Phân loại tốt rác thải tại nguồn để thúc đẩy thị trường tái chế
Ngày 9/8, tại TP.HCM, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tổ chức kỷ niệm 3 năm thành lập với chủ đề "Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam".
Theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, thị trường tái chế ở Việt Nam còn yếu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Phần lớn nguyên nhân chủ yếu do công nghệ tái chế chưa phù hợp, công tác tái chế phân loại tại nguồn chưa đồng bộ,…
Hiện nay, Việt Nam đang có lượng rác thải sinh hoạt lớn, đặc biệt TP.HCM có gần 12.000 tấn rác mỗi ngày. Nếu phân loại tốt, số lượng rác dùng để tái chế rất có tiềm năng để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu như nhựa, giấy, thép,... Từ đó, ông Việt Anh nhận định, vấn đề tái chế rất quan trọng nhưng rác thải tại Việt Nam cần phải được phân loại tốt, đồng thời cần truyền thông ý thức cho cộng đồng để quy trình tái chế được nhanh hơn, thu được nhiều tài sản trở lại.
Theo ông Trần Việt Anh, các tổ chức tái chế ở nhiều nước trên thế giới đang phát triển mạnh, đặc biệt là các tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc). Các doanh nghiệp này quan tâm khai thác rác thải của Việt Nam, trong đó có rác thải về công nghiệp và xây dựng. Thực tế tài nguyên này của họ đã khai thác gần hết, do đó, các nhà đầu tư nhìn thấy Việt Nam có nguồn nguyên liệu lớn và muốn xuống tiền đầu tư.
Khó khăn lớn đối với doanh nghiệp tái chế Việt Nam hiện nay là thiếu kiến thức, nguyên liệu đầu vào chưa được phân loại tốt, doanh nghiệp không có nguồn lực để phân loại, công nghệ tái chế đắt tiền, đầu ra của sản phẩm tái chế chưa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn,...
"Những khó khăn đó, doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần sự hỗ trợ của các ban ngành, xúc tiến thương mại, các tổ chức nước ngoài chia sẻ về kiến thức", ông Trần Việt Anh chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) cho biết, hiện tại, công ty chuyên sản xuất giấy tái chế với công suất 25.000 tấn/ năm, diện tích nhà máy 60.000 m2. Một tấn giấy vụn tái chế sẽ bảo vệ 20 cây xanh (20 năm tuổi).
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, việc thu mua rác tái chế từ các hộ gia đình không xuất được hóa đơn giá trị gia tăng là cản trở của nhiều doanh nghiệp.
Hiện nay, các sản phẩm tái chế đang được nhiều người quan tâm, nhưng riêng tại Việt Nam thì còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh kỳ vọng có thể tuyên truyền cho người dân ý thức sử dụng sản phẩm tái chế nhiều hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thuận lợi trong việc đưa sản phẩm của mình ra thị trường, tiếp cận được khách hàng, doanh nghiệp, người dân.
Tại chương trình, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tái chế là xu hướng tất yếu, trên thế giới tái chế là tiêu chí bắt buộc, đây là cơ hội cho ngành tái chế của Việt Nam. Hiện nay chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.
Trong thời gian tới, ông Phan Tuấn Hùng mong muốn Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, thông tin về các chính sách ưu đãi thúc đẩy tái chế đến với doanh nghiệp.
Trong 3 năm qua, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tập hợp những doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, hiệp hội cũng tập hợp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về kinh tế xanh.
Trong hoạt động này, có nhiều doanh nghiệp nhỏ không có đủ nguồn lực sẽ được hiệp hội kết nối với những doanh lớn hơn để chia sẻ kiến thức. Đặc biệt, hiệp hội cũng tạo ra cầu nối giữa doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn với quỹ về môi trường để tìm nguồn vốn thay đổi công nghệ. Ngoài ra, hiệp hội đã tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ, start-up để phát triển kinh tế xanh.