Rộn ràng mùa ruốc biển

MINH CHIẾN (Báo Bình Thuận)| 19/09/2013 10:08

Những ngày này, khắp các bãi biển từ Vĩnh Tân, Phước Thể đến Bình Thạnh, Chí Công...nhộn nhịp những con thuyền mang “lộc biển” vào bờ, đem lại niềm vui cho ngư dân làng biển.  

“Trúng” ruốc...

Sáng sớm, hàng chục chiếc ghe đầy ắp tôm, cua, cá, mực và ruốc biển hối hả cập bến Chí Công. Nhìn những thúng ruốc tươi màu gạch non được đưa lên từ khoang thuyền, lẫn trong tiếng cười nói và những tờ giấy bạc trao tay khiến chúng tôi không khỏi vui lây cùng ngư dân.

Ngư dân Mai Ngọc Bình, 56 tuổi, ở Chí Công cho biết, thường mùa ruốc bắt đầu khoảng tháng 7-8 âm lịch. Năm nay, con ruốc xuất hiện dày hơn năm trước, nó vào đến sát bờ, người đi tắm biển cũng cào được đến vài kg ruốc. Theo ông Bình mỗi ngày xuất bến, ngoài chuyện bội thu các loài hải sản khác, tàu của ông đem về từ 5 tạ đến 1 tấn ruốc biển, trừ chi phí, mỗi ngư dân được chia 700 đến 1,5 triệu đồng, cá biệt có hôm lên gần 2 triệu đồng. Công việc này tuy vất vả, nhưng giá ruốc đang cao nên bạn thuyền làm không thấy mệt.

Vừa bê giỏ ruốc vào bờ, ngư dân Trần Văn Lắm cho biết, năm nay cả làng đều bất ngờ khi thấy ruốc áp bờ nhiều như vậy. Ruốc vào bờ sẽ kéo theo rất nhiều cá ngân, cá lò, cá cơm, cá đuối…Dù chỉ xuất hiện hơn 2 tháng nhưng con ruốc mang lại cho người dân thu nhập rất cao, nhiều gia đình cũng bớt túng thiếu hơn. 

Gần 1 tháng qua, chị Nguyễn Thị Tư ở xã Chí Công cứ túc trực tại bến cá để mua ruốc tươi về phơi khô, rồi bán cho các tiểu thương ởTP Hồ Chí Minh. Chị Tư cho biết: “Con ruốc được xem là “lộc” biển mà thiên nhiên ban tặng cho ngư dân. Hiện ruốc tươi dao động từ 12.000- 20.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi mua gần 3 tấn ruốc. Mua đâu giao tiền đó cho ngư dân”.

Tại các bãi biển, người và xe cứ tấp nập tới lui. Những chiếc xe ba gác máy, xe honđa hối hả chở những giỏ cần xé ruốc đỏ tươi tỏa đi khắp mọi nơi. Nhiều tấm lưới mành được trải căng phơi đầy ruốc biển ven đường, khu đất trống. Đàn ông, thanh niên thì đảm đương việc cào vớt ruốc trên biển, phụ nữ thì mỗi người thủ cho mình một cái sàng chờ những mẻ ruốc tươi chồng con mang từ biển vào để phơi cho kịp nắng. Những nụ cười lấp lánh trên gương mặt của các bà, các cô.  

... và đặc sản “mắm ruốc Chí Công”

Ruốc Tuy Phong từ lâu đã được nhiều người biết đến, bởi hương vị thơm ngon, có thể dùng làm nhiều món như nấu canh, nộm, chiên... Tuy nhiên, món ăn ngon nhất từ ruốc của người dân miền biển chính là mắm ruốc Chí Công, bởi đây là loại thức ăn đã trở thành một nét văn hóa, một thứ đặc sản thơm ngon nức tiếng suốt thời gian qua. Ở Chí Công hiện nay có nhiều lò mắm ruốc, nhưng một trong những lò mắm ruốc nổi tiếng phải kể đến lò mắm ruốc của bà Phan Thị Chửng (thôn Hiệp Đức 1, Chí Công). Là người tiếp nối nghề truyền thống của gia đình  gần 20 năm qua, bà Chửng cho biết con ruốc ở biển Tuy Phong sau khi đánh bắt được đem vào bờ trong ngày nên chất lượng tốt hơn ruốc ở nơi khác. Những con ruốc nhỏ bé được bà mua về phơi khô 1 nắng, sau đó sàng sảy làm sạch, bỏ vào cối giã nhuyễn, rồi đem ủ trong lu chừng vài ba ngày... để cho ra một món mắm ruốc giữ nguyên màu đỏ gạch non óng ánh, trông thật bắt mắt, thơm ngon đúng độ. Cho nên người ta vẫn truyền nhau câu nói “Bánh tráng Chợ Lầu, mắm ruốc Chí Công”. 

Dọc theo tuyến đường ven biển, chúng tôi thấy rất nhiều sân phơi ruốc của ngư dân trong ánh nắng chói chang của đất trời Tuy Phong. Những con ruốc nhỏ bé ấy chính là thứ sản vật quý giá mà vùng biển quê hương bao đời nay đã ban tặng cho người dân nơi đây, cho họ cuộc sống ngày càng no đủ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng mùa ruốc biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO