Lo âu
Lo âu là một cảm xúc sợ hãi hoặc khó chịu không có liên quan gì đến một sự vật hay sự kiện đặc biệt, có thể kéo dài hoặc xảy ra thỉnh thoảng, đưa đến những hành vi gây rối, và nếu kéo dài quá lâu, có thể gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe và học tập của trẻ.
Vốn là một bé gái tươi vui, hiện nay cháu Thủy (5 tuổi) thường khó ngủ vào ban đêm, với những cơn ác mộng làm thức giấc. Bé ăn không biết ngon và bữa ăn trở thành cơn ác mộng khi cha mẹ của bé cố ép. Thủy thường đòi cha mẹ đưa đến những nơi ưa thích và làm những việc theo ý muốn. Khi cha mẹ bắt đầu rời khỏi nhà hoặc để cháu ở lại trường thì cháu khóc lóc và tỏ vẻ bực tức, đôi môi mím chặt.
Ấm ức
Ấm ức là trạng thái cảm xúc gây ra bởi một vấn đề chưa được giải quyết, một nhu cầu chưa được thỏa mãn. Đa số người hàng ngày đều có thể rơi vào tình huống gây ấm ức; nhưng sự tiến bộ trong khả năng ứng xử chính là dấu hiệu của sự trưởng thành. Trẻ nhỏ học cách ứng xử với cảm giác ấm ức trong khuôn khổ gia đình và bên ngoài xã hội. Một trẻ dường như lúc nào cũng ấm ức cần được giúp đỡ về mặt tâm lý.
Tường Vy, 2 tuổi, thường khóc và đập đầu vào sàn nhà khi không được đáp ứng ngay điều mong muốn. Hùng, 5 tuổi, nổi giận ở trong cửa hiệu khi không được mua cho thanh kẹo ưa thích. Hồng, 13 tuổi, bị chậm phát triển nhẹ, hay hờn dỗi khi gia đình không cho xem phim.
Khi lớn lên, trẻ sẽ dùng lời nói thay cho hành vi để đối phó với sự ấm ức.
Phụ huynh có thể làm gì?
Một số lo âu và ấm ức là một bộ phận bình thường của quá trình tăng trưởng của trẻ, và các tình huống gây ra lo âu hoặc ấm ức có thể là những trải nghiệm tích cực, qua đó học được cách ứng xử với những cảm xúc khó chịu. Hãy khuyến khích con bạn tìm cách tự xoay xở trong những tình huống này.
Khi con bạn lo lắng hoặc ấm ức, có thể cho bé thấy rằng bạn biết bé không vui và sẵn sàng giúp bé vượt qua nếu bé cần đến. Nếu không xác định được nguyên nhân hoặc không thể điều chỉnh được, sự hiện diện của bạn cũng đã có thể làm cho bé vững tâm hơn.
Để giúp đỡ bé đối phó hiệu quả, bạn hãy khích lệ bé xác định nguyên nhân hoặc cho bạn biết tại sao bé ấm ức.
Khi cơn giận của Hùng đã nguôi và Hùng lại nhìn mẹ, bà sẽ bảo: “Con muốn ăn kẹo. Mẹ nói “không được” và con đã không vui”. Lời nhận xét này không giúp cho Hùng đáp ứng với sự ấm ức tốt hơn ngay lúc đó, nhưng sau một thời gian, bé sẽ hiểu vì sao mình buồn, tìm cách biểu lộ và đối phó với cảm xúc dễ dàng hơn. Nếu từ chối yêu cầu của bé nhưng sau đó lại đồng ý ngay khi bé giận dữ, thì chính là người mẹ cho bé biết rằng tức giận là cách tốt để nhận được những mong muốn!
Tìm nguyên nhân tại sao bé lo lắng có thể khó hơn. Bạn hãy tự đặt ra một số câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với bé và gia đình? Trong gia đình có tang không? Gần đây gia đình có dời chỗ ở hoặc bé có đổi nhà trẻ hay trường học? Sự lo lắng của bé có bắt đầu cùng lúc với thời điểm đi khám bác sĩ, nha sĩ?...
Nếu bạn không tìm ra được nguyên nhân gây lo lắng, chuyên viên tâm lý sẽ dùng trò chơi để trẻ có dịp phản ảnh cảm xúc và điều mình quan tâm.
Tóm lại, một số lo âu và ấm ức là bình thường đối với mọi trẻ em. Nếu những vấn đề này kéo dài lâu ngày, bạn nên tìm hiểu và đáp ứng với những nguyên nhân gây những cảm giác này. Nếu không thể xác định được, bạn hãy liên hệ với một chuyên viên tâm lý phát triển để được giúp đỡ.
BS. PHẠM NGỌC THANH