Dòng chảy

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Cần giải quyết thấu đáo bài toán kinh tế báo chí

19/12/2023 - 09:30

Tình trạng xâm phạm bản quyền cùng nhiều tác động khác đang gây khó khăn về kinh tế cho các cơ quan báo chí.

Trong tuần này, Hội nghị báo chí toàn quốc do Ban tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức. Một trong những vấn đề sẽ được thảo luận rộng rãi tại hội nghị là kinh tế báo chí.

Trước thềm hội nghị quan trọng này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN phụ trách phía Nam. Ông Dũng nêu vấn đề: Làm thế nào để báo chí vẫn giữ được tôn chỉ, mục đích, làm tròn trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng, có tính chất định hướng về chính sách của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng vẫn phải có được nguồn thu để tái sản xuất, đầu tư và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, đó là một bài toán khó.

Nhiều cơ quan báo chí đối mặt với khó khăn

. Phóng viên: Bài toán mà ông nêu ra thực ra cũng là bài toán thường xuyên, liên tục mà cơ quan báo chí phải thực hiện, theo ông, vì sao bài toán ở giai đoạn này lại khó hơn?

baochi1.png

+ Ông Trần Trọng Dũng: Gần đây báo chí chịu rất nhiều tác động, cả khách quan và chủ quan.

Về mặt khách quan, sau đại dịch COVID-19, cách tiếp cận của bạn đọc (với báo in và báo điện tử) và khán giả đối với phát thanh, truyền hình đã thay đổi rất nhiều.

Điều này bắt nguồn từ khi TP thực hiện phong tỏa, đặc biệt báo giấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ thực tế đó, dần dần bạn đọc hình thành việc tiếp cận thông tin thông qua các thiết bị không dây, đặc biệt là thiết bị di động, gián tiếp làm ảnh hưởng đến kinh tế báo chí.

Trong khi các báo của chúng ta ở TP.HCM vẫn chủ yếu dựa trên quảng cáo trên báo in, còn quảng cáo trên các nền tảng khác và dù đã xoay chuyển nhưng quảng cáo trên báo điện tử vẫn còn không ít hạn chế. Đây là vấn đề lớn.

Về mặt chủ quan, ngay ở tòa soạn của các báo, vấn đề kinh tế báo chí cũng đã được quan tâm nhưng thực sự để làm kinh tế báo chí một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả thì không phải cơ quan báo chí nào cũng đạt được. Điều này phụ thuộc vào nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực làm về công tác này phải rất chuyên nghiệp, vừa hiểu biết về báo chí vừa phải có kiến thức về công nghệ, marketing và thị trường.

. Ngoài những tác động nêu trên, một thực tế khác mà báo chí VN đang phải đối mặt là bảo vệ bản quyền và sao chép nội dung, ông có cảm nhận được điều này?

+ Đúng vậy! Mặc dù trong Luật Báo chí có điều khoản quy định nguồn thu của các cơ quan báo chí được thu từ khai thác bản quyền nhưng có lẽ chỉ một phần của truyền hình có thể thực hiện tốt, còn lại với các báo, báo điện tử thì chưa làm được. Cho nên tình trạng sao chép, xâm phạm bản quyền báo chí gần như là phổ biến mà chưa có giải pháp phù hợp.

baochi2.png
Báo chí tác nghiệp tại một sự kiện ở TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Bảo vệ bản quyền và chia sẻ lợi nhuận

. Với vấn đề này, ngoài nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí, cấp hội và các cơ quan khác đã có động thái như thế nào để bảo vệ bản quyền và ngăn chặn các trang chia sẻ thông tin của báo chí, thưa ông?

+ Tại một hội thảo gần đây, Hội Nhà báo cung cấp thông tin, cho biết mới đây các nền tảng lớn như Google, Facebook đã phải trả tiền khai thác thông tin cho một quốc gia, trước đó Úc và một số nước đã yêu cầu các nền tảng phải trả tiền. Tuy số tiền đó không nhiều nhưng bước đầu đã được thực hiện.

Bộ TT&TT cho biết cũng đang hướng tới việc đề nghị các nền tảng lớn, đặc biệt là Facebook, Google, những nền tảng mà số lượng người VN sử dụng nhiều… để có thể chia sẻ nguồn lợi nhuận của họ nhưng điều này còn phải có quá trình để điều chỉnh về mặt pháp luật. Chúng ta có luật bản quyền và sở hữu trí tuệ nhưng riêng về báo chí, chúng ta chưa có quy định cụ thể cho câu chuyện này.

. Đó là việc chia sẻ nguồn thu, còn vấn đề bản quyền thì sao, thưa ông?

+ Cách đây hai tháng, Hội Nhà báo VN đã phối hợp với Hội Truyền thông số tổ chức hội thảo lớn tại Hà Nội về bản quyền báo chí trên không gian mạng, trong đó có rất nhiều đề xuất giải pháp về mặt pháp luật, công nghệ và các giải pháp khác để làm sao thực hiện việc đảm bảo bản quyền báo chí để có thể có nguồn thu ổn định, lâu dài cho các cơ quan báo chí.

Tóm lại, chúng ta đã thấy vấn đề đặt ra nhưng tôi nghĩ không phải ngày một ngày hai là có kết quả được mà phải có thời gian. Ngoài ra, bản thân nhận thức của các cơ quan báo chí về vấn đề này cũng cần phải nâng lên.

. Ông đề cập đến nhận thức về bản quyền của cơ quan báo chí, cụ thể là gì, thưa ông?

+ Theo tôi, bản thân các cơ quan báo chí phải nâng cao nhận thức và tôn trọng quyền bản quyền của đồng nghiệp thì chúng ta mới nói được với bên ngoài.

Ví dụ, chúng ta yêu cầu các nền tảng mạng xã hội, người dùng tôn trọng bản quyền thì chính cơ quan báo chí cũng phải tôn trọng bản quyền của báo bạn. Thực tế, rất nhiều báo sao chép của nhau mà không trả tiền bản quyền, khai thác hình ảnh của báo khác nhưng không đề tên và cũng không trả nhuận ảnh.

Cần sự hỗ trợ hơn nữa về chính sách thuế

. Nói về nguồn thu của báo chí, một số cơ quan báo chí cũng đã có chuyên mục thu phí bạn đọc, ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

+ Theo thông tin tôi nắm được thì hiệu quả vẫn chưa nhiều. Lý do là bên cạnh chất lượng của thông tin thì vẫn có nguyên nhân bản quyền. Bởi chỉ cần có người sao chép và lan truyền mà không cần phải trả một chi phí nào thì cơ quan báo chí không giữ được bản quyền.

Trong điều kiện việc sao chép rất đơn giản như hiện nay thì không có một biện pháp nào có thể ngăn được nếu không có luật pháp quy định cụ thể. Ngoài ra, bạn đọc cũng đã hình thành thói quen đọc không mất tiền, hay nói một cách dân dã là “đọc chùa”.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung này cũng có báo cho biết trang thu phí của họ trên báo điện tử đã cân bằng được thu chi, nếu đúng như thế thì rất mừng và đáng khuyến khích. Cho dù còn khó khăn nhưng tôi rất ủng hộ thu phí từ độc giả, vì như thế tờ báo mới sống bền vững, mới sống bằng nguồn của độc giả, còn những gì đang cản trở chúng ta trên con đường đó thì chúng ta phải tháo gỡ.

. Mới đây, Bộ TT&TT đã có đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10% đối với các nguồn thu của cơ quan báo chí, ông đánh giá thế nào về động thái này?

+ Đây là đề xuất rất đúng. Ngay từ năm 2020, lúc dịch bệnh bùng phát, Hội Nhà báo cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó có nội dung về giảm thuế. Điều đơn giản là tác phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, không chỉ theo quy luật cung - cầu như các hàng hóa khác mà nội dung lại phục vụ cho công tác tư tưởng, cung cấp thông tin chính sách, tuyên truyền.

Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế thì sẽ thiếu công bằng khi cơ quan báo chí cũng phải nộp thuế như các doanh nghiệp trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Cho nên cảm giác có gì đó không công bằng.

Việc cơ quan nhà nước giảm thuế cũng chính là để hỗ trợ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, có điều kiện sử dụng nguồn kinh phí hiệu quả hơn cho việc nâng cao chất lượng nội dung. Giảm thuế không phải để làm giàu cho cơ quan báo chí mà chủ yếu để cơ quan báo chí giảm bớt khó khăn để tái sản xuất sức lao động, ổn định cho người lao động và đầu tư, đặc biệt là những công trình về chuyển đổi số.

Tôi tin rằng Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến này để trình Chính phủ trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần phải đề cao vai trò của cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay. Rõ ràng trên thực tế, không phải cơ quan báo chí nào cũng được hỗ trợ một cách hiệu quả xuất phát từ nhiều yếu tố.

. Với những đánh giá như trên, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh của báo chí VN trong thời gian tới?

+ Từ những chính sách vĩ mô, từ những chiến lược về chuyển đổi số báo chí của Bộ TT&TT cho đến các địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, tôi tin rằng trong vòng 5-7 năm nữa chúng ta sẽ thấy được sự lột xác toàn diện của báo chí VN.

Thời điểm này tôi cảm nhận chuyển đổi số của báo chí VN đã sánh ngang, thậm chí có mặt còn nhỉnh hơn các nước trong khu vực. Chúng ta cũng chứng kiến được những thế hệ trẻ làm báo hiện nay đã nắm được công nghệ và đam mê nghề nghiệp, tôi tin rằng họ sẽ thành công.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Hồ Viết Thịnh/PLO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Cần giải quyết thấu đáo bài toán kinh tế báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO