Khoa học

“Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” rinh giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật

Công Chương 08/10/2023 - 11:10

Giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27 ở lĩnh vực y tế thuộc về giải pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả TS.BS Nguyễn Anh Khôi, BS.CKII Nguyễn Anh Tuấn, BS.CKII Nguyễn Quốc Cẩn, BS.CKI Lê Hùng Khương thuộc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

trao-giau-sang-tao-khkt-27-1ggg.jpg
PGS.TS Dương Anh Đức -Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trao bằng khen của UBND TP.HCM cho giải pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” của nhóm tác giả TS. BS Nguyễn Anh Khôi, BS.CKII Nguyễn Anh Tuấn, BS.CKII Nguyễn Quốc Cẩn, BS.CKI Lê Hùng Khương thuộc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Trưởng ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27, lĩnh vực Y tế có 7/37 giải pháp được Hội đồng giám khảo đề nghị giải, Ban Tổ chức đã quyết định trao 1 giải Nhất, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích. Số giải pháp dự thi lĩnh vực Y tế dự thi đều có giá trị và ý nghĩa riêng của từng nghiên cứu, từng ứng dụng với 7 giải pháp đạt giải lần này đều có tính mới và đã được ứng dụng trong lĩnh vực Y tế.

Hành trình tạo ra giải pháp

Nói về ý tưởng của giải pháp, TS.BS Nguyễn Anh Khôi - Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trưởng nhóm cho biết, tại Bệnh Viện Ung Bướu TP.HCM, hằng năm có khoảng 150 - 200 trường hợp ung thư lưỡi mới. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân từ 61 - 70 tuổi, tỷ lệ nam /nữ là 1,7/1. Gần 50% bệnh nhân có hạch trên lâm sàng lúc nhập viện. Đa số bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV chiếm 61,6%) làm cho việc điều trị gặp không ít khó khăn, đây là điểm khác biệt nếu so sánh với các nghiên cứu tại Châu Âu và Bắc Mỹ.

giai-nhat-nhom-ung-buou-3a.jpg
TS.BS Nguyễn Anh Khôi - Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trưởng nhóm (trái) cùng thành viên nhóm tại lễ trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 27.

Ung thư lưỡi là ung thư thường gặp nhất của ung thư hốc miệng, là phần đầu tiên của ống tiêu hóa. Bệnh diễn tiến tại chỗ tại vùng, ít khi cho di căn xa. Phẫu thuật và xạ trị vẫn là mô thức điều trị chủ yếu cho bướu nguyên phát và hạch vùng. Tỷ lệ sống còn toàn bộ sau 3 năm đối với giai đoạn I, II là 70,9%, đối với giai đoạn III, IV chỉ còn 28,8%. Việc phối hợp phẫu thuật và xạ trị cho các trường hợp bệnh tiến xa là cách điều trị tiêu chuẩn. Trên lâm sàng, phẫu thuật là phương pháp thường được lựa chọn hơn.

“Phẫu thuật cắt rộng bướu nguyên phát trong đa số các trường hợp là phẫu thuật cắt nửa lưỡi đối với bướu giai đoạn sớm, cắt gần toàn bộ hay toàn bộ lưỡi với bướu giai đoạn trễ. Do đó, khuyết hổng để lại rất lớn, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng nói và nuốt của người bệnh sau điều trị. Điều này thôi thúc nhóm bác sĩ đưa ra phương pháp tạo hình khuyết hổng giai đoạn này để hồi phục các chức năng lưỡi cho người bệnh...” - TS.BS Nguyễn Anh Khôi chia sẻ.

Trước đó, những năm 2008, khi cùng các bác sĩ đàn anh cả ngày trong phòng mổ, TS.BS Nguyễn Anh Khôi không ngừng băn khoăn về vấn đề tái tạo lưỡi để giúp phục hồi chức năng cho người bệnh. Đến năm 2010, TS.BS Nguyễn Anh Khôi đã cố gắng nghiên cứu tài liệu và tham gia khóa học tạo hình và vi phẫu tại Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của TS.BS.Mai Trọng Tường - Trưởng Khoa vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình tham gia vào phẫu thuật ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình đầu tiên. Kể từ những ca phẫu thuật tạo hình lưỡi thành công ban đầu, TS.BS Khôi đã tiếp tục hướng dẫn cho các bác sĩ trong khoa...

