Tài chính

Ngân hàng tăng lãi nhưng vẫn lo nợ xấu

Nguyễn Dương 08/08/2023 06:52

Nửa đầu năm 2023, các ngân hàng lớn đều công bố lợi nhuận tăng khá. Có những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận kỉ lục trong quá trình hoạt động như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tuy nhiên, bức tranh này có giúp các ngân hàng yên tâm khi tỉ lệ nợ xấu đang tăng nhanh?

Tạp chí Khoa học phổ thông đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu để làm rõ hơn mâu thuẫn này.

- Thưa ông, lợi nhuận nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng lớn tăng khá tốt, thậm chí có đơn vị lãi kỉ lục như Vietcombank, BIDV hay MBBank... Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh tăng trưởng này?

- Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 theo tôi không được xem là khả quan. Trong khi nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,3% thì năm nay chỉ tăng hơn 4,7%. Bên cạnh mức tăng trưởng thấp, các ngân hàng còn chịu chi phí huy động vốn cao nhưng lãi suất cho vay giảm nhiều lần, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động giảm khoảng 2-3 điểm % còn lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 1-2 điểm %. Nhìn chung, lãi thuần từ hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn còn khá cao khi hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

- Nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều tăng nhanh. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Nợ xấu của các ngân hàng đang tăng là chuyện hiển nhiên. Có dịp dạo quanh khu vực TP.HCM, nơi được xem là đầu tàu kinh tế cả nước, sẽ thấy có rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Đồng thời, rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước không có đơn hàng mới. Doanh nghiệp không kinh doanh được thì không có tiền trả tiền đã vay ngân hàng, khiến nợ xấu tăng.

- Một số ngân hàng cho biết đang có mức dự phòng bao phủ nợ xấu đến 300-400%. Có nghĩa nhiều ngân hàng đang chuẩn bị khá tốt trước rủi ro tỉ lệ nợ xấu gia tăng?

- Theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tỉ lệ bao phủ nợ xấu = (Số dư dự phòng cụ thể + 0,75% dư nợ nhóm 1,2,3,4)/tổng nợ quá hạn. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, cho thấy ngân hàng càng có khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xóa các món nợ khó thu hồi. Một phần trong khoản trích lập này có thể được hoàn nhập trở lại khi thu hồi được nợ và chuyển thành lợi nhuận.

Tỷ lệ dự phòng nợ xấu cao cũng bảo đảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng không bị tác động bởi việc nợ xấu tăng cao. Vì nợ xấu có khả năng mất vốn sẽ được xử lý bằng dự phòng mà không ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu trên “sổ sách”.

ts-nguyen-tri-hieu-0709.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, nợ xấu có liên quan đến bất động sản sẽ còn tăng nhanh đến cuối năm.

Dự phòng bao phủ nợ xấu trong nửa đầu năm 2023 ở một số ngân hàng đang rất cao, điều này là tích cực, nhìn từ quan điểm kế toán. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, đây không phải dòng tiền thực mà chỉ là một hình thức hạch toán sổ sách. Khoản dự phòng này không phải là một cái quỹ nào đó mà mỗi năm ngân hàng bỏ vào một ít, để dành xử lý nợ xấu. Khi tỉ lệ này tăng lên, nghĩa là ngân hàng trích lập chi phí dự phòng nhiều hơn và giảm con số lợi nhuận trên sổ sách. Đổi lại, họ đóng thuế ít hơn và trả cổ tức cũng thấp hơn.

Do đó, nếu chỉ nhìn vào tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao mà cho rằng ngân hàng đó đang an toàn trước rủi ro nợ xấu, là một sai lầm. Nợ xấu cao nghĩa là dòng tiền cho vay ra không trở lại với ngân hàng, buộc ngân hàng phải huy động mới để bù đắp vào khoản tiền gửi đã huy động trước đó. Nếu nhiều nợ xấu không thu hồi được thì dù dự phòng nợ xấu có thể rất cao, nhưng cuối cùng sẽ đưa ngân hàng vào tình trạng mất thanh khoản và có thể dẫn đến sụp đổ.

- Thưa ông, tình trạng nợ xấu trong nửa cuối năm 2023 liệu có đảo chiều và giảm trở lại?

- Trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu, số doanh nghiệp phá sản còn nhiều, thì tình trạng nợ xấu tiếp tục tăng là điều dễ thấy.

Nợ xấu chỉ giảm khi nền kinh tế được phục hồi. Đến nay, chúng ta thấy rằng nền kinh tế còn khá trì trệ, trong khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng chưa phát huy nhiều tác dụng. Hầu hết doanh nghiệp vẫn đang đói vốn nhưng ngân hàng thì không cho vay được.

Trong các nhóm ngành, bất động sản sẽ có tỉ lệ nợ xấu tăng cao nhất. Hiện dư nợ ngành này chỉ chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên, các khoản nợ liên quan đến ngành bất động sản (cho vay xây dựng, cho vay thuê mua bất động sản và thế chấp khoản vay bằng bất động sản), thì chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, nợ xấu có liên quan đến bất động sản sẽ còn tăng nhanh đến cuối năm.

- Các ngân hàng vừa qua cũng tích cực rao bán các tài sản thế chấp bằng bất động sản. Ông thấy hoạt động xử lý nợ xấu của các ngân hàng có đang thuận lợi?

- Việc xử lý nợ xấu bất động sản của ngân hàng đang rất khó khăn. Họ đang ở vào thế đứng ngồi không yên, vì bán tài sản thế chấp đi cũng khổ mà không bán lại càng khổ hơn. Trong nền kinh tế đi xuống, giá trị tài sản thế chấp giảm mạnh, họ bán đi sẽ chịu lỗ rất nhiều. Nhưng nếu không bán thì nợ xấu tăng nhanh, cũng không thu được đồng nào.

cash2.jpg
Các khoản nợ liên quan đến ngành bất động sản chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

- Điều này ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận cả năm 2023 của các ngân hàng?

- Khi nợ xấu tăng, nghĩa là dòng vốn ngân hàng cho vay ra không quay về lại với ngân hàng ngày càng nhiều. Điều này có thể “bóp cổ” ngân hàng rất nhanh.

Ngân hàng có 2 cách để xử lý tình trạng này. Trước tiên là họ bán tài sản bảo đảm của người đi vay và thu tiền về, để trả cho người gửi tiền. Tuy nhiên, hiện nay, cách này đang rất khó thực hiện.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể huy động vốn mới để trả nợ cũ, bằng cách tăng lãi suất để thu hút người dân gửi tiền hoặc bán cổ phiếu để lấy tiền tăng vốn. Nhưng việc tăng lãi suất lại cản trở chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân).

Hiện nay thanh khoản của ngân hàng được xem là tốt. Nhưng đến một thời điểm mà dòng tiền từ nợ xấu không quay trở lại với ngân hàng, thì lúc đó ngân hàng sẽ chật vật huy động tiền gửi mới để trả tiền gửi cũ. Và vòng xoáy thanh khoản này có thể tăng tốc để đưa hệ thống ngân hàng vào khủng hoảng.

Hơn nữa, tôi cho rằng, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi tỉ lệ nợ xấu tăng nhanh, tăng trích lập dự phòng và từ đó tăng chi phí hoạt động.

- Cám ơn những chia sẻ của ông!

Nguyễn Dương