Đời sống

Giữ bình yên trên biên giới “Nắng cháy da người”

Mai Lan 24/03/2025 - 05:44

Những ngày tháng 3 trên biên giới “Tây Ninh nắng cháy da người”, nhưng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ, BĐBP Tây Ninh vẫn luôn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

anh-1-31-.jpg
Mùa khô nắng cháy da, mùa mưa ngập nước sình lầy, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ vẫn duy trì nghiêm nhiệm vụ tuần tra khép kín đường đường biên giới. Ảnh: Lê Khoa

Thượng tá Mai Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết: Địa bàn đơn vị quản lý gồm 2 xã biên giới là Phước Bình và Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây ninh, có đoạn biên giới dài 14,299km, với 8 cột mốc chính, 27 mốc phụ, 16 điểm đặc trưng, tiếp giáp phường PraSats, thành phố Bavet của Campuchia, có địa hình bằng phẳng, nhiều đường ngang, lối mở nên việc qua lại hai bên biên giới của người dân khá thuận tiện, từ đó kéo theo những hệ lụy khó lường về tình hình an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép…

Nhằm bảo vệ biên giới, ổn định tình hình an ninh trật tự, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng và bảo vệ biên giới.

Hiện nay trên địa bàn 2 xã có 17 Ban điều hành mô hình “vận động toàn dân tham gia tố giác, truy bắt tội phạm” tham gia tự quản an ninh trật tự ở khu vực biên giới; 89 cá nhân và 1 tập thể có đất sản xuất trên biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Nhiều hộ dân có đất sản xuất sát đường biên giới đã chủ động hiến 800m² đất cho Đồn Biên phòng Phước Chỉ xây dựng các điểm cảnh giới thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Chúng tôi đến Chốt phòng, chống xuất nhập cảnh (Chốt cảnh giới Tháp Cổ) đúng lúc Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Trọng Miễn và tổ công tác vừa đi tuần trở về. Trên từng khuôn mặt rám nắng, mồ hôi nhễ nhãi sau quảng đường tuần tra dưới cái nắng gay gắt, tôi hiểu hơn về những khó khăn nơi đây.

"Do vị trí địa lý nên khí hậu thời tiết biên giới Tây Ninh luôn khắc nghiệt, nắng thì đến cháy da, còn mùa mưa đường sá sình lầy, muỗi mòng, đĩa vắt đeo bám, nhưng hằng ngày, chúng tôi vẫn thay phiên nhau đi tuần dọc tuyến biên giới theo kế hoạch. Bên cạnh đó điều kiện sinh hoạt ở các chốt còn rất khó khăn, như thiếu nước ngọt, có chỗ sóng điện thoại chưa có, nhưng chúng tôi luôn khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ" – Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Vũ Trọng Miễn chia sẻ.

anh-2.jpg
Kiểm tra cột mốc theo quy định. Ảnh: Lê Khoa

Tổ này nghỉ thì tổ khác tiếp tục thay phiên, trên con đường “Tuần tra” trải nhựa uốn lượn quanh co xuyên qua cánh đồng lúa chín vàng của nhân dân xã Phước Bình. Phía bên kia, con đường tuần tra bằng bê tông của nước bạn Campuchia cũng đang chuẩn bị hoàn thành. Trong buổi tuần tra hôm nay có một thành viên “đặc biệt” đó là ông Phạm Văn Thêm, người dân ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Chỉ tay về phía cột mốc 174 ông Thêm cho biết: Nhà tôi ở cách mốc 174 khoảng 2km, nhưng đất trồng lúa nằm ở dọc đường biên giới và khu vực mốc 174. Đã gần 30 năm nay, hàng ngày tôi đều ra thăm ruộng kết hợp lên kiểm tra cột mốc (Từ khi còn mốc phụ, sau này mới xây mốc chính); gia đình tôi cũng hiến đất để Đồn Biên phòng xây dựng chốt phòng chống dịch Covid-19 và phòng, chống xuất nhập cảnh; khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn là thông báo ngay cho anh em ở chốt hoặc ban chỉ huy đơn vị để có biện pháp xử lý.

anh-3-34-.jpg
Trung tá Nguyễn Văn Hậu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phước Chỉ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên ông Phạm Văn Thêm tích cực lao động sản xuất kết hợp bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Lê Khoa

Thượng tá Mai Văn Hòa cho biết thêm: Hộ gia đình ông Thêm là 1 trong 89 hộ dân trên địa bàn tình nguyện cam kết bảo vệ đường biên, mốc quốc giới; cá nhân ông Thêm thường xuyên tham gia tuần tra và dọn dẹp vệ sinh cột mốc cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Chốt cảnh giới Tháp Cổ này được xây dựng trên phần đất của hộ ông Thêm hiến cho đơn vị. Từ khi lập chốt đến nay, ở khu vực này chưa phát hiện trường hợp nào xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao cảnh giác. Thường xuyên bám chốt, bám đường biên, nếu lơ là, chủ quan thì nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép, các đối tượng đưa hàng lậu qua biên giới vẫn có thể xảy ra.

Chia sẻ về cách tổ chức lực lượng bảo đảm khép kín tuyến biên giới dài hơn 14km, Trung tá Nguyễn Bá Huy, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Phước Chỉ chia sẻ: “Các đối tượng thường lợi dụng lúc các tổ, chốt trên biên giới đổi ca, trời mưa, đêm tối tầm quan sát hạn chế, để lén lút tìm cách vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Cùng với đó, thủ đoạn của các đối tượng cũng rất tinh vi như: ngụy trang giống như nông dân đang đi thăm ruộng để qua mắt lực lượng chức năng. Vì vậy, ngoài các chốt chính, đơn vị còn mở rộng các chốt phụ ở những khu vực không có dân cư sinh sống.

Các chốt chính chia nhỏ lực lượng để đi tuần, hỗ trợ các chốt phụ; bố trí lực lượng “mũi nhọn” sẵn sàng cơ động chi viện cho các chốt kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm”. Song song đó, đơn vị đã xây dựng và duy trì 7 đài quan sát dã chiến đóng dọc trên đường tuần tra biên giới, sổ sung các ống nhòm hồng ngoại cho các chốt để dễ dàng quan sát biên giới vào ban đêm, nhờ đó thời gian qua tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn đơn vị quản lý luôn ổn định.

anh-4-21-.jpg
Ông Phạm Văn Thêm tham gia dọn vệ sinh cột mốc cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ. Ảnh: Lê Khoa

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo của UBND huyện Trảng Bàng nêu rõ: Thời gian qua, các lực lượng phối hợp thu thập, trao đổi thông tin được 521 tin; xử lý hình sự 16 vụ/22 đối tượng với các hành vi tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển trái phép ma túy; xử phạt vi phạm hành chính 88 vụ/166 đối tượng, nộp kho bạc Nhà nước 634,3 triệu đồng, bắt 101 vụ buôn lậu/14 đối tượng, tang vật thu 162.590 bao thuốc lá các loại, 22 chai rượu, 2.147 viên pháo bi, 11 xe máy, 58 bao đường cát trắng, 65 thùng sữa các loại, 9kg ma túy các loại; xử lý xuất, nhập cảnh trái phép 48 vụ/ 114 người vi phạm.

“Các chốt đều nằm ở những vị trí xa dân, giáp với đường biên nên chuyện sắp xếp để có nguồn điện thắp sáng, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt luôn là bài toán khó khăn. Nhưng Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã quan tâm đầu tư đầy đủ trang bị phục vụ sinh hoạt, có bồn chứa nước sạch, nơi nào chưa điện lưới thì gắn điện năng lượng mặt trời… cơ bản đảm bảo phục vụ tốt đời sống sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ” - Thượng tá Mai Văn Hòa thông tin.

Chúng tôi rời biên giới khi mặt trời đổ dần xuống ruộng lúa, quay nhìn lại hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ ở các chốt vẫn lặng lẽ trên đường tuần tra, chúng tôi khâm phục về sự quả cảm, vượt lên gian khó, ngày đêm vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ bình yên trên biên giới “Nắng cháy da người”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO