Sống xanh

Phát huy nguồn lợi tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam

Trúc Nhã 24/08/2024 - 10:11

Thị trường tín chỉ carbon rừng ngập mặn được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia về tín chỉ carbon cho rằng thị trường này vẫn đang gặp nhiều rào cản khi chưa có khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết và rõ ràng để khai thác tối đa tiềm năng này.

Ngày 23/8, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tiếp tục thực hiện tổ chức tọa đàm chia sẻ thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển. Hoạt động này nhằm hỗ trợ các thông tin khoa học về sự phát triển thị trường carbon đồng thời cập nhật các khó khăn và thuận lợi trong việc xây dựng thị trường carbon hệ sinh thái rừng ngập mặn chất lượng cao.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện nay tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000 ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới và có tiềm năng vô cùng lớn về tín chỉ carbon.

du-lich-can-gio-6555.jpg.jpg
Rừng ngập mặn là tài sản quý, tiềm năng để khai thác “carbon Xanh".

Tiềm năng từ thị trường carbon xanh dương

Phát biểu trong buổi tọa đàm, TS Phạm Thu Thủy, Trường Đại học Adelaide (Úc) - Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết, trong 2 năm trở lại đây thị trường tín chỉ carbon rừng trên cạn, rừng nhiệt đới không được nhắc đến nhiều do các quốc gia trên thế giới và nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang tín chỉ carbon xanh dương (hệ sinh thái biển).

z5761269693190_4fdb44c7cb698a7d10fcda8d63a7a157.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm chia sẻ thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển

Hệ sinh thái carbon xanh dương là carbon được lưu trữ tự nhiên trong các hệ sinh thái ven biển, thường là trong đất ngập nước, và phổ biến nhất là rừng ngập mặn, đầm thủy triều và thảm cỏ biển. Các hệ sinh thái biển được đánh giá là một giải pháp có thể khai thác khả năng thu giữ carbon tự nhiên và sử dụng vào việc cô lập khí thải thay vì thảy chúng vào khí quyển. Điều này tạo ra những tác động tích cực về mặt kinh tế và môi trường đối với cộng đồng ven biển, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

z5761268378286_5812b962ad1dd91dc2e2b89b9a0808fd.jpg
Hệ sinh thái carbon xanh dương gồm: Rừng ngập mặn, đầm lầy bãi triều, cỏ biển

Cũng theo TS Thủy, hệ sinh thái carbon xanh dương có 3 hệ sinh thái có thể tạo ra tín chỉ carbon là rừng ngập mặn, cỏ biển, đầm lầy với tiềm năng rất lớn mà chúng ta chưa xem xét. Khả năng tích tụ hệ thống carbon chiếm 80% trữ lượng ở bộ rễ cây thuộc hệ thống rừng ngập mặn và chiếm 20% ở vùng ven biển chủ yếu là dòng chảy của nước và tích tụ của trầm tích.

“Từ các nghiên cứu trên toàn cầu, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển cũng như các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Campuchia đã đầu tư vào phục hồi hệ sinh thái tảo biển rất lớn. Những quy mô hệ sinh thái ven biển ở các quốc gia này có tiềm năng lớn trong việc bán tính chỉ carbon xanh. Nhận thấy dù tiềm năng hệ sinh thái thị trường carbon xanh dương là rất lớn tuy nhiên số lượng dự án thực hiện không nhiều” - TS Phạm Thu Thủy nói.

Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 31 dự án đang bán được tín chỉ carbon liên quan đến rừng ngập mặn. Thị trường tín chỉ carbon hiện nay chủ yếu đi theo mô hình tự nguyện, đầu tư cho các hoạt động bồi hoàn trong tương lai.

4.-thuc-trang-va-carbon-rnm-mekong-1-.pdf-image-087.jpg
Đước là loài cây xuất hiện phổ biến ở rừng ngập mặn

Hiện, thị trường carbon xanh phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể của địa điểm, địa phương và các loại carbon xanh khác nhau cũng có thể khiến việc định giá trở nên khó khăn hơn. Giá bán tín chỉ carbon rừng ngập mặn cao hơn rất nhiều so với dự án rừng trên cạn (rừng trên cạn 5-10 USD). Trong khi đó, vào năm 2022 trên toàn cầu có 6 dự án được đấu thầu, giá đấu thầu thấp nhất là 35 USD/tín chỉ.

"Trong thị trường carbon có nhiều giao dịch mua đi bán lại giữa các bên trung gian trước khi đến tay người mua cuối cùng. Vì vậy thông tin về giá mà chúng ta biết công khai là giá đã bị ép ngay từ vòng đầu tiên và người mua không biết được đã tăng gấp bao nhiêu lần. Trong quá trình đàm phán tôi luôn khuyến nghị cần phải hiểu người mua họ đang ở khâu nào trong thị trường để đạt hiệu quả nhất”- TS Thủy chia sẻ.

Các ngành giao thông và vận chuyển logistics, công nghệ thông tin, nhà máy sản xuất, công ty dược phẩm, dịch vụ là những ngành nghề có nhu cầu mua tín chỉ carbon rừng ngập mặn rất lớn” - theo Phạm Thu Thủy - Trường Đại học Adelaide (Úc).

Thách thức trong phát triển thị trường tín chỉ carbon

Thị trường carbon là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia, tạo nguồn lực thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.

z5761193452676_14402a91fdad1c08034a1f8f7465a8ce.jpg
PGS.TS Viên Ngọc Nam, Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ về thực trạng hệ sinh thái rừng ngặp mặn và trữ lượng carbon tại khu vực ĐBSCL.

Theo PGS.TS Viên Ngọc Nam, Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: Từ khi có thông tin thu hàng triệu USD từ tín chỉ carbon rừng, đi thực tế nhiều địa phương ai cũng muốn làm sao bán được tín chỉ rừng carbon. Chúng ta muốn bán tín chỉ carbon từ rừng cần làm từng bước chứ không thể nóng vội và đây là một vấn đề không hề đơn giản”.

Tương tự, theo TS Thủy, dù carbon rừng ngập mặn có tiềm năng lớn nhưng số lượng tín chỉ bán trên thị trường thế giới vẫn còn ít, nguyên nhân do các quốc gia gặp khó khăn trong xây dựng chính sách và thiếu hành lang pháp lý.

Bên cạnh đó, mặc dù tiềm năng cao tín chỉ carbon của rừng ngập mặn tại Việt Nam cao nhưng thực tế thị trường còn mới. Do đó tại Việt Nam muốn khai thác tiềm năng cần hoàn thiện cơ sở pháp hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách có tính chiến lược, mang tính hiệu quả để các doanh nghiệp, các bên liên quan có thể dễ dàng tiếp cận thị trường này.

Đồng thời, cần nghiên cứu và thu thập số liệu, thẩm định kiểm chứng các chi phí và lợi ích liên quan đến thể chế, xã hội và môi trường mà tín chỉ carbon rừng mang lại.

a132s3s-2017.jpg.jpg
Trồng rừng ngập mặn ven biển góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

Chia sẻ về những thách thức của rừng ngập mặn tại Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, theo PGS.TS Viên Ngọc Nam nhận định: hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái thay đổi như giảm diện tích rừng và thành phần đa dạng các loài. Ngoài ra, sạt lở, nhiễm mặn, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mê Kông như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn.

PGS.TS Viên Ngọc Nam gợi ý, vấn đề trước mắt hiện nay cần quản lý rừng bền vững tiếp đến nâng cao tuyên truyền cho người dân về tín chỉ carbon. Trong tương lai nơi nào có khả năng trồng rừng thì nên tích cực trồng rừng để gia tăng lượng carbon, đa dạng sinh học, đặc biệt là tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế việc sạt lở.

7b.jpg
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta đang được chú trọng khôi phục, bảo tồn.

Ngoài ra, các hoạt động bảo tồn và quản lý hướng tới bảo vệ, lưu giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn không suy thoái, phá huỷ hoặc mất rừng; hay như phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị suy thoái, phá huỷ… cũng tạo ra nguồn tín chỉ carbon xanh dương.

Có thể thấy, tiềm năng thị trường và nhu cầu thương mại các bon rừng khá lớn. Để thúc đẩy thị trường các bon rừng cả ở phạm vi trong nước và quốc tế, bắt buộc và tự nguyện, Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nhằm tận dụng các cơ hội, góp phần khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ các bon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam.

"Về rủi ro chính sách cho tín chỉ carbon tại Việt Nam thì việc kinh doanh chắc chắn sẽ có rủi ro tại bất kì ngành nào, kinh doanh carbon cũng không nằm ngoài điều đó. Dù vậy, dưới góc nhìn kinh doanh, càng rủi ro thì càng cơ hội, người nắm bắt cơ hội trước sẽ là người chiến thắng" - TS. Phạm Thu Thủy, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Đại học Adelaide (Úc) nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy nguồn lợi tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO