Ra mắt trên thị trường báo chí TP.HCM vào cuối tháng 9/2022, tính đến nay, chỉ vài tháng tuổi. Tuy còn rất non trẻ, song Tạp chí Khoa học Phổ thông (thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những hoạt động sau mặt báo không kém phần sôi động và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, cùng nhìn lại những hành trình mà Tạp chí Khoa học Phổ thông đã in dấu trong lòng bạn đọc.
An Giang: Chạm đến trái tim
Trong hai ngày 08 và 09/10/2022, Tạp chí Khoa học Phổ thông đã phối hợp với UBND xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tổ chức chương trình “Vui khỏe và tặng quà cho học sinh Biên giới Tây Nam” trên địa bàn. Chương trình đã trao tặng 50 chiếc xe đạp cho 50 em học sinh, mỗi xe trị giá 2 triệu đồng; một bộ máy vi tính trị giá 20 triệu đồng cho công an xã An Cư; 200 phần quà gồm các nhu yếu phẩm cho 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, đồng hành cùng chương trình, BS.CKII Phan Anh Kiệt, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận đã thăm khám, chia sẻ cho bà con một số kiến thức cơ bản về các bệnh lý cơ, xương, khớp thường gặp như thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm đa khớp, các bệnh gân cơ, loãng xương... để bà con biết cách phòng bệnh. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cộng thêm cách trở về mặt địa lý, người dân xã An Cư rất ít khi được tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Huyện Tịnh Biên gồm 14 xã, thị trấn, trong đó, An Cư là xã miền núi có đông đồng bào thiểu số Khmer, đặc biệt khó khăn (xã khu vực III). Chương trình do Tạp chí Khoa học Phổ thông chung tay thực hiện đã thực sự chạm đến nơi mềm mại nhất trong trái tim mỗi người.
Em Trần Thị Kim Thoa, 12 tuổi, nhà ở ấp Ba Xoài, là một trong những học sinh được nhận quà xe đạp, rưng rưng kể: “Cha con đi làm phụ hồ, còn mẹ đi bán hàng rong tận ngoài Đà Nẵng. Nhà con hiện có 5 người. Có xe đạp mới, con đi học dễ dàng hơn. Con còn có thể phụ bà nội đi chợ. Xe cũ của con đã bị hư lâu lắm rồi mà con không dám xin cha mẹ mua. Đợt này, lớp con có tới 7 bạn được tặng xe đạp mới. Tụi con và cả nhà đều rất là vui”.
Bà Neáng Srây Mum, Chủ tịch xã An Cư, cho biết xã hiện có 2.521 hộ với hơn 10.000 người. Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 74,67% dân số. Mặc dù vẫn được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm luôn quan tâm, hỗ trợ, tuy nhiên, hộ nghèo vẫn còn khá cao, chiếm khoảng 12%.
Nhật ký TP.HCM: Quan tâm sức khỏe hàng đầu
Chia tay xã An Cư với những cung đường lầy lội, với vô số ổ gà, ổ voi đua nhau xuất hiện; tiếp đến, tại TP.HCM, ngày 5/11/2022, Tạp chí Khoa học Phổ thông thiết kế chương trình “Tư vấn y khoa: Vui khỏe với bệnh lý cột sống cổ” với sự đồng hành của Hệ thống Bệnh viện Saigon ITO, TV.PHARM.
Hơn 400 người dân hào hứng tham gia. Các cô chú vừa được tặng các ấn phẩm của báo như Tạp chí Khoa học Phổ thông, Sống xanh, Thời sự Y học, vừa được nhận khẩu trang của TV.PHARM để phòng chống dịch bệnh. Tại buổi tư vấn, ThS.BS.CKI Lê Xuân Sơn, Trưởng Đơn vị Cột sống Bệnh viện Saigon ITO trình bày về bệnh lý cột sống cổ và giải đáp tất cả những thắc mắc của các bệnh nhân lớn tuổi.
Chiều ngày 17/11/2022, Tạp chí Khoa học Phổ thông phối hợp cùng Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Hưu trí Quận 10 - TP.HCM tổ chức chương trình khám và phát thuốc miễn phí cho những người đã về hưu.
Có mặt từ rất sớm, bà Hoàng Thị Thanh, năm nay đã 90 tuổi, cho biết do tuổi già nên thường xuyên phải đi bác sĩ. Hôm nay vừa được khám bệnh, còn được phát thuốc miễn phí và tặng quà nên bà rất mừng. Tuy không nhiều, nhưng bà cảm thấy được quan tâm, chăm sóc.
