Y học

Mổ u nang buồng trứng cho bệnh nhân từng 4 lần phẫu thuật, dị ứng thuốc giảm đau

Khánh An 28/12/2024 - 19:56

Bệnh viện Quốc tế City (CIH) vừa thực hiện cắt u nang buồng trứng cho bệnh nhân 67 tuổi, người đã trải qua bốn cuộc phẫu thuật trước đó lại có tiền sử dị ứng thuốc giảm đau.

Bệnh nhân đến khám với triệu chứng âm đạo có dịch nhầy hồng bất thường. Qua các xét nghiệm và siêu âm, cô mắc u nang đặc buồng trứng.

Khi nhập viện, kích thước u nang của bệnh nhân khoảng 6 cm, cùng với dấu hiệu dính mô, nghi ngờ khối u ác tính. Trước tình huống này, quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

phau-thuat-cat-u-buong-trung.jpg
Những triệu chứng bất thường như đau bụng dưới hay tiết dịch bất thường không nên bị bỏ qua, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Tuy nhiên, ca mổ dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức do sẹo dính từ các phẫu thuật trước và vấn đề rối loạn đông máu của bệnh nhân.

TS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy - Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Phụ sản, chia sẻ: “Bệnh nhân mắc bệnh lý hiếm gặp về hệ thống tế bào máu, dẫn đến rối loạn đông máu, nguy cơ chảy máu ồ ạt trong lúc phẫu thuật là rất cao. Điều đáng nói, bệnh nhân từng trải qua 4 lần phẫu thuật, trong đó có 2 lần mổ phức tạp ở gan và lách, khiến tình trạng sẹo dính trở nên nghiêm trọng”.

TS.BS. Thủy cho biết thêm, bệnh nhân còn bị dị ứng với thuốc giảm đau, khiến việc kiểm soát cơn đau trong và sau phẫu thuật trở nên phức tạp và đòi hỏi sự theo dõi sát sao hơn.

Trường hợp của cô L.T.T.T cho thấy mặc dù u nang buồng trứng là một bệnh lý khá phổ biến, nhưng với các yếu tố nền phức tạp như rối loạn đông máu và dị ứng thuốc, việc điều trị đòi hỏi chuẩn bị chu đáo.

Những triệu chứng bất thường như đau bụng dưới hay tiết dịch bất thường không nên bị bỏ qua, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tái tạo tầng sinh môn cho sản phụ vừa sinh con được 6 tuần

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp tái tạo tầng sinh môn cho sản phụ vừa sinh con được 6 tuần. Người mẹ trẻ 26 tuổi đến khám trong tình trạng đau đớn dữ dội, không thể ngồi và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo TS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy, kết quả thăm khám cho thấy vết may tầng sinh môn bị mất hình dạng và cấu trúc bình thường do sẹo may bị co kéo chằng chịt, kèm theo những nốt xơ cứng bên dưới lớp da bị căng chắc do sẹo, nguyên nhân gây ra sự đau đớn tột cùng khi ngồi hoặc khi có động tác xoay trở từ 2 chân.

Bác sĩ Thủy chia sẻ: “Trong nhiều năm công tác, đây là lần đầu tiên tôi thấy một trường hợp vết may tầng sinh môn tạo thành sẹo chằng chịt như vậy. Các trường hợp xấu nhất thường thấy là vết khâu bị bung ra, khi đó mình khâu tái tạo lại không có vấn đề gì cả, giống như chiếc áo rộng sửa lại cho vừa thì rất dễ nhưng nếu chiếc áo bị chật khít như vậy mà muốn sửa lại cho vừa là cực kỳ khó khăn”.

TS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy và ekip đã tháo bỏ từng nút thắt ở vết sẹo cũ, tầng sinh môn của bệnh nhân được tái tạo thành công. Sau khi kết thúc ca mổ, bác sĩ Thủy chia sẻ đầy trăn trở: “Nếu bệnh nhân không sớm tìm đến điều trị mà tiếp tục cắn răng chịu đựng thêm vài tháng nữa, vết sẹo sẽ co kéo nghiêm trọng và dính chặt vào các mô xung quanh. Lúc đó, việc tái tạo lại tầng sinh môn sẽ vô cùng phức tạp, có thể phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mới có thể thành công.”

Sau 5 ngày theo dõi tại bệnh viện, vết mổ của bệnh nhân lành tốt, không còn đau nhức, không còn cảm thấy đau nữa, giờ có thể ngồi thẳng và sinh hoạt bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mổ u nang buồng trứng cho bệnh nhân từng 4 lần phẫu thuật, dị ứng thuốc giảm đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO