Sống xanh

Quyền được sống trong môi trường trong lành

Minh Phương 01/09/2023 21:08

Điều 43 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định đặt ra “quyền được sống trong môi trường trong lành” trước khi thực hiện “nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, tức là nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường sống trong lành cho người dân trước khi yêu cầu họ tham gia bảo vệ môi trường.

Người dân có quyền sống trong môi trường trong lành

Dù trên lý luận hay thực tiễn, bản thân người dân có quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, việc thực hiện đó có hiệu quả đến đâu cũng phải dựa trên việc tổ chức của nhà nước và theo các khuôn khổ do nhà nước đặt ra.

Trên thực tế, người dân có thể thực hiện quyền này đến đâu? Lấy thí dụ một nhà máy thép ở một địa phương nọ, có những nhóm dân cư bị ảnh hưởng từ dự án này: nhóm thứ nhất là những người bị thu hồi đất để nhường chỗ cho việc xây dựng nhà máy.

Trong nhóm này, có thể một số sẽ có cuộc sống tốt hơn sau khi nhận đền bù và chuyển đến nơi khác sống, chọn công việc khác để làm. Nhưng nhiều người hẳn cảm thấy không vui hoặc không thấy cuộc sống mới tốt hơn do bị mất đi môi trường sống và môi trường làm việc quen thuộc, có khi gắn bó nhiều thế hệ.

Nhóm thứ hai, là những người sống xung quanh nhà máy. Trong số họ, hẳn có một số người trở thành công nhân, người lao động cho nhà máy hoặc làm công việc gắn lợi ích từ nhà máy (như buôn bán, cho công nhân làm việc tại nhà máy thuê nhà trọ…), nhưng cũng có không ít người bị thiệt hại do tiếng ồn, khói bụi… từ nhà máy.

anh-minh-hoa.jpg
Khi bị thu hồi đất nhằm phục vụ cho một dự án phát triển nào đó, nhiều người hẳn cảm thấy không vui hoặc không thấy cuộc sống mới tốt hơn do bị mất đi môi trường sống và môi trường làm việc quen thuộc, có khi gắn bó nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

Nhóm thứ ba, những người sống ở khu vực khai thác quặng phục vụ cho nhà máy, sống trên đường vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm của nhà máy... Trong số này, chắc cũng có những người phát sinh công việc tốt hơn liên quan đến hoạt động của nhà máy (như mở trạm xăng, dịch vụ ăn uống…) nhưng cũng có nhiều người cảm thấy ồn ào, bụi bặm do hoạt động các liên quan đến nhà máy.

Như vậy, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy thép đó, có một số người có lợi ích từ dự án này nhưng cũng có nhiều người khác bị thiệt hại. Nếu cho rằng những người có lợi ích, việc gánh tác hại là chấp nhận được, vậy những người không có lợi ích gì, việc gánh lấy hậu quả cần được giải thích thế nào đây? Hay họ xui rủi ở trong khu vực đó nên phải chấp nhận?

Ở đây còn chưa nói đến hậu quả về lâu dài, như ô nhiễm môi trường liệu có thể gây bệnh tật gì không, có ảnh hưởng đến sức khỏe và duy trì nòi giống không, tác động đến môi trường tự nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống các thế hệ sau như thế nào…, cũng như chưa nói đến sự sai phạm của nhà máy (nếu có) khiến môi trường bị xâm hại tức thì và gây ra những hậu quả nặng nề cho rất nhiều người sống rất xa nhà máy.

cac-du-an-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-anh-minh-hoa.jpg
Trách nhiệm nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan chức năng trước khi cho phép xây dựng nhà máy phải thực sự nghiêm túc, trách nhiệm chứ không phải làm cho có. Ảnh minh họa

Đương nhiên điều này đặt ra trách nhiệm nghiên cứu, khảo sát của các cơ quan chức năng trước khi cho phép xây dựng nhà máy phải thực sự nghiêm túc, trách nhiệm chứ không phải làm cho có.

Hay với một nhà máy giấy được cho là có “nguy cơ” bức tử một dòng sông, hậu quả thậm chí có nặng nề hơn, bởi ngoài những vấn đề tương tự như vấn đề đã nêu ở trên, còn có sự tác động môi trường, nguồn lợi thủy sản, nguồn nước, liên quan đến sản xuất, sinh hoạt, ăn uống của người dân ở trên dòng sông đó, vượt ra bên ngoài tỉnh đặt nhà máy. Và nhiều người trong số này chẳng có lợi ích gì liên quan đến nhà máy giấy cả.

Hoặc đơn giản hơn, một người đang sống ổn định, lâu dài ở một nơi; nhưng thời gian sau, có một doanh nghiệp đến thu mua nhiều nhà đất ở bên cạnh để tổ chức một nhà hàng tiệc cưới, gây ồn ào, náo nhiệt nhưng người đó chỉ có thể phiền hà, phản ánh với chính quyền địa phương chứ không thể nào đòi nhà hàng đó ngưng hoạt động hay dời đi nơi khác. Kể cả nếu có vi phạm, nhà hàng đó có thể bị phạt, có thể khắc phục phần nào nhưng về cơ bản tình trạng trên vẫn không thay đổi…

Như vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành nhiều khi không được thực hiện đầy đủ trong thực tế, nhiều trường hợp mang tính ngẫu nhiên, may rủi. Nhiều người phải chấp nhận phải sống trong một môi trường không trong lành mà không thể khiếu nại, yêu cầu bồi thường gì được.

Thậm chí, nếu cảm thấy không hài lòng và chọn nơi khác để sống, khi chuyển đến nơi mới đó, tình huống cũng có thể lặp lại tương tự. Phải chăng một quyền rất tích cực được quy định trong Hiến pháp không thể thực hiện được trong thực tế?

Dự án phát triển công nghiệp cần đồng thuận của người dân

Ở đây, đã đặt ra vấn đề quyền của người dân phải hỏi ý kiến của dân và tôn trọng ý kiến đó. Một dự án công nghiệp nói riêng và dự án phát triển kinh tế nói chung dĩ nhiên sẽ có mục tiêu là giải quyết công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành môi trường sống theo hướng công nghiệp, hiện đại…, nhưng dự án đó phải bảo đảm sẽ nâng cao chất lượng sống của phần đông người dân sống trong khu vực đó và những người sống ở khu vực có liên quan.

Do vậy, người dân ở đây cần được biết là khu vực mình đang sống hoặc gần chỗ mình sống sắp tới có một dự án, quy mô thế nào, tác động các mặt ra sao, nhất là các rủi ro. Các thông tin cung cấp cho người dân phải trung thực, chính xác, có căn cứ khoa học rõ ràng; người dân cần được giải thích các thắc mắc chính đáng.

Đồng thời, cần có quy định, với những dự án trên một số lĩnh vực nào đó (về công nghiệp nặng chẳng hạn), có số vốn nào đó (từ 1 triệu USD chẳng hạn), số người dân bị ảnh hưởng nào đó (từ 10.000 người bị ảnh hưởng trở lên chẳng hạn), diện tích khu vực bị tác động nào đó (từ 100 km2 trở lên chẳng hạn)…, bắt buộc phải lấy ý kiến người dân, bắt buộc phải có sự phản biện của các hội đồng khoa học độc lập, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, của báo chí…, theo những quy định phù hợp của luật pháp. Chỉ khi nào có sự đồng thuận của đa số người dân ở nơi đó mới nên triển khai dự án.

Đương nhiên, việc lấy ý kiến của người dân phải thực chất, không chiếu lệ, hình thức hoặc mang tính đối phó. Và ý kiến của người dân phải thực sự được tôn trọng.

Vì vậy, phải tránh việc nhà nước “ấn” một dự án nào đó xuống một khu vực nào đó, rồi lấy lý do phát triển kinh tế - xã hội mà bất chấp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Cần thiết phải cụ thể hóa quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân bằng các điều luật, quy định phù hợp, cũng như việc triển khai thực hiện trong thực tế đầy đủ hơn, hiệu quả hơn. Có như vậy, một điều khoản rất tiến bộ và tích cực của Hiến pháp mới thực sự trở thành quyền của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền được sống trong môi trường trong lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO