Ngồi một chỗ vẫn truy cập được mọi ngóc ngách của trường nhờ chuyển đổi số
Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM đã tiếp nhận công trình chuyển đổi số cho toàn bộ cơ sở vật chất của trường từ Công ty Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast). Với việc chuyển đổi số này, sinh viên, giảng viên... có thể ngồi một chỗ vẫn truy cập được mọi ngóc ngách của trường.
Công ty Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) và Trường ĐH Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ bàn giao và tiếp nhận công trình chuyển đổi số đa nền tảng, đa chức năng cho toàn bộ cơ sở vật chất của trường. Thông tin được chia sẻ tại lễ bàn giao công trình chuyển đổi số cho Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM diễn ra vào chiều ngày 10/10 - đúng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
Số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất của Trường ĐH Bách khoa
Theo ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch HĐQT Portcoast, công trình số hóa hệ thống cơ sở vật chất của Trường ĐH Bách khoa mang toàn bộ không gian tại hai cơ sở (quận 10 và khu đô thị ĐHQG TP.HCM) lên trên nền tảng số.
Công trình thể hiện không gian ba chiều của 29 tòa nhà cùng 50 phòng thí nghiệm điển hình của 12 khoa/trung tâm đào tạo, các trung tâm nghiên cứu, thư viện Trường ĐH Bách khoa thông qua hệ thống hình 360 độ chất lượng cao.
Song song đó, còn có các thông tin song ngữ Việt - Anh, hình ảnh, âm thanh, video... giới thiệu về các khoa, trung tâm, các loại thiết bị phục vụ giảng dạy. Nhờ đó, người dùng sẽ có được góc nhìn tổng quan về môi trường học tập, sinh hoạt tại Trường ĐH Bách khoa, đáp ứng nhu cầu truyền thông - tuyển sinh từ xa của Trường.
Ngoài ra, chuyên gia của các tổ chức kiểm định quốc tế có thể dựa trên công trình để đánh giá tiêu chí cơ sở vật chất mà không cần tốn nhiều thời gian, chi phí.
Người dùng có thể trải nghiệm công trình trên nhiều nền tảng khác nhau, từ máy tính đến điện thoại/IPad và kính thực tế ảo (kính VR).
Đặc biệt, công trình chuyển đổi số còn tích hợp nhiều tính năng “động” khác, cho phép người dùng thao tác trực tiếp tại bất cứ điểm nào trên mô hình 3D của Trường như đo đạc vị trí, tính toán các thông số hình học tọa độ XYZ, chu vi, diện tích, thông số màu, so sánh sự thay đổi về cơ sở vật chất giữa các năm... Ngoài ra, giảng viên cũng có thể ghi chú trực tiếp những điểm hư hỏng của thiết bị lên ảnh 360 độ trên nền tảng này, sau đó, nền tảng sẽ tự động thông báo đúng vị trí thiết bị cho cán bộ phụ trách qua email. Đây cũng là điểm đặc biệt mới so với các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo (3D Virtual Tour) thường chỉ cung cấp trải nghiệm với các hình ảnh 360 dạng tĩnh...
“Khi được tích hợp vào công trình thực tế ảo, các tính năng “động” trên sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác và chi tiết về cơ sở hạ tầng của Trường, từ đó góp phần tối ưu hóa công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất cũng như tăng cường hiệu quả quản trị số của Trường.
Bên cạnh đó, tại Thư viện, Portcoast bước đầu tích hợp một số đầu sách điện tử, cho phép nhiều sinh viên dùng chung cơ sở dữ liệu cùng lúc mà không giới hạn về không gian, thời gian truy cập. Trên không gian ảo của Thư viện, sinh viên có thể di chuyển đến giá sách và click vào cuốn sách đã được số hóa để đọc chúng...” - Chủ tịch HĐQT Portcoast chia sẻ.
Portcoast đã ứng dụng nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại như công nghệ định vị tọa độ & cao độ với các thiết bị GPS Trimble R12i, GPS Leica GS18i, Robotic Total Station Leica TS60; công nghệ 3D Laser Scanning với thiết bị Mobile Mapping Trimble MX50, thiết bị quét Laser Leica P50, Laser RTC 360... để xây dựng công trình lần này.
Tăng cường hiệu quả quản trị số hệ thống cơ sở vật chất cho trường
Tại lễ tiếp nhận công trình, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho biết đây sẽ là một công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm định chất lượng cũng như tăng cường hiệu quả quản trị số hệ thống cơ sở vật chất cho trường.
Công trình chuyển đổi số được Portcoast cùng Trường Đại học Bách khoa hoàn thiện trong vòng một năm. Thời gian triển khai công tác thực địa (bao gồm chụp ảnh, đặt trạm laser scan, bay flycam) tại hai cơ sở của Trường là 1 tuần, phần lớn thời gian dành cho việc xử lý, tổng hợp dữ liệu và lập trình xây dựng nền tảng Web-base chứa các tính năng của nền tảng thực tế ảo. Có tổng cộng 3528 hình ảnh đơn đã được chụp để ghép lại thành 143 hình ảnh 360 độ, cùng với đó là khoảng 194 trạm laser scan.
Công trình thực tế ảo này đã số hóa toàn bộ không gian Trường ĐH Bách khoa với chất lượng cao, toàn bộ hình ảnh, nội dung thông tin, các mô hình 3D đều được thể hiện một cách rất chi tiết, chân thực.
Đặc biệt công trình còn chứa rất nhiều tính năng mới so với các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo (3D Virtual Tour) như tính toán, đo đạc, thông báo tình trạng thiết bị, tích hợp sách điện tử trong thư viện....
Việc tích hợp sách điện tử lên nền tảng số cho phép sinh viên dùng chung cơ sở dữ liệu cùng lúc mà không bị giới hạn về không gian truy cập. Trên không gian ảo của thư viện, sinh viên có thể di chuyển đến giá sách và chọn vào cuốn sách đã được số hóa.
Ngoài ra, đây cũng là công cụ hữu hiệu để làm giáo cụ trực quan cho các môn học Nhập môn kỹ thuật, Sinh hoạt công dân đầu khóa học…
“Sau khi xem trình diễn công trình, chúng tôi nhận thức được khối lượng công việc cực lớn mà PortCoast đã thực hiện. Trong hơn một năm qua kể từ lúc xây dựng ý tưởng, đội ngũ của Công ty Portcoast và Trường ĐH Bách Khoa đã tích cực phối hợp cùng nhau khảo sát hiện trường, xây dựng kế hoạch, triển khai thiết bị thu thập dữ liệu, xây dựng mô hình… để có thể cho ra phiên bản hoàn thiện như hôm nay. Công trình lần này hàm chứa rất nhiều công sức, nỗ lực của đôi bên mà trong đó, tôi đặc biệt đánh giá cao đội ngũ kỹ thuật giàu chuyên môn của Portcoast cũng như các thiết bị, công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới mà công ty đã ứng dụng để xây dựng công trình Trường Đại học Bách khoa...” - PGS.TS Trần Thiên Phúc chia sẻ
Công trình rất có giá trị, ý nghĩa đối với thành phố
Phát biểu tại lễ bàn giao công trình chuyển đổi số này, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ, chính quyền TP.HCM đang nỗ lực trong việc cải cách hành chính. Cụ thể, thành phố đang hướng đến mục tiêu đưa toàn bộ nền hành chính của thành phố lên nền tảng số năm 2025 để người dân, doanh nghiệp được phục vụ một cách hiệu quả nhất.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá, công trình chuyển đổi số được chuyển giao không chỉ có ý nghĩa tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM mà rất có giá trị, ý nghĩa đối với thành phố, đặc biệt là nền chính quyền số.
Theo ông Lâm Đình Thắng ba trụ cột chính của chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, TP đặc biệt quan tâm là chính quyền số với mục tiêu làm sao đưa toàn bộ nền hành chính của TP lên nền tảng số
“Nội dung của công trình phù hợp với mục tiêu của thành phố ở nhiều khía cạnh về chiến lược dữ liệu; quy hoạch lại toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của thành phố từ nền tảng cho đến ứng dụng; hướng đến việc quản lý đô thị, tài nguyên môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa trên các nền tảng...” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định .
“Tôi tin chắc rằng, công trình khi được giới thiệu đến công chúng sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực, không những góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của Trường Đại học Bách khoa mà còn khẳng định năng lực chuyên môn và tiềm lực công nghệ lớn mạnh của Portcoast với vai trò là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam...”
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách TP.HCM