Mang lại hy vọng cho người bệnh ung thư lưỡi giai đoạn trễ

Về nội dung của giải pháp, theo báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, phẫu thuật tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bô lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư đòi hỏi đội ngũ phẫu thuật viên có chuyên môn sâu và phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Phẫu thuật thành công giúp ích nhiều cho bệnh nhân về phục hồi chức năng nói, chức năng nuốt, giảm đau, quan trọng là giúp kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân giai đoạn trễ (giai đoạn III, IV).

giai-nhat-nhom-ung-buou-1a.jpg
Giải pháp “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”của nhóm tác giả TS.BS Nguyễn Anh Khôi, BS.CKII Nguyễn Anh Tuấn, BS.CKII Nguyễn Quốc Cẩn, BS.CKI Lê Hùng Khương cũng được trao tặng Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần 3-2023 (ngày 8/9/2023).

Tại Bệnh viện Ung Bướu đã thực hiện phẫu thuật này nhiều năm từ việc sử dụng vạt tại vùng và gần đây triển khai mạnh việc tạo hình gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi bằng vạt tự do. Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi với các trường hợp: Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi hốc miệng, giải phẫu bệnh là carcinôm tế bào gai, xếp hạng lâm sàng bướu là T3 – T4, M0, khuyết hổng chiếm trên 50% thể tích lưỡi di động, tuổi ≤ 80, KPS 80 – 100, bệnh nhân không có tiền căn điều trị bệnh ung thư.

“Phẫu thuật đánh giá một bước tiến mới trong điều trị ung thư lưỡi tại nước ta. Mang lại hy vọng cho người bệnh ung thư lưỡi giai đoạn trễ, phục hồi chức năng nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Các vạt tạo hình có tỉ lệ sống đáng tin cậy 96,7%. Tỉ lệ biến chứng hoại tử vạt toàn bộ chiếm 3,3%, hoại tử một phần vạt là 3,3%. Đây là phẫu thuật tái tạo rất phức tạp, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật tái tạo. Quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật rất quan trọng. Hiện nay, hầu như không có công trình nào tại Việt Nam đủ cỡ mẫu để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật tái tạo gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi...” - theo báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM.

giai-nhat-nhom-ung-buou-2.jpg
Ảnh minh họa thực tế.

Nói về hiệu quả chủa giải pháp, TS.BS Nguyễn Anh Khôi cho biết Giải pháp cập nhật phác đồ điều trị ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cũng như các bệnh viện có điều trị ung thư lưỡi trên cả nước. Phổ biến trên các tạp chí và báo cáo tại các Hội nghị Khoa học, tiến đến đưa ra cập nhật phác đồ điều trị tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi. Đồng thời cập nhật vào các tài liệu giảng dạy y khoa.

Đến nay, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã áp dụng phương pháp trên cho hơn 300 trường hợp. Chi phí mỗi ca phẫu thuật chỉ khoảng 17 -18 triệu đồng, đồng thời còn được BHXH hỗ trợ nên bệnh nhân an tâm hơn.

“Ngoài ra, khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM trở thành nơi tiếp nhận hầu hết ca ung thư đầu cổ cần được tái tạo bằng kỹ thuật vi phẫu ở khu vực phía nam. Mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân mới, trong đó, có đến 50-60 ca trong tuần phải phẫu thuật. Trung bình mỗi ngày 2-3 ca nặng cần đại phẫu, thậm chí siêu phẫu. Khoảng 150 trường hợp được tái tạo vi phẫu mỗi năm. Con số này tương đương trung tâm tái tạo lớn ở New York (Mỹ)...” - TS.BS Nguyễn Anh Khôi cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư” rinh giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO