Nương tựa vườn quê

Tường Vân| 25/03/2023 06:30

Tôi phát hiện ra, sống ở quê, lâu nay mình rất ít đi chợ. Mâm cơm gia đình được gom hết từ vườn vào. Những món ăn từ vườn dù giản dị, đơn sơ đúng nghĩa “mùa nào thức nấy”, nhưng đủ đầy cả chất lẫn vị cho một người biết nương tựa tự nhiên và không có quá nhiều khao khát “ăn ngon mặc đẹp”.

Kiếm ăn từ vườn

Thực ra, các món ăn ở vườn chẳng phải sự sáng tạo của riêng mình. Lớn lên từ thôn quê, trải qua tháng ngày đói kém, vất vả mà học được cách kiếm ăn trong vườn của cha mẹ, anh em. Ðó từng là “kỹ năng sinh tồn” một thời. Những đứa trẻ ở quê như chúng tôi mới tí tẹo đã thuộc lòng loại rau nào ăn được, rau nào không. Bao nhiêu năm trưởng thành ở thành phố rồi trở về, kỹ năng ấy không hề mai một.

Ngoài các loại rau quen thuộc trồng trong vườn, thỉnh thoảng chúng tôi “đổi món” bằng các món rau dại, kể mãi không hết tên. Mỗi lần cỏ mọc cao quá đầu gối, bố tôi lại phát đi, cỏ đổ rạp xuống đất, khô mục thành phân hữu cơ cho các loài cây trong vườn. Dưới lớp cỏ mục đó là vô vàn loài rau dại đâm mầm tua tủa.

Tôi thích nhất là đám rau má dại, người ở quê tôi gọi là rau má chuột. Lá rau nhỏ, cuống ngắn, không to như rau má mua ngoài chợ. Ngó rau bò loằng ngoằng trên mặt đất nên mỗi lần dứt một khóm là cả một đám ngó “dây mơ rễ má” xung quanh bám theo. Rau má mang về lọc bớt rễ và phần ngó già, cắt nhỏ rồi nấu canh. Vị canh thơm ngon, vị đậm đà, đắng nhẹ và ngọt mát. Phần rễ và ngó rửa sạch, đem nấu nước uống thành món giải khát cho ngày nóng nực.

Không co cụm thành đám, những cây cải mặt trời mọc rải rác, lẫn trong đám cỏ dại nhưng rất dễ phát hiện. Vì lá cải trời có những đường gân tim tím và lớp lông tơ mịn màng, lóng lánh trong nắng. Ðọt cải trời mang về xào rất thấm gia vị, ăn thơm béo, bùi và hơi nhằng nhặng đắng.

Một loài rau dại trong vườn ăn mãi không hết đó là rau dệu (hay còn gọi là diều diệu). Chúng tự mọc thành những bụi tròn xoe, lá dài như hạt dưa, ăn bùi bùi ngòn ngọt. Gần đến bữa cơm, chỉ cần ra hái một nắm vào luộc hay xào, nấu canh tập tàng đều rất ngon. Thuở còn nhỏ, hầu như ngày nào, nhà tôi cũng có món canh rau dệu, không có thịt hay tôm mà nấu chung như bây giờ, cứ những chén canh suông trường kỳ mà không chán.

Hôm nào trong gia đình có người mất ngủ thì ra bờ rào bứt một ôm rau lạc tiên đem vào bứt lấy đọt luộc. Rau lạc tiên bùi bùi đăng đắng có tác dụng chữa mất ngủ cực hay, như một loại thuốc an thần kì diệu.

Vào những ngày hè nóng nực, mẹ lại chặt về một cây chuối tơ (chuối non chưa ra buồng) để ăn sống. Cây chuối phải là chuối sứ mới ngon, lột bỏ hết những lớp bẹ già, chỉ giữ lại phần thân non trắng nõn nà, sau đó dùng dao thật sắc bào mỏng, ngâm nước muối hoặc chanh là ăn sống được ngay. Tôi thích vị nguyên thủy của thân chuối ngọt thanh, mát rượi. Có lúc, nhà có sẵn thịt vịt, chúng tôi trộn gỏi thân chuối với thịt vịt xé sợi, thêm rau răm, chanh ớt, mắm đường, đậu phộng rang. Món ăn đầy đủ hương vị chua cay mặn ngọt béo ngậy, vô cùng tốn cơm.

Hương vị nguyên bản của rau cỏ trong vườn

Ở vườn không kể hết những loài rau cỏ có thể thành món ăn, như đám xuyến chi mọc dại quanh khắp gốc cây vốn bị xem là phiền phức. Bởi hạt xuyến chi chẳng khác gì đám cỏ may, cứ bám chặt vào áo quần, mỗi lần ra vườn vào là mất hàng giờ gỡ chúng. Nhưng đọt non xuyến chi có thể xào lên với tỏi ăn rất lạ miệng. Mùi hăng hăng, nồng nồng lan tỏa trong vòm họng.

Hay vào mùa mưa, hạt khổ qua rừng gặp đất ẩm, mọc đầy các gốc cây mít trong vườn nhà chúng tôi, vậy là lại thêm một loại thức ăn tự nhiên có sẵn trong vườn. Quả khổ qua rừng nhỏ chỉ như ngón tay cái cũng có thể bào mỏng xào trứng hoặc ăn sống, kẹp một miếng thịt luộc, chấm mắm nêm. Vị đắng của khổ qua cân bằng vị béo của thịt, lại thêm vị mằn mặn, cay cay của mắm, nhiều người phải nghiện món dân dã này.

Tôi yêu thích hương vị nguyên bản của rau cỏ nên thường không chế biến cầu kỳ hay nêm nếm quá nhiều gia vị. Như vị ngọt cũng là vị ngọt tự nhiên của một cây rau đủ nắng, được đất đai nuôi dưỡng đủ tháng đủ ngày. Vị nhờ nhợ đắng, bùi, chát của vài loại rau gần gũi với vị của các loại cây thuốc tự nhiên. Bạn tôi từ thành phố lên thăm hài hước bảo rằng nên hỏi “trong vườn có cái gì không ăn được?”, vì nếu hỏi “trong vườn có cái gì ăn được?” thì câu trả lời chắc chắn sẽ rất dài.

Nhiều lần, tôi tưởng mình có vườn là mình được “làm chủ” ít nhất là làm chủ cây cối, hoa lá. Nhưng tôi đã lầm, hóa ra, rau cỏ nương nhờ tự nhiên, gió đưa hạt đi đâu thì cây mọc lên ở đó. Chỉ có sự gắn bó với vườn mới phát hiện “kho tàng” hoa cỏ, như người mẹ quán xuyến nhà cửa và luôn biết các món đồ ở đâu.

Lâu nay, chúng tôi học cách trân trọng những loài cây trong vườn. Vườn cho gì thì mình nhận thứ nấy, coi như một thức quà, để có cớ mà vui mừng. Như cảm giác sung sướng khi nhìn thấy một dây sương sâm mọc lên sau rất nhiều năm tưởng chừng “tuyệt chủng” hay lâng lâng khi tìm được một đám nấm mối mới nhú lên sau cơn mưa. Ðúng là nhận quà bao giờ cũng khiến chúng ta vui, huống chi người gửi là mẹ thiên nhiên diệu kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nương tựa vườn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO