Dòng chảy

Ngành dịch vụ kéo tăng trưởng TP.HCM quý II lên 5,87%

Hồng Ân 02/06/2023 07:44

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) quý II năm 2023 ước tăng 5,87%, cao hơn 0,15% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do lực kéo từ sức mua nội địa được duy trì tốt.

Thông tin được công bố từ họp báo kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều 1/6.

Kinh tế bật tăng dù chưa đồng đều

Theo ông Trần Phước Tường - Phó cục trưởng Cục thống kê TP.HCM, GRDP quý II năm 2023 tăng 5,87%.

h-ong-tuong-1.jpg
Ông Trần Phước Tường - Phó cục trưởng Cục thống kê TP.HCM tại cuộc họp báo.

Trong đó, đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 0,2% vào mức tăng GRDP.

Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77% so với cùng kỳ 2022 và đóng góp tương ứng 18,3 ào tốc độ tăng GRDP.

Khu vực dịch vụ tăng 7,16% so với cùng kỳ 2022 và đóng góp 77% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 7,09%, đóng góp 70%.

“Trên cơ sở tăng trưởng quý II/2023, ước tính GRDP TP 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55% cao hơn 1,47% với cùng kỳ năm 2022”, ông Tường kết luận.

h-grdp-tp-qii.jpg

Bên cạnh đó, ông Tường cũng thông tin, số liệu 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy kinh tế TP đã có những chuyển biến tích cực tạo tiền đề tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm.

Ông Tường phân tích, thứ nhất, sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực so với các tháng trước.

Thứ hai, sức mua hàng hóa của thị trường nội địa vẫn tiếp tục được duy trì thể hiện qua Tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng/2023 tăng 9,4% so cùng kỳ.

Thứ ba, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục được cải thiện. Trong 5 tháng đầu năm 2023, TP có 18.630 doanh nghiệp thành lập mới và 6.459 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có 16.713 doanh nghiệp ngưng hoạt động và 1.530 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể.

Số dự án FDI đầu tư vào TP tăng đáng kể với 5 tháng đầu năm 2023 có 374 dự án FDI cấp mới, tăng 60,5% so cùng kỳ và có tổng số vốn đăng ký cấp mới đạt 200 triệu USD.

Thứ tư, lạm phát trên địa bàn TP bắt đầu giảm nhiệt là tín hiệu tốt cho tăng trưởng. CPI tháng 5/2023 giảm 0,09% so với tháng trước, qua đó góp phần làm CPI bình quân so cùng kỳ tăng nhưng có xu hướng tăng chậm lại.

Thứ năm, giải ngân vốn đầu tư công có bước khởi sắc. Trong 5 tháng đầu năm giải ngân đạt 9,4% theo Kế hoạch vốn Thủ tướng, cao hơn cùng kỳ 2022 (đạt 3,59%). Theo Kế hoạch của TP giao, giải ngân vốn đầu tư công 05 tháng/2023 đạt 16,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (đạt 5,8%).

Trong thời điểm khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực được xem là động lực cho nền kinh tế.

Cần quyết tâm và chủ động vực dậy kinh tế 6 tháng cuối năm

Dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Phó cục trưởng Cục thống kê TP.HCM cảnh báo, kinh tế TP vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.

h-grdp-tp-6-thang.jpg

Trong đó, đầu tiên là kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn TP vẫn tiếp tục giảm khi các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Trung Quốc vẫn chưa phục hồi.

Tiếp đến, tổng thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2023 đạt 43,0% dự toán và giảm 4,5% so với cùng kỳ, trong đó giảm cả 3 khu vực: thu nội địa giảm 3,4%; thu từ dầu thô giảm 9,3%; và thu từ xuất nhập khẩu giảm 6,2% so với cùng kỳ.

Nguồn thu giảm sẽ gây khó khăn đến nguồn lực TP và áp lực gia tăng để hoàn thành chi tiêu thu Kế hoạch thu ngân sách năm 2023.

Từ đó, TP cần quyết tâm thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nữa với tinh thần chủ động đối đầu thách thức, nắm bắt cơ hội và tập trung các giải pháp vào những vấn đề chính của nền kinh tế.

Trong đó, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm, thay thế và bổ sung các thị trường xuất khẩu tiềm năng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đào tạo và giới thiệu nguồn nhân lực.

Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn tư nhân vào trong sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu.

Ông Trần Phước Tường cũng cho rằng, cần thực hiện tốt kìm chế lạm phát bằng cách đẩy mạnh hiệu quả chương trình bình ổn giá, ưu đãi tín dụng cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn.

Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như: nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương; tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ để TP phát triển nhanh và bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành dịch vụ kéo tăng trưởng TP.HCM quý II lên 5,87%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO