Tản mạn đầu Xuân Quý Mão

Nguyễn Văn Vĩnh Châu| 22/01/2023 09:22

Nếu không có cái se se lạnh những ngày này ở thành phố vốn nhộn nhịp nhất phương Nam, tôi cũng quên là sắp hết một năm. Công việc dồn dập và liên tục, khái niệm một ngày dường như không còn. Cuối tuần, ngồi trong một quán cà phê nhỏ giữa lòng thành phố để nhìn, những con đường tháng mười hai năm nay dường như cũng khác. Vắng lặng hơn, ít màu sắc hơn...

Ngậm ngùi nghe câu chuyện của một người bạn từ thời trung học, vừa từ Úc trở về quê hương sau hơn 3 năm do đại dịch. Câu chuyện của bạn buồn lắm. Bạn kể, ba mẹ của mình đều đã ngoài tám mươi nhưng vẫn còn đủ khỏe để tự lo cho nhau, chưa phải phiền đến con cái. Ông bà đều có những bệnh mà nhiều người lớn tuổi thường có. Bà con thân thích không còn ai bên cạnh, chỉ có những người cháu xa đi chợ hay đưa ông bà đi khám bệnh giùm. Con cái thì thỉnh thoảng gọi facetime về hỏi thăm sức khỏe.

Những tưởng khoảng cách địa lý không thể gây khó khăn cho gia đình bạn. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng nổ, hai người già không thành thạo sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin sống với nhau trong một căn nhà, không biết cách đi chợ trên mạng, không đi khám bệnh được, không mua thuốc được, không biết làm sao liên lạc với con cháu… Tất cả đều nhờ những người bà con hàng xóm tốt bụng giúp đỡ. Bị các bệnh tiểu đường, cao huyết áp nhiều năm nay, ông bà vẫn đều đặn tự mua thuốc uống. Vào đợt cao điểm dịch, toàn thành phố giãn cách nghiêm ngặt, ông bà không dự trữ đủ thuốc để uống, chỉ dám uống cầm chừng. Rồi bệnh trở nặng đột ngột, ông ra đi trước; sau đó một tuần bà cũng đi theo… Nghe thật đau!

Miên man trong câu chuyện hồi tưởng của bạn về cha mẹ, bạn hỏi tôi những tháng ngày căng thẳng đó, người dân TP.HCM làm gì, các bệnh viện khi đó ra sao? Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng khi phải nói lại về thời gian đó. Tất cả những kịch bản, những nỗ lực của cả thành phố để chuẩn bị nghênh chiến với đại dịch, khi đưa ra áp dụng thực tiễn đều không đủ để chặn đứng đợt sóng thần đại dịch chưa từng có tiền lệ đối với thành phố này. Số người mắc bệnh mỗi ngày một tăng, song song với số tử vong cũng tăng theo. Tôi nhớ lại hình ảnh các cô điều dưỡng - đồng nghiệp của tôi lúc ấy, nhanh nhanh về nhà chở con đi gởi gắm cho ông bà hoặc dặn dò chồng những điều quan trọng, quơ vội vài món đồ cá nhân cần thiết rồi vội vàng quay trở lại bệnh viện vì biết bao bệnh nhân đang chờ. Trong phiên trực, họ quên hết việc riêng vì bệnh nhân mỗi lúc một nhiều hơn và nặng hơn cần chăm sóc. Nhưng khi hết phiên trực, lấy điện thoại ra nói chuyện với con thì chắc rằng luôn có cảnh ở đầu dây bên kia là con khóc mếu máo, đầu dây bên này thì mẹ sụt sùi, lúc đầu chỉ một vài tiếng nấc nhỏ rồi sau đó là kiểu cả ca trực ngồi khóc với nhau. Rồi vào tua trực, lại tiếp tục lao vào việc, không còn thời gian để nhớ những niềm riêng… Làm cật lực vậy, mà ai cũng cảm thấy mình bất lực vì chưa làm được bao nhiêu, vì vòng tay của mình nhỏ quá, chưa ôm được tất cả những người bệnh cần đến sự chăm sóc, điều trị...

Ngồi nhìn thành phố mình cuối năm chộn rộn. Người từ phương xa về nhiều. Giao thông có chút gì đó hỗn độn. Kẹt xe như là chuyện bình thường hàng ngày, dù ai ai cũng cau có bực dọc vì dòng xe ngày càng quánh lại, chẳng thấy nhúc nhích đi được gì mấy. Mấy bác tài taxi hay chặc lưỡi: “Thà kẹt vậy còn hơn đường sá vắng tanh như năm ngoái”. Chật chội, chung đụng làm người ta dễ nổi quạu. Nhưng có những mất mát mà ai từng phải trải qua mới thấm thía niềm vui khi được sống cùng người thân yêu. Không thể nào quên câu chuyện gia đình bạn học của thằng con trai, lúc đầu chỉ là đi cách ly theo diện F1. Khi vào khu cách ly tập trung được vài ngày, người cha chuyển thành bị nhiễm (F0) và được đưa qua một cơ sở điều trị khác. Bệnh tình của người cha chuyển nặng, rồi ông mất. Người mẹ vì sốc mà bị tâm thần. Thằng nhóc mới học lớp 8 phải trở thành người chăm sóc cho mẹ, mà cũng chưa kịp để tang cho cha…

Những bác sĩ trẻ mới ra trường, lần đầu tham gia điều trị bệnh, đã ôm mặt khóc hu hu khi nhìn thấy bệnh nhân của mình ngày nào cũng có người tử vong. Nhân viên y tế trong những tháng ngày ấy đã đau thay, khóc thay cho thân nhân người bệnh khi tiễn họ lìa xa cõi tạm này. Nguyện cầu cho sự ra đi ấy thanh thản, không đau đớn, không cô đơn. Chứng kiến bệnh nhân phải khổ cực muôn vàn để giành sự sống nên mỗi bệnh nhân hồi phục là một niềm vui rất lớn. Có cô bác sĩ trẻ, đã đi tìm mua món bánh cuốn mà bệnh nhân thích ăn, đem tặng bệnh nhân, chỉ đơn giản vì bác đã sống được!

