Công nghệ

Nhóm tác giả trẻ tạo ra mắt kính thông minh cho người khiếm thị

Ngọc Duy 10/05/2024 - 12:25

Mắt kính kết hợp công nghệ thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo, giúp người khiếm thị có thể đọc văn bản, nhận dạng môi trường, tiền mặt, trợ lý ảo giúp tiếp cận tri thức và khả năng xác định vật cản.

Đây là sản phẩm do nhóm tác giả trẻ của Quỹ Tâm nguyện Việt nghiên cứu từ năm 2020. Sau hơn 2 năm nghiên cứu và triển khai, mắt kính được hội đồng quản lý quỹ nghiệm thu và sản xuất, cung cấp cho Hội Người mù TP.HCM và Hội Người mù quận 5.

“Giải pháp tác động tích cực với xã hội người khiếm thị”

Bạn Phạm Mai Mẫn Nhi (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) - Đồng chủ nhiệm dự án, đại diện nhóm, cho biết, mắt kính thông minh bao gồm bộ điều khiển cầm tay và mắt kính được kết nối qua dây. Bộ điều khiển cầm tay bao gồm: pin, nút nhấn, công tắc nguồn, máy tính Raspberry Pi Zero, và mạch sim.

anh-1.png
Sản phẩm mắt kính thông minh cho người khiếm thị.

Mắt kính bao gồm: cảm biến khoảng cách, camera, micro, mạch âm thanh kèm loa hoặc tai nghe, và động cơ rung. Bộ điều khiển cầm tay là vỏ được in 3D bằng nhựa để người sử dụng cầm tay hoặc đeo vào túi. Trong bộ điều khiển cầm tay có máy tính Raspberry Pi Zero chạy hệ điều hành được lập trình các thuật toán xử lý. Trên các nút nhấn có các chấm nổi theo dạng chữ Braille để người khiếm thị phân biệt.

“Khác với các sáng chế trước đó chỉ có thể xác định khoảng cách, mắt kính của nhóm đã ứng dụng công nghệ thị giác và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các chức năng như: đọc báo, mô tả môi trường, nhận dạng tiền mặt và trợ lý ảo cho người mù. Trên thế giới dù đã có sản phẩm tương tự, nhưng vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt”, Mẫn Nhi chia sẻ.

Chức năng đo khoảng cách phát ra các tín hiệu xúc giác từ bộ rung động của mắt kính giúp phát hiện được vật cản ở xa hay gần, nâng cao khả năng tránh vật cản, cùng với công nghệ xử lý ảnh nhận dạng tên vật cản, giúp người sử dụng an toàn hơn khi di chuyển.

Ngoài ra, mắt kính còn áp dụng những tiến bộ về công nghệ thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo để giải quyết bốn trường hợp thường gặp trong cuộc sống hàng ngày của người khiếm thị là đọc văn bản, mô tả không gian, nhận dạng tiền mặt và trợ lý ảo. Sau khi được xử lý sẽ được trả về bằng giọng nói tiếng Việt qua tai nghe.

“Mắt kính giúp người khiếm thị cải thiện chất lượng sống, tác động tích cực tới tư duy và lao động, qua các chức năng cần thiết như nhận dạng văn bản, mô tả môi trường, nhận dạng tiền Việt Nam, trợ lý ảo tương tác giúp tiếp cận với tri thức. Chức năng đo khoảng cách giúp người khiếm thị di chuyển dễ dàng, tránh vật cản và tai nạn, nâng cao an toàn trong lao động, sinh hoạt. Giải pháp tác động tích cực với xã hội người khiếm thị”, Mẫn Nhi nói thêm.

anh-2.jpg
Nhóm tác giả (từ trái qua phải): Trịnh Quốc Huy (sinh năm 2002), Đào Anh Hào (sinh năm 2021) và Phạm Mai Mẫn Nhi (sinh năm 2003).

Sản phẩm của khoa học và nhân văn

Trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, sản phẩm đã được thử nghiệm tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và Hội Người mù TP.HCM. Kết quả, sản phẩm nhận được 80% đánh giá tích cực và khách quan về tính năng sử dụng bởi người khiếm thị. Sau đó, sản phẩm được triển khai sản xuất đại trà với hơn 10 sản phẩm mỗi tháng.

“Vì giải pháp mang tính nhân văn và nguồn cung cấp từ các quỹ từ thiện nên chúng tôi không đặt nặng vấn đề doanh số và nguồn thu của sản phẩm. Các vấn đề về quảng cáo và sản xuất cũng được cơ quan chủ quản bảo trợ”, đại diện Quỹ Tâm nguyện Việt chia sẻ.

Là cố vấn chính, thầy Tô Nguyên Châu - Chủ tịch Hội Người mù Quận 5 (TP.HCM), giảng viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đã trực tiếp hướng dẫn và trải nghiệm sản phẩm. Trong quá trình thử nghiệm, chức năng nhận dạng văn bản đã quét thử trên hai mẫu khác nhau, hoạt động tốt. Chức năng nhận biết không gian đã thử hai lần cũng hoạt động tốt.

“Những bạn trẻ thông minh, kiên nhẫn, có cái nhìn tích cực và có tấm lòng hướng về cuộc đời này với những sản phẩm giúp ích cho cuộc sống, nỗ lực làm những việc cho cuộc đời, còn nhỏ làm việc nhỏ, lớn lên làm việc lớn...”, thầy Châu nói.

anh-3.png
Ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Người mù TP.HCM đang thử nghiệm sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Kiên - Chủ tịch Hội Người mù TP.HCM đánh giá cao những chất của người trẻ về khoa học và nhân văn. Với chiếc mắt kính này, những người mù có thể sử dụng bất cứ lúc nào khi cần đọc hay mô tả môi trường xung quanh, thời tiết, sử dụng tiền tệ…

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, thay mặt những người mù cảm ơn nhóm tác giả trẻ đã nghiên cứu mắt kính và các cơ quan, nhà tài trợ có tấm lòng quan tâm đến những khó khăn, khát vọng của người mù.

“Cái quan trọng nhất là tấm lòng của các em. Còn về sản phẩm là cả một quá trình dài nghiên cứu chứ không phải ngày một ngày hai là được. Tôi hy vọng các phiên bản sau sẽ càng hoàn chỉnh và ngày một tốt hơn", ông Trường nói.

Mắt kính thông minh cho người khiếm thị của nhóm tác giả Quỹ Tâm nguyện Việt đã đạt giải ba Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2024, trao ngày 23/4/2024.

Trước đó, giải pháp cũng đã nhận được nhiều giải thưởng khác, như: Được vinh danh tại Chương trình Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn cầu InnoCity 2021 của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Giải Nhì Cuộc thi Tìm kiếm ngôi sao khởi nghiệp sáng tạo Edtech Festival 2021 của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; Giải Ba Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm tác giả trẻ tạo ra mắt kính thông minh cho người khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO