PGS.TS Trần Văn Mẫn: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quan trọng nhất là sự đầu tư

HOÀNG NGUYỄN| 23/05/2023 16:28

Theo PGS.TS Trần Văn Mẫn - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, quan trọng nhất là cần có sự đầu tư.

Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang đến nhiều sự thay đổi, trở thành một động lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để trang bị các tri thức cho thế hệ tương lai. Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, nhiều trường đại học đã cải thiện, đẩy mạnh chức năng nghiên cứu khoa học (NCKH) bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo sinh viên. Nghiên cứu khoa học cũng là một trong những tiêu chí quan trọng nhất của các bảng xếp hạng quốc tế các đại học trong những năm gần đây.  

Trường đại học công lập phát triển mạnh NCKH do có lợi thế

Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) là một trong những đại học tốp đầu của Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế các trường đại học (QS Ranking), trong đó cùng với trường đại học Bách Khoa TP.HCM, trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN) là một trong những trường đại học có nhiều đóng góp các bài báo, công bố quốc tế lớn nhất.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa Học Phổ Thông, PGS. TS Trần Văn Mẫn – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, trường ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, NCKH, phát triển công nghệ gắn liền với công bố quốc tế đã được trường ĐH KHTN chú trọng từ lâu, đặc biệt trong những năm gần đây. Trong khoảng 10 năm gần đây, trường ĐH KHTN có khoảng 250 – 400 công trình, bài báo NCKH được công bố quốc tế mỗi năm. Trong giai đoạn tự chủ đại học, từ năm 2023, trường ĐH KHTN đặt mục tiêu đạt 1.000 công bố quốc tế mỗi năm, là con số công bố thuộc loại cao nhất trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam. 

PGS. TS Trần Văn Mẫn – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Theo PGS. TS Trần Văn Mẫn, để đẩy mạnh NCKH tại trường đại học thì yếu tố quan trọng nhất là sự đầu tư cho NCKH bao gồm con người, trang thiết bị, đề tài và các hệ thống hỗ trợ khác. Ở đây, các trường đại học công lập phát triển mạnh NCKH do có lợi thế lớn là nhận được sự các nguồn tài trợ của nhà nước, còn đa số các trường đại học tư thục cũng đã có chú ý đến nhưng chưa có sự đầu tư nhiều. 

“Tài trợ của nhà nước, thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ là nguồn đầu tư lớn nhất vào Trường ĐH KHTN cho NCKH, mỗi năm trường có từ 20-30 đề tài nghiên cứu tham gia. Hiện nay, trường còn được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) cho 04 dự án với mức đầu tư từ 2,5-6 tỉ đồng/dự án trong 24 tháng”, PGS. TS Trần Văn Mẫn chia sẻ. 

Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, yếu tố then chốt trong đầu tư cho NCKH chính là các chính sách tài chính của chính các trường. Nếu các trường đầu tư mạnh về tài chính cho các dự án nghiên cứu, có chính sách đãi ngộ tốt thì sẽ thúc đẩy NCKH trong cán bộ, giảng viên và cả sinh viên. PGS. TS Trần Văn Mẫn cho biết, trường ĐH KHTN cũng tăng cường nguồn lực tài chính cho các đề tài NCKH. Năm 2023, trường trích 30 tỉ đồng từ trong nguồn thu của trường để đầu tư hỗ trợ cho các NCKH của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Trường ĐH KHTN tăng cường nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các NCKH của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

“Hiện nay, từ các cấp lãnh đạo đến người dân Việt Nam chúng ta đều nhận thức được khoa học kỹ thuật và giáo dục là con đường duy nhất để vươn lên phát triển và hội nhập quốc tế. Kinh tế đất nước phát triển đi lên và sự đầu tư cho NCKH, nghiên cứu những bài toán lớn cũng tăng lên. Việt Nam chúng ta đi sau về KHCN nhưng cũng có lợi thế có thể tận dụng được kho sáng chế của thế giới. Đấy là triển vọng ‘màu hồng’ cho NCKH của chúng ta”, PGS. TS Trần Văn Mẫn chia sẻ.

Người thầy phải là người tham gia tạo ra tri thức mới 

Theo PGS. TS Trần Văn Mẫn cho biết, bên cạnh các yêu tố khác thì con người mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển NCKH. Trường ĐH KHTN có truyền thống NCKH, tích cực công bố các công trình, các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trong tương lai, nhà trường coi công bố NCKH trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus là định hướng bắt buộc đối với giảng viên tại trường ĐH KHTN và đang xây dựng hệ thống đánh giá, tăng lương cùng chế độ hỗ trợ đối với các giảng viên có công bố quốc tế các NCKH.

Hội thảo khoa học được trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức thường xuyên.

“Chúng tôi cho rằng có mối liên hệ giữa chất lượng giảng dạy của một người giảng viên có NCKH so với một giảng viên không có NCKH. Nhiều người cho rằng không có liên hệ gì, miễn là thầy thầy chịu khó đọc sách, dạy hay, có năng lực sư phạm tốt …là được. Nhưng trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì điều này không còn đúng nữa. Người thầy phải là phải là người tham gia tạo ra tri thức mới và khi NCKH thì giảng viên phải đọc rất nhiều, làm thí nghiệm, cập nhật tình hình nghiên cứu hiện nay trong lĩnh vực rất nhiều so với người không làm NCKH.

Và nhờ vậy, khối lượng tri thức cập nhật mới thông qua NCKH truyền vào những bài giảng. Đồng thời người giảng viên có NCKH thì nắm vững phương pháp hơn và bài giảng của họ sinh động, sát thực tế và cập nhật mới hơn. Những người chỉ đọc sách của người khác rồi chuyển sang bài giảng của mình, mặc dù có sư phạm tốt, có khả năng truyền đạt tốt nhưng chưa chắc đã góp phần vào giảng dạy, đào tạo ra các cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ phù hợp với thời đại mới hiện nay. Vì vậy, chúng tôi cho rằng NCKH phải là bắt buộc, là đương nhiên đối với các thầy, cô giảng viên.”, PGS. TS Trần Văn Mẫn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Trần Văn Mẫn: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quan trọng nhất là sự đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO