Dòng chảy

Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam: Trò chuyện cùng GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng

HỒNG DUNG 21/06/2023 18:27

GS. Nguyễn Chấn Hùng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực ung bướu, được nhiều độc giả và các báo đài yêu mến. Bài viết của ông dễ đi vào lòng người, lối văn giản dị, dễ hiểu và chất giọng trầm ấm, dí dỏm, gần gũi. Nhân ngày báo chí Việt Nam, ông dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông, buổi trò chuyện thân tình về nghề viết báo...

Cơ duyên viết báo, từ buổi tư vấn y khoa về bệnh lý ung thư.

GS. Nguyễn Chấn Hùng, hiện nay là Cố vấn của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nơi ông cống hiến cả đời làm chuyên môn trong lĩnh vực ung thư và góp sức làm nhẹ căn bệnh khó.  Ông luôn tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu, học hỏi những phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh.

gs.-hung.jpg
GS. Nguyễn Chấn Hùng, cống hiến cả đời làm chuyên môn trong lĩnh vực ung thư và góp sức làm nhẹ căn bệnh khó.

Sở thích của ông là đam mê đọc sách, GS. Hùng chia sẻ: “Từ nhỏ khi còn là học sinh trung học tôi đã ghiền sách. Đọc lung tung, đọc nhừ tủ sách của ông ngoại, đặc biệt đầu óc thông thoáng, nhờ học được nhiều điều chỉ dạy trong sách của các thầy như: Dương Quảng Hàm, Nguyễn Hiến Lê... Vào đại học Y khoa lại háo hức đọc thêm những sách mượn của các bạn ở Văn khoa...”.

Đọc sách giúp ông có vốn hiểu biết kiến thức rộng rãi ngoài Y học. Ông thích thú kể chuyện gặp được các bậc thầy chỉ dạy vỡ lòng về Kinh dịch - bộ sách kinh điển truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông...

“Sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, giúp lối hành văn của tôi chân chất, bình dị, hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc giảng dạy, nói chuyện với bệnh nhân, truyền đạt cho họ một cách dễ hiểu nhất.

Tôi nhớ, năm 1983 sau một buổi tư vấn y khoa, một nhà báo gặp tôi và “đặt hàng” viết về chuyên đề các bệnh lý ung thư, yêu cầu bài viết phải phổ thông, “bà con” đọc hiểu ngay và dễ vận dụng, giống như bác sĩ vừa nói chuyện. Tôi không thể nào quên buổi gặp gỡ cố nhà báo Võ Văn Quýt - người đặt hàng đầu tiên hôm ấy, anh là Trưởng ban Sức khỏe Báo Khoa học phổ thông (nay là Tạp chí Khoa học phổ thông). Chúng tôi trở thành đồng nghiệp thân thiết và tôi luôn nhớ người bạn tâm đắc này”, GS. Hùng kể.

Ông đã bắt đầu viết báo từ đó, và cộng tác với rất nhiều báo, như báo Phụ Nữ, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Sài Gòn Tiếp Thị, Doanh Nhân Sài Gòn, Người Đô Thị.

“Tôi nhớ, tôi trở thành nhà báo bất đắc dĩ khi nhận lời viết bài cho Báo Phụ Nữ - mỗi tuần 1 bài, cũng áp lực ghê lắm chứ, viết báo khác với viết giáo trình, soạn giáo án. Các từ chuyên môn trong y khoa, phải chuyển đổi, không sai về chuyên môn, mà người đọc dễ hiểu, nên phải tập trung, suy nghĩ câu chữ rất cẩn thận, mong muốn người dân hiểu về bệnh lý, để ung thư không còn là nỗi ám ảnh.”, GS. Hùng cười tươi nói.

GS. Hùng cho biết, để viết tốt một bài báo về y khoa và tư vấn cho người dân, mình phải biết dùng từ gần gũi, nói để người nghe không thấy chán, “bà con” mê man nghe đến hết buổi và đặt nhiều câu hỏi cho mình trả lời. Do đó, dù viết hay nói, ông phải đầu tư và chuẩn bị trước.

Đi nhiều nơi giúp ông tích lũy thêm kiến thức, không bị lỗi thời

gs.-hung-va-sinh-vien.jpg
GS. Nguyễn Chấn Hùng và sinh viên Y5 ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (20/11/2020)

Bác sĩ Hùng về hưu vào năm 2007, nhưng lịch làm việc của ông vẫn dày đặc. Ông ưu tiên đi tới vùng sâu vùng xa, tư vấn y khoa, tập huấn, cập nhập kiến thức mới về bệnh ung thư, về sức khỏe trên khắp mọi miền đất nước như Bình Phước, Vĩnh Long, Bến Tre, đến Đà Nẵng, Huế tới Nghệ An, Thanh Hóa... Ông không “ngại” đi xa, “đi nhiều nơi ghi nhớ gom lại, ông viết sách Nhẹ bước lãng du.

Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, đi để cập nhật, tích lũy thêm kiến thức, để không bị tụt hậu, lỗi thời, để bắt kịp các phương pháp, kỷ thuật, những nghiên cứu mới... của y khoa thế giới với mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đến thế hệ trẻ, tư vấn y khoa cho người dân, để họ có thêm niềm tin và không còn sợ căn bệnh “ám ảnh” này.

“Tôi luôn nhớ lời dạy của thầy tôi - giếng nước trong, ai muốn múc cho múc. Giếng trong, không sợ cạn, giếng vơi, lại đầy và càng trong hơn. Thầy thuốc giống như cái giếng, cứ giúp đời vô tư. Khi bệnh nhân cần điều trị, không câu nệ, vì càng điều trị, càng có kinh nghiệm. Mình là bác sĩ vừa là thầy giáo, khi truyền nghề cũng truyền hết những gì mình đã tích lũy, không giấu nghề. Mình càng giỏi nghề thì mới có kiến thức phong phú để giảng dạy. Lời thầy dạy giản dị vô cùng, mà thấm đến giờ”, GS. Hùng bộc bạch.

GS. Nguyễn Chấn Hùng không chỉ viết báo, tư vấn sức khỏe mà còn viết sách để chuyển tải sâu hơn, giúp bà con được nhiều kiến thức hơn về ung thư. Nhiều sách được tái bản, như: Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, Cẩm nang phòng trị ung thư, Sâu thẳm sự sống... Ông là một trong những người đầu tiên viết sách tiếng Việt phổ cập về ung thư cho người dân.

Theo GS. Chấn Hùng, người dân cần tư vấn, cần những bài báo viết về chủ đề này. Phổ biến kiến thức về bệnh lý ung bướu càng nhiều sẽ giúp càng nhiều người tránh căn bệnh này. Ông còn đưa cả thơ vào bài viết của mình, cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng. Ông muốn người dân hiểu rằng, căn bệnh ung thư là một bệnh lý, không phải trời kêu ai nấy dạ, mà có thể phòng ngừa. Ông viết:

Ung thư ngừa được bạn ơi!
Ơ hờ bệnh nhập đổ là trời kêu.

Ung thư biết sớm trị lành
Nếu mà để trễ dễ thành nan y.

Yêu nghề, khắc ghi bài học “Cái giếng”... vì thế, vị bác sĩ ở tuổi 80, với mái tóc bạc, nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào, ông cũng mang tinh thần yêu đời, lạc quan, vẫn tiếp tục hành trình phổ biến kiến thức y khoa. Nhiều người ghẹo vui ông là ông giáo già “4 trong 1” (nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ)…

Sao cho nhẹ gánh ung thư
Người người chung sức chung lòng mới xong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam: Trò chuyện cùng GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO