. Thí sinh cần có kỹ năng đọc, hiểu đề, phân tích đề và trình bày các ý đúng với yêu cầu của đề. Bên cạnh đó, thí sinh cần có tư duy sáng tạo ở câu 2 và câu 3 (đề 2). Các ý tưởng độc đáo cho câu hỏi mở (câu 2) và câu hỏi phụ (câu 3, đề 2) chắc chắn sẽ được đánh giá cao.
Thí sinh vui vẻ ra về sau môn Văn
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, thí sinh TP.HCM ở các điểm thi trải qua môn thi Văn đều có tâm lý khá nhẹ nhàng, thoải mái.
Tại điểm thi THPT Nguyễn Khuyến, Quận 10, thí sinh Nguyễn Ngọc Phương Vy và thí sinh Nguyễn Như Phương Vy (cùng là học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình) phấn khởi chia sẻ, đề thi năm nay vừa sức và các em đã được ôn luyện trong chương trình nên tự tin đạt 7-8 điểm môn Văn.
Thí sinh Phạm Đắc Minh Quân, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều dự thi tại điểm Trường THPT Nguyễn Khuyến cũng chia sẻ, đề thi môn Văn vừa sức và em hoàn thành khá tốt bài thi, tự tin đạt từ 7.5 điểm trở lên.
Thí sinh Minh Uyên, học sinh Trường THCS An Phú, TP Thủ Đức, chia sẻ năm nay đề không khó lắm, nhưng cũng không dễ. Quan trọng là kiến thức phải nắm vững, không ôn tủ và phải có quá trình trải nghiệm văn học tốt.
Sau môn thi Văn buổi sáng, chiều nay, các thí sinh sẽ bước vào thi môn Ngoại ngữ (90 phút).
Một số hình ảnh ấn tượng trong sáng 6/6 thi môn Văn:
ThS Nguyễn Long Giang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Quận 6): Đề Văn khá hay và gần gũi với các em
Theo nhận xét của tôi và các giáo viên dạy Ngữ Văn 9 của trường, đề thi Ngữ Văn của TP.HCM khá hay và thiết thực gần gũi với các em. Mỗi năm là một chủ đề gắn liền với những giá trị sống tốt đẹp. Ví dụ, đề thi năm 2020 là chủ đề về "Lắng nghe - Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để thấu hiểu); đề thi năm 2022 lấy chủ đề là "Bức thông điệp của thời gian"; năm nay đề thi gắn với "Những nghĩ suy cất lên thành lời". Cách ra đề không có lối mòn, không giáo điều. Học sinh muốn làm được bài không chỉ học kiến thức trong chương trình mà còn phải biết liên hệ thực tế cuộc sống, rút ra được bài học nhận thức từ chủ đề đối với bản thân.
Đề thi Ngữ Văn năm 2023 này, mới đọc qua có vẻ lạ lẫm. Nhưng nếu bình tĩnh đọc kỹ, những câu trong phần Đọc - Hiểu (câu 1) hoàn toàn trong khả năng của thí sinh. Các em chỉ cần đọc thật kỹ văn bản và liên hệ với kiến thức trong chương trình, nêu được suy nghĩ đúng đắn của bản thân là có thể lấy được điểm tốt.
Ở câu 2, cách ra đề cũng hoàn toàn mới lạ và hay so với những đề thi những năm trước, mượn ý thơ của nhà thơ Lê Minh Quốc cùng với trải nghiệm của bản thân thí sinh để trình bày về vấn đề: "Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời...". Tuy nhiên, câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải nắm vững phương pháp làm văn nghị luận xã hội và phải thật sự có những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống mới có thể làm tốt. Nếu không, các em sẽ dễ lan man sa vào diễn giải câu thơ, kể chuyện hoặc phát biểu cảm nghĩ. Đối với học sinh không khá môn Văn, câu hỏi này là một thử thách lớn.
Câu 3 có 2 đề và tất cả đề thuộc dạng đề mở. Đề 1 yêu cầu thí sinh tự suy nghĩ chọn lựa đoạn thơ hoặc khổ thơ liên quan đến "tình yêu nước của con người Việt Nam". Hình thức này lặp lại kiểu ra đề của năm 2012. Để làm được câu này, thí sinh buộc phải nắm thật vững kiến thức trong những bài thơ đã học hoặc đã từng đọc để tìm ra đoạn thơ, khổ thơ thể hiện "tình yêu nước của con người Việt Nam". Phạm vi chọn lựa ngữ liệu cho bài làm văn khá rộng, thí sinh nào không có kiến thức vững vàng, không thuộc thơ sẽ dễ dàng làm sai yêu cầu, lạc đề, thậm chí viết không được. Đề 2 rất hay và lạ, nhưng chỉ dành cho học sinh có khả năng tư duy và cảm thụ văn học tốt. Nhiều thí sinh đọc đề và xác định yêu cầu không kỹ sẽ nhầm tưởng rằng đề thi dễ. Khi bắt tay vào làm có thể dẫn đến lạc đề, lan man, kể chuyện.
(Hồng Dung ghi)