Ảnh minh hoạ: Internet

Người trên mảnh đất này thương người như thể thương thân. Những ngày cách ly, mỗi con hẻm nhỏ đều có rào chắn để khu trú bảo vệ những vùng xanh. Người ta kêu cứu vì đói, vì bệnh, vì nhiều lý do. Bên cạnh những nhóm an sinh xã hội, từ thiện có tổ chức là những nhóm từ thiện tự phát… như những cụm rêu xanh rì, thầm lặng hiện diện trên cõi đời. Những bữa cơm được sẻ chia, những hộp sữa cho trẻ nhỏ được luồn qua các hàng rào đến tay người đang khó. Nhân viên y tế lúc bấy giờ cứ tập trung thực hiện công tác; những bữa ăn, những bó rau xanh, món ngon như cơm tấm, bún bò, phở… được chắt chiu gởi vào các bệnh viện cho nhân viên y tế… Rồi có ai đó đã nghĩ ra, và nhiều người làm theo, đính kèm theo mỗi phần ăn gởi nhân viên y tế là những lời nhắn nhủ, động viên chân thành. Chính nhờ tình thương yêu, niềm tin tưởng được trao gởi này mà các y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên đã có đủ năng lượng vững vàng để đi qua những tháng ngày khó khăn vất vả chưa từng trải qua ấy…

Mấy chậu hoa trạng nguyên trong quán cà phê như những ngọn lửa nhỏ nhấp nháy. Thành phố đang dần dần tươi xanh, nhộn nhịp trở lại. Hồi sức sau một cơn bạo bệnh không phải là điều dễ. Cuối năm, trên mặt báo đưa tin, các công ty vì quá khó khăn mà phải cắt giảm lao động. Cùng lúc, ngành y tế cũng giảm sút nhân lực, không phải do bị cắt giảm mà là nhiều nhân viên y tế chuyển nhiệm sở hoặc bỏ hẳn nghề. Những thế hệ trẻ lại chưa đủ trưởng thành, chưa nhiều vốn sống để lấp đầy chỗ trống. Một chút nao lòng khi nghĩ về hai chữ nhà thương, một thử thách để có đủ lượng yêu thương san sẻ cho người bệnh hoạn thất thế… Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có lẽ tỷ lệ bị trầm cảm của nhân viên y tế không riêng gì ở đô thị này, ở Việt Nam, mà cả ở các nước, sau đại dịch Covid-19 đều gia tăng đáng kể. Nỗi buồn có ma lực. Nhà văn J.K. Rowling đã từng viết về các giám ngục Azkaban hút cạn niềm vui từ linh hồn của người bị chúng ám, trong truyện Harry Potter của bà. Phải chăng, bà có một dự cảm về thảm họa Covid-19?

Nhìn mái tóc của bạn, sợi muối đã nhiều lắm rồi. Thảo nào mà càng về sau này cứ lại càng hay nhận những tin nhắn kiểu “V. bị bệnh rồi, mày có hay chưa, bữa nào hẹn nhau đi thăm”. Ừ, một báo cáo gần đây về sức khỏe của người thành phố, tăng tuổi thọ đến 76, nhưng với các bệnh mạn tính vẫn chưa được phát hiện sớm để điều trị từ khi chưa có biến chứng, chất lượng sống khỏe chỉ đến 64 tuổi. Sau đại dịch, nhiều người ngộ ra sự vô thường và ngắn ngủi của cuộc sống. Sống vui trong từng giây từng phút. Làm gì tốt cho mọi người và cảm thấy thanh thản cho mình thì làm. Tạm biệt mỗi ngày bằng tâm thế hài lòng, rồi đón ngày mới bằng lòng biết ơn sâu sắc. Người dân nơi này vốn nhiều năng lượng tích cực và tính thiện lương.

Những kỷ niệm tưởng đã cất sâu trong ký ức cuộc đời, chiều nay lại bị ngọn gió đông thổi tốc lên. Nhiều lúc vẫn còn bị ảo thanh khi nghe tiếng còi xe cứu thương, lại nghĩ về âm thanh của những chiếc máy thở ở khoa hồi sức, tiếng kinh cầu nhè nhẹ ở một góc bệnh viện dã chiến. Tri ân những người đồng nghiệp từ Hà Nội đã đến đây và chia sẻ mất mát cùng người dân thành phố mình trong dịch bệnh!

Thời tiết lập đông đầy cảm xúc, nhâm nhi vị cà phê pha phin trong một quán cà phê xưa cũ, ngồi đối diện với một người bạn cũ, ngắm và lắng nghe những câu chuyện cũ của thành phố này. Cuối năm rồi sẽ đến Tết, cuộc sống cũng từ từ lành các vết đau; những đứa trẻ được sinh ra trong mùa dịch và chưa từng gặp mẹ cũng đang dần lớn lên. TP.HCM sẽ lại rực rỡ những chợ hoa, đường hoa ngày Tết. Mong nhà nhà đều được sum vầy trong những ngày Xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn đầu Xuân Quý Mão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO