Thay khớp háng toàn phần vì xem nhẹ cơn đau khớp thoáng qua và kéo dài
Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khuyến cáo người dân đừng xem nhẹ những cơn đau khớp. Nhiều người chủ quan và không điều trị sớm, dẫn đến phải thay khớp háng toàn phần.
“Trong giai đoạn đầu, cơn đau xương khớp thoáng qua và nhẹ nhàng, chỉ đau khi chạy bộ trên một chặng đường dài hoặc leo cầu thang. Diễn tiến bệnh sẽ ngày một nặng hơn, ngay cả khi ngủ người bệnh cũng đau nhức, khó chịu.
Sau một thời gian, cơn đau nhức khớp háng bắt đầu lan sang các bộ phận xung quanh, ví dụ như sau mông, dưới đùi, đầu gối hoặc phía trên háng.
Lúc này những tổn thương vùng khớp háng đã trở nên nghiêm trọng, nhiều biến chứng nguy hiểm và cần điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật phức tạp và tốn kém hơn”, TS.BS. Phạm Chí Lăng, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quốc tế City, cảnh báo.
Ông vừa thực hiện một ca thay khớp háng toàn phần cho bệnh nhân X.Q.Cheng (54 tuổi, người nước ngoài). 4 tháng trước, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn nghiêm trọng, chân phải có dấu hiệu rút ngắn lại và bắt đầu đi khập khiễng.
Bệnh nhân từng bị đau ở vùng xương đùi bên phải, kéo dài hơn một năm rưỡi; mới đầu chỉ hơi đau, sau đó mỗi ngày mỗi đau nhiều hơn. Chân bên phải ngày càng bị co rút dẫn đến anh đi đứng rất khó khăn. Bệnh nhân bị mất ngủ, sụt cân vì đau, mà có uống bao nhiêu thuốc giảm đau cũng không bớt.
Khai thác tiền sử bệnh và xem xét các kết quả cận lâm sàng như phim chụp X-quang, các xét nghiệm khác…, TS.BS. Phạm Chí Lăng kết luận người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi nặng độ 3 tăng cường, nghĩa là chỏm xương đùi xẹp và xương dưới sụn bắt đầu vỡ.
“Ở mức độ này, điều trị bằng thuốc không còn ý nghĩa nữa nên tôi đã đề nghị người bệnh phẫu thuật thay khớp háng toàn phần để giải quyết tình trạng đau, điều chỉnh lại độ cân bằng của hai chân, từ đó cải thiện khả năng di chuyển”, TS.BS Chí Lăng cho biết.
Theo bác sĩ Lăng, phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp phẫu thuật khó, tỷ lệ biến chứng tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, khoảng 1% chủ yếu nằm ở nguyên nhân lỏng dụng cụ khớp nhân tạo và nhiễm trùng sâu. Do đó, trước khi mổ, các bác sĩ phải tính toán đường vào, chuẩn bị ổ cối, ống tủy, căn chỉnh góc độ của khớp… để cố định khớp nhân tạo phù hợp với cơ thể bệnh nhân.
Sau 90 phút, anh X.Q.Cheng đã được thay khớp háng nhân tạo toàn phần, điều chỉnh độ lệch hai chân về cân bằng, không ghi nhận bất kỳ biến chứng nào.
Sau 2 ngày, anh Cheng đã có thể đi lại trong phòng với các dụng cụ vật lý trị liệu hỗ trợ. Sau ba tuần, người bệnh có thể bỏ hết các phương tiện giúp đỡ và đi lại bình thường. Sau hơn bốn tháng, đến nay, anh đã có thể đi bộ được 1 -2 km mỗi ngày và đi làm như bình thường.
TS.BS. Phạm Chí Lăng khuyến cáo người bệnh nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa ngay khi có triệu chứng đau vùng khớp háng để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị một cách dễ dàng, nhẹ nhàng, ít tốn thời gian, chi phí.
Bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp giúp người bệnh giảm đau và cải thiện khả năng vận động như điều trị nội khoa, vật lý trị liệu hoặc các phương pháp phẫu thuật khác cũng có thể được bác sĩ cân nhắc với mục đích điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.