Dựa vào số liệu khí tượng cho thấy mưa do dải hội tụ nhiệt đới suốt trong 7 - 8 ngày trên khu vực Nam bộ một cách bất thường, mưa cả ngày lẫn đêm nhưng tập trung nhiều nhất là vào chiều tối, có nhiều nơi mưa to. Do vậy độ ẩm rất cao có lúc ở mức bão hòa và liên tục được bổ sung, ngày ấm đêm trời trở lạnh, dễ hình thành sương mù. Đây không chỉ là loại sương mù bức xạ thường thấy ở miền Nam (nắng lên thì sương tan) mà là loại sương mù hỗn hợp. Ở những thành phố lớn với mức độ ô nhiễm trầm trọng do khói bụi từ hoạt động của con người như nhà máy, công trình xây dựng, xe cộ với mật độ lưu thông quá cao… thì khi có các điều kiện ẩm, gió nhẹ… thì lớp sương mù và khói mù càng dày đặc hơn do quá nhiều chất lơ lửng do ô nhiễm không khí, làm cho hơi nước bám vào càng nhiều hơn.
Trong những ngày cuối tuần qua, gió thổi đến Nam bộ trong đó có TP.HCM là gió nam tây nam nên cũng nhiều khả năng có sự lan truyền nguồn khói bụi từ sự cố cháy rừng ở Indonesia, góp thêm phần nào làm cho sương mù thêm dày đặc và kéo dài trên diện rộng nhiều nơi ở Nam bộ, nhất là Cần Thơ và TP.HCM.
Theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên các website khí tượng cho thấy ở TP.HCM tại quận Tân Bình, Biên Hòa, Cần Thơ từ 160 - 170, vùng ven biển như Nhà Bè 110 - 120. Hai ngày 23 và 24/9, do ảnh hưởng không khí lạnh, gió đổi hướng sang đông bắc, khói mù, sương mù vẫn còn nhưng có hơi giảm. Như vậy, nguồn khói bụi từ Indonesia chỉ là một trong các nhân tố dẫn đến hiện tượng này, còn phải xem thêm các dữ liệu khác thì mới có minh chứng rõ rệt khách quan hơn như ảnh viễn thám để thấy các luồng khói bụi phát tán đi xa đến thế nào.
Thật ra, hiện tượng sương mù, khói mù này đã xảy ra nhiều lần trong vài năm gần đây, ngay cả khi không có cháy rừng từ Indosenia hoặc nơi khác, thì TP.HCM cũng có lúc sương mù dày đặc trong vài ba ngày.
Sương mù giữ lại những chất ô nhiễm trong lớp không khí tầng thấp, khi các hợp chất hữu cơ và oxid nitơ phản ứng hóa học với ánh sáng mặt trời để tạo ra ozon tầng thấp, có thể gây ra các bệnh về hô hấp, hen suyễn, nhiễm trùng phổi và kích ứng mắt, đặc biệt đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh về tim mạch, phụ nữ đang mang thai... dễ nhiễm bệnh hơn. Ngoài ra, loại sương mù có nhiều khói bụi này cũng làm cho tầm nhìn bị giảm thấp ảnh hưởng đến giao thông, có thể gây nguy hiểm cả đường hàng không, đường thủy và đường bộ. Sương mù, khói mù cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến những thiệt hại cho cây trồng, sản xuất nông nghiệp do sâu bệnh có khả năng phát sinh phát triển.
Dự báo từ thứ tư đến cuối tuần này, các tỉnh Nam bộ bao gồm TP.HCM sẽ có mưa trở lại do các nhiễu động đới gió đông, mưa chủ yếu vào chiều tối, ngày có nắng. Trong điều kiện thời tiết ngày nóng đêm lạnh, gió không mạnh và độ ẩm cao, hiện tượng sương mù vẫn còn xảy ra với mật độ sẽ hơi giảm so với tuần vừa qua. Từ nay đến hết mùa mưa, chắc chắn sẽ còn những đợt mưa ẩm dẫn đến sương mù từ lúc sáng sớm hoặc có thể kéo dài đến trưa chiều mới tan dần.
Khi thời tiết chuyển sang mùa khô ít mưa, độ ẩm giảm thì hiện tượng mù khô, khói bụi có thể xảy ra tại TP.HCM hoặc một số nơi có ô nhiễm không khí ở mức cao, cũng làm cho tầm nhìn xa bị hạn chế và rất có hại cho sức khỏe.