Nhà báo Bùi Hương, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học Phổ thông: Mặc dù xuất hiện chưa lâu, nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chủ quản là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên Tạp chí Khoa học Phổ thông đã tổ chức các chương trình sau mặt báo mỗi tháng 1 lần như tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội khuyến học..., tặng nhu yếu phẩm, xe đạp, máy vi tính, thuốc, khẩu trang, tạp chí... Trong năm mới cũng như trong thời gian tới, bên cạnh công việc làm báo thì chúng tôi vẫn tiếp tục có các hoạt động ý nghĩa sau mặt báo để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống như chung tay cùng các đơn vị, địa phương hỗ trợ các chương trình sức khỏe người cao tuổi, dân văn phòng cũng như giới trẻ.... Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều đơn vị, nhiều mạnh thường quân cùng chung tay, đồng hành cùng Tạp chí Khoa học Phổ thông để mang đến nhiều hơn nữa những chương trình thiết thực cho cộng đồng. Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Tạp chí Khoa học Phổ thông chân thành gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe, an khang thịnh vượng đến tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân... đã đồng hành cùng chúng tôi kể từ khi Tạp chí ra mắt thị trường! Chúc mọi người, mọi nhà đón một mùa Xuân Quý Mão an vui, hạnh phúc và phát triển! |
Chỉ gói trong một buổi chiều, mà đã có gần cả trăm người lớn tuổi đến khám bệnh. Bà Trần Nguyệt Ánh mong chương trình sẽ được duy trì đều đặn hàng tháng để người lớn tuổi có thêm điều kiện được chăm sóc sức khỏe. Bà Ánh nhận xét: “Lần trước, Tạp chí Khoa học Phổ thông có tổ chức buổi tư vấn rất hay, hôm đó tôi cùng rất nhiều người đã tham dự. Đọc báo thì mới biết có hơn 400 người. Hôm nay, Tạp chí lại tiếp tục tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, rất thuận tiện và hiệu quả”.
Tiếp nối chương trình, sáng ngày 28/12/2022, Tạp chí Khoa học Phổ thông phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến nông, Hội Chữ thập đỏ phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức cùng Bệnh viện Sài Gòn ITO và Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.PHARM tổ chức “Tư vấn y khoa: Vui khỏe với bệnh lý cột sống cổ” và gửi tặng 10 phần quà Tết tới các hội viên khó khăn, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Khánh Dư - Chủ tịch Hội phụ nữ phường Bình Trưng Đông, tâm tư vì thoái hoá cột sống không còn là căn bệnh chỉ xảy ra với những người lớn tuổi, mà cả người trẻ tuổi hiện nay cũng rất dễ mắc phải, nhất là những người làm việc ở văn phòng, ít dành thời gian vận động. “Chuyên đề được chia sẻ rất hay và bổ ích, đặc biệt phù hợp với đối tượng tham dự là cán bộ, hội viên các hội, đoàn thể của phường Bình Trưng Đông. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, Ban tổ chức sẽ tiếp tục mang nhiều chuyên đề thú vị và bổ ích đến với cộng đồng”, bà Khánh Dư chia sẻ.
Theo nghiên cứu của WHO, cứ 10 người có 8 người ít nhất đau lưng 1 lần trong đời. Ở Việt Nam, đau lưng chiếm 2% tổng số dân, 19% ở những người trên 60 tuổi. Đau lưng gây gánh nặng xã hội, đứng thứ 6 trong các dạng bệnh tật (kể cả bệnh gây tử vong và không gây tử vong). Có nhiều nguyên nhân đau thắt lưng như thoái hóa viêm khớp xương cấp, triệu chứng là vài ngày đến vài tuần, đau, đau nhẹ âm ỉ, chỉ tăng đau khi thay đổi tư thế (đau lưng cơ năng) hoặc biến dạng gù vẹo cột sống, cong lõm. Viêm khớp xương mạn tính, có dấu hiệu cơn đau kéo dài hơn 3 tháng (vấn đề điều trị trở nên khó khăn). Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống; trượt đốt sống lưng, có biểu hiện triệu chứng của mất vững, đau lưng khi thay đổi tư thế, khi vận động, đơ lưng, giới hạn vận động; chèn ép rễ, gây đau thần kinh tọa, tê, yếu, chèn ép chùm đuôi ngựa (rối loạn cơ vòng). Ngoài ra, còn có nguyên nhân do lao cột sống, đau là triệu chứng thường gặp trong lao cột sống, ít trường hợp có triệu chứng lao chung, áp xe lạnh, biến dạng kyphotic, thiếu hụt thần kinh. Loãng xương, cũng là nguyên gây đau vùng lưng tăng dần, tăng lên đột ngột khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, đau có thể kết hợp ê ẩm khắp cơ thể và nguyên gây đau cột sống có thể do gãy xẹp cột sống. (Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Sài Gòn - ITO Phú Nhuận) |