Lần đầu tiên, Bệnh viện Quận Gò Vấp mổ lấy con cho sản phụ bị thai ngôi mông
Với sự hỗ trợ từ các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, lần đầu tiên chính đội ngũ y bác sĩ của khoa Sản, Bệnh viện Quận Gò Vấp, đã thành công mổ lấy con cho một sản phụ sinh khó do thai ngôi mông.
Thai phụ L.T.T.V (26 tuổi, ở Gò Vấp) nhập viện khi thai đã gần 40 tuần tuổi nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Trước đó, chị V. được theo dõi thai kỳ tại phòng khám tư, các xét nghiệm bình thường.

Các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Quận Gò Vấp, đã ghi nhận cổ tử cung thai phụ hở ngoài, ngôi mông cao, còn ối, không có dấu hiệu chuyển dạ; trọng lượng thai nhi được xác định khoảng 3.300 gr, đủ kích thước tuổi thai.
Tiên lượng đây là ca sinh khó, các bác sĩ đã hội chẩn và được các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) hỗ trợ để thực hiện ca phẫu thuật bắt con. Êkip khoa Sản đã thực hiện mổ ngang đoạn dưới tử cung bắt con giúp sản phụ được "mẹ tròn con vuông".
Theo PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện Quận Gò Vấp, phẫu thuật mổ lấy thai ngôi mông là một trong những danh mục kỹ thuật sản khoa đã được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt. Sau ca mổ này, đội ngũ bác sĩ khoa Phụ sản Bệnh viện Quận Gò Vấp tự tin có thể thực hiện các ca tương tự sau này.

“Để làm được kỹ thuật này, Bệnh viện Quận Gò Vấp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian trước đó, từ khâu tuyển dụng nhân sự, đào tạo, đầu tư thiết bị y tế, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn kỹ thuật, cho bác sĩ đi thực hành phẫu thuật sản khoa tại Bệnh viện Từ Dũ.
Người dân giờ đây có thể tiếp cận nhiều dịch vụ y tế đảm bảo chất lượng, ngay gần nơi cư trú, không còn phải di chuyển xa đến các bệnh viện tuyến trên, giảm thiểu các rủi ro”, PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu chia sẻ.
Hiện nay khoa Sản, Bệnh viện Quận Gò Vấp, đã thực hiện được tất cả các danh mục kỹ thuật về sản phụ khoa mà Sở Y tế TP.HCM phê duyệt cho bệnh viện như: mổ lấy thai, phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng...
Theo các bác sĩ sản khoa, trong những thời kỳ cuối thai kỳ, bình thường tư thế chuẩn hay còn gọi là ngôi đỉnh của thai là đầu sẽ hướng về đáy khung chậu mẹ, còn mông sẽ hướng về phía ngực mẹ, thai nhi nằm xuôi theo trục dọc của tử cung.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như bất thường tử cung, đa thai, sinh đẻ nhiều, nhau tiền đạo, nhau ngắn, đa ối hay thiểu ối… mà gần đến ngày sinh mà thai nhi vẫn chưa xoay đầu xuống, phần mông hướng xuống cổ tử cung và phần đầu hướng lên trên, được gọi là thai ngôi mông.

Đây là tư thế ngôi thai ngược thường làm cho việc sinh thường trở nên khó khăn và tăng nguy cơ phải thực hiện sinh mổ.
Theo y văn ghi nhận, thai nhi sinh ngược có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần so với những em bé ngôi đỉnh. Ở vị trí này, dây rốn của thai nhi có thể bị tổn thương nặng nề trong quá trình sinh nở. Em bé có thể bị ngạt khi sinh…