Giáo dục

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân: 'Lấy ý nghĩa đích thực của công việc làm động lực để vượt khó'

HOÀNG NGUYỄN (thực hiện) 08/03/2024 - 15:36

Định hướng theo ngành Công nghệ thông tin từ sớm khi đây còn là lĩnh vực mới tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân đã thành công, là một “bông hồng” hiếm hoi trong làng khoa học công nghệ thông tin hiện nay. Cô hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP.HCM (UIT); ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Xử lý Ngôn ngữ và Tiếng nói Tiếng Việt trực thuộc Hội Tin học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân có quá trình công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm với nhiều vị trí: trợ giảng, giảng viên, Trưởng Phòng Đào tạo và từ tháng 11/2020 là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP.HCM. “Những hướng nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân là: phát triển các kỹ thuật xử lý văn bản nền tảng và ứng dụng xử lý văn bản trong các lĩnh vực”.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Tạp chí Khoa học phổ thông có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP.HCM.

pgs.ts-nguyen-luu-thuy-ngan-2.jpg
PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG TP.HCM.

Xin chào PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân! Cô có thể cho biết mình đến với ngành Công nghệ thông tin như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân: Khi còn học cấp 3 tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), tôi được gia đình định hướng học chuyên Tin học vì đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam. Khi theo học, tôi thấy Tin học cũng thú vị, có nhiều ứng dụng trong thực tế sau này nên quyết định theo học CNTT.

Khi vào đại học, là nữ sinh ngành CNTT, cô có gặp khó khăn gì không?

-Trong lớp đại học của tôi, nữ sinh chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1/5. Do từ cấp hai đã học chuyên Toán, cấp ba học chuyên Tin học thì lớp đã ít nữ hơn nam nên tôi không thấy có gì khó khăn. Chỉ có lúc tôi được các bạn bầu làm lớp trưởng của lớp học 240 người thì tôi khá lo lắng vì không biết có thể làm tốt không. May là mọi việc cũng ổn.

Được biết, sau đại học, cô đã giành được học bổng và có bước ngoặt trong hành trình chinh phục tri thức CNTT khi đi du học Nhật Bản phải không?

- Đúng như vậy! Tôi nhận được học bổng do Công ty Panasonic tài trợ năm 2005. Học bổng này ban đầu dành cho đối tượng là trợ giảng, nghiên cứu viên trẻ của một số trường đại học Việt Nam. Chúng tôi phải vượt qua ba vòng tuyển chọn: hồ sơ, phỏng vấn vòng 1 về chuyên môn, phỏng vấn vòng 2. Cuối cùng, tôi là 1 trong 2 người được chọn.

Tôi có bản tính tò mò từ khi còn nhỏ nên ước muốn được đi du học để nâng cao kỹ năng nghiên cứu chuyên môn và thỏa mãn sự tò mò tìm hiểu về đất nước, con người Nhật Bản. Và học bổng Panasonic là bước ngoặt, giúp tôi thực hiện được ước mơ ấy vào cuối tháng 3/2005.

Lý do nào khiến cô chọn Nhật Bản để đi du học mà không phải một đất nước khác?

- Năm học lớp 11, khi học môn Địa lý, tôi được biết về sự phát triển thần kỳ của xã hội và nền kinh tế Nhật Bản. Tôi rất quan tâm đến lý do tại sao như vậy và mong muốn một ngày nào đó đến Nhật Bản để khám phá “bí mật” đằng sau tất cả những điều đó. Ước mơ này cũng là động lực để tôi học tập tốt hơn.

Khi đến Nhật Bản du học, cô gặp những khó khăn, thách thức nào?

- Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất đối với tôi khi đó, đến nỗi tôi không thể trò chuyện với bất kỳ ai trong phòng thí nghiệm trong 6 tháng đầu tiên ở đó. Để khắc phục, ngoài các lớp học tiếng Nhật dành cho sinh viên quốc tế tại trường đại học, tôi còn tham gia các lớp học tiếng Nhật dành cho người nước ngoài 2 lần mỗi tuần tại quận Suginami, Tokyo - nơi tôi sống. Tôi cũng ra ngoài ăn trưa, ăn tối với những người trong phòng thí nghiệm và tham gia các hoạt động tình nguyện vào cuối tuần. Phải mất 1 năm, tôi mới có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật. Đó là trài nghiệm thú vị mà tôi không thể quên.

Ngoài ngôn ngữ thì lúc đầu tôi cũng gặp khó khăn một chút về khí hậu và văn hóa. Tôi cũng hiểu nhầm ý người Nhật vì trong một số trường hợp họ sẽ không trả lời không mà sẽ nói cách khác không trực diện. Còn khí hậu thì tôi quen ở TP.HCM ấm áp quanh năm nên thời gian đầu chưa quen với cái lạnh mùa đông ở Nhật Bản.

Và cô có khám phá ra “bí mật” đằng sau sự phát triển thần kỳ của kinh tế xã hội Nhật Bản không?

- Tôi nghĩ mình đã tìm ra được một bí mật quan trọng đằng sau sự phát triển thần kỳ của kinh tế xã hội Nhật Bản, đó là sự nỗ lực của người dân. Họ cư xử rất tôn trọng, quan tâm đến những người xung quanh, rất hợp tác trong công việc và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Trở về Việt Nam công tác, những kiến thức và kinh nghiệm có được khi đi du học được cô sử dụng như thế nào?

- Kinh nghiệm nghiên cứu được tôi sử dụng để tổ chức nhóm nghiên cứu, dẫn dắt thế hệ trẻ, viết đề cương và triển khai thực hiện nghiên cứu. Những kinh nghiệm này cũng được tôi áp dụng vào công tác nghiên cứu. Ngoài ra, tôi còn học hỏi một chút tác phong làm việc của người Nhật như hòa nhã, hết mình, hợp tác, vì tập thể.

pgs.ts-nguyen-luu-thuy-ngan-4.jpg
PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân trao học bổng cho sinh viên.

Tại UIT, chúng tôi có chương trình đào tạo cử nhân công nghệ thông tin Việt - Nhật mở từ năm 2018. Chương trình dạy tăng cường tiếng Nhật, văn hóa làm việc Nhật và một số môn học chuyên ngành bằng tiếng Nhật. Sinh viên ra trường hướng đến làm việc được theo chuẩn các công ty Nhật Bản. Tôi cũng có đóng góp một chút vào việc xây dựng chương trình, mời các giáo sư người Nhật giảng dạy, giới thiệu nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên. Tôi cũng tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên.

Là nhà khoa học nữ trong lĩnh vực CNTT, cô nhận thấy phụ nữ làm khoa học có thuận lợi và khó khăn gì? Bí quyết nào để thành công, vượt qua khó khăn đó?

- Tôi nhận thấy, nhà khoa học nữ có thuận lợi là đồng cảm với những vấn đề xã hội, nhu cầu liên quan đến phụ nữ và trẻ em, từ đó có thể có những ý tưởng nghiên cứu hướng đến những nhu cầu đó. Khó khăn là việc sinh con và chăm con nhỏ sẽ làm giảm thời gian tập trung cho công việc của phụ nữ.

Bí quyết vượt qua khó khăn của tôi là làm hết sức theo khả năng của mình, lấy ý nghĩa đích thực của công việc làm động lực. Ý nghĩa lớn nhất trong công việc hiện tại của tôi là đào tạo thế hệ trẻ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân!

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân 43 tuổi, quê quán Đồng Nai. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành CNTT, chuyên ngành Công nghệ tri thức (năm 2003) tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM; ThS ngành Khoa học và CNTT, chuyên ngành Khoa học máy tính (năm 2008) và TS. ngành Khoa học và CNTT, chuyên ngành Khoa học máy tính (năm 2012) tại Trường Sau đại học Khoa học và CNTT, Đại học Tokyo, Nhật Bản. Năm 2023, cô đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh Phó Giáo sư. Cô đã công bố 87 bài báo khoa học, trong đó 13 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín (tác giả chính của 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín); chủ trì thực hiện thành công 2 đề tài NCKH cấp Bộ và 2 đề tài cấp cơ sở; hướng dẫn 14 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn ThS.

Nếu nhận xét ngắn gọn về PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân thì tôi có thể chốt trong 3 tính từ: mạnh mẽ, năng động và đầy nữ tính. Ngoài khả năng chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu rất tốt, Ngân là người dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Ngân
năng động, sáng tạo giải quyết các vấn đề, sẵn sàng tiến bước vượt qua khó khăn, trở ngại và cũng rất mềm dẻo, linh hoạt trong giao tiếp, vận dụng hay sự nữ tính để giải quyết xung đột. Ngân cũng được mọi người ở trường yêu mến gọi là hoa hậu của trường, bông hồng của làng CNTT.
Với cương vị Phó Hiệu trưởng UIT, PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân phụ trách các mảng công tác: đào tạo đại học, đào tạo ở các cấp
dưới trình độ đại học, tổ chức tuyển sinh và xét tuyển, các chương trình do Văn phòng các chương trình đặc biệt phụ trách. Công tác đào tạo của trường chuyên nghiệp và lấy sinh viên làm trung tâm. Ngân rất sâu sát và theo dõi chặt chẽ, phân tích các kết quả đào tạo từ đó đề xuất, xây dựng các giải pháp như giải
pháp nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn hay giảm tỷ lệ buộc thôi học"

PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng
Trường ĐH Công nghệ Thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân: 'Lấy ý nghĩa đích thực của công việc làm động lực để vượt khó'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO