Thay vì chi tiền trực tiếp, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, người dân nào cũng hưởng lợi

Khởi Giao| 18/09/2022 09:49

Đặc điểm ngân sách Việt Nam là dư địa tài khoá không nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân, giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” vừa diễn ra.

Trong diễn đàn, thảo luận về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững, theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa. 

Theo đó, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP. Vì vậy, nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP. Thực tế, năm 2021 chi tiêu giảm 21%, dẫn tới suy giảm GDP quý 3.

Theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu; gia tăng chi tiêu thị trường nội địa.

Theo ông Jonathan Pincus, các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm. Đây cũng là một biện pháp để kích thích chi tiêu hộ gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này có thể gặp khó khăn do phải chuyển tiền mặt với quy mô lớn một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, từ bài học 2021, ông Jonathan Pincus khuyến cáo Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…

Tranh luận với chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, cho rằng việc giảm thuế giá trị gia tăng dù số tiền ít hơn nhưng người dân có thể mua được nhiều hàng hoá hơn và thực thi rất nhanh.

Trong khi nhiều nước có tỷ lệ lạm phát cao, vừa qua Việt Nam lại duy trì được ở mức thấp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đặc điểm ngân sách Việt Nam là dư địa tài khoá không nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân, giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng.

“Đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không? Chưa kể chính sách này còn có tác động kép, góp phần giảm lạm phát. Đó là lý do giúp lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua giữ được ở mức thấp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tranh luận.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, cần phải đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành và thực hiện từ năm 2020 và cả những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/12/2021 nhưng thực hiện cho năm 2022.

Cụ thể, từ kết dư của Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp, Việt Nam đã chi tới 38.000 tỷ đồng bằng tiền mặt, sau đó, vẫn tiếp tục kéo dài chính sách này chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết số 43) là vào khoảng 2 tỷ USD. Đó là chưa kể phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.

Ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Chúng ta đánh giá chỉ giảm thuế không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu?”

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bằng tiền mặt là rất lớn. Như vậy, để thấy rằng phương pháp tiếp cận đánh giá các chính sách phải đặt trong tổng thể. Mỗi nước có hoàn cảnh rất khác nhau.

Liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau đại dịch Covid-19: số người mất việc làm thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự như ở Việt Nam, số người nói là thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ.

Theo ông Vương Đình Huệ, Bộ Lao động Thương binh – Xã hội cũng cần nghiên cứu vấn đề này. Dường như có một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trên thế giới, xu hướng này ra sao?

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân, giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Ông Jonathan Pincus chia sẻ thêm, thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách nhà nước. Chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách.

Các khoản hỗ trợ người lao động được lấy từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày khác.

Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc, ông Jonathan Pincus cho rằng có thể do sức khỏe của họ bị suy giảm sau đại dịch. Theo thống kê, 10% người bị mắc Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, nhất là với người lớn tuổi, và cần nhiều thời gian để hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay vì chi tiền trực tiếp, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, người dân nào cũng hưởng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO