Giáo dục

Gặp gỡ giữa Tư lệnh ngành Giáo dục và nhà giáo: Nhiều vấn đề được bóc tách

Hoàng Nguyễn 18/08/2023 - 15:20

Tại chương trình gặp gỡ, trao đổi với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã gửi thông điệp “4 chữ kiên” để phát triển giáo dục. Đó là,  kiên định , kiên trì, kiên quyết và kiên trinh.

Trước thềm chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023”, ban tổ chức cho biết nhận được hơn 6.500 ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước gửi về. Trong đó có hơn 2.000 ý kiến đề cập đến chế độ lương, phụ cấp, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên.

Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non 10%, tiểu học 5%

Trao đổi trực tiếp tại chương trình Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhiều giáo viên mầm non và phổ thông cũng chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Cô Lý Thị Trinh, giáo viên mầm non tại Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ý kiến cho biết, theo quy định chung giờ làm việc của giáo viên là 40 giờ/tuần nhưng thực tế giáo viên phải làm việc từ 6h30 sáng tới 17h, thậm chí đến 18h và buổi trưa, giáo viên còn phải quản lý trẻ, làm đồ dùng để dạy học. Như vậy, giáo viên mầm non phải làm việc trung bình từ 10 đến 12 giờ/ngày. Do đặc thù, giáo viên mầm non ngoài dạy học phải kiêm luôn việc chăm sóc, dinh dưỡng, tâm lý… Tuy công việc áp lực, không có thời gian cho gia đình nhưng giáo viên mầm non được hưởng lương rất thấp, có giáo viên chỉ được 5 triệu đồng/tháng, không đủ sống.

Ý kiến của các giáo viên ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh gửi đến Bộ trưởng tại buổi gặp gỡ cũng tương tự cô Trinh. Các giáo viên cho biết, ở vùng sâu vùng xa, giáo viên còn phải vượt khó khăn, nguy hiểm trên đường đến điểm trường để dạy học.

Không riêng giáo viên bậc mầm non và phổ thông, vấn đề công việc áp lực nhưng thu nhập thấp cũng được giảng viên ĐH đưa ra trong cuộc gặp gỡ Bộ trưởng. TS. Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Nha Trang phát biểu cho biết, công việc thực tế của giảng viên, người lao động ngành giáo dục gặp rất nhiều áp lực tuy nhiên thu nhập lại thấp, đời sống khó khăn. Điều này dẫn đến nhiều giảng viên phải làm thêm công việc như bán hàng online, buôn bán bất động sản,… để đem lại thu nhập chính, còn công việc chính chỉ đem lại thu nhập phụ. Ngoài ra, không ít viên chức, người lao động phải xin thôi việc, chuyển công tác hoặc đi học nước ngoài rồi không quay về Việt Nam công tác. Từ đó, TS. Đạo đề xuất cần có chính sách tiền lương riêng cho nhà giáo, người lao động trong ngành cùng các chính sách khác như vay vốn ưu đãi qua ngân hàng để mua đất, xây nhà, đi học trong thời gian từ 10-20 năm.

PGS.TS Phạm Ngọc Minh (Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện nhưng chỉ được hưởng một loại lương, phụ cấp. PGS.TS Phạm Ngọc Minh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có cơ chế chính sách đặc thù, thu hút tương xứng.

1.bo-truong-nguyen-kim-son.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại chương trình.

Tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự chia sẻ và thấu hiểu với các giáo viên. Theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non; ngoài lương thì giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… nhưng mức lương vẫn thấp so với mặt bằng và công sức giáo viên bỏ ra. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã bày tỏ vấn đề tại nhiều diễn đàn, các buổi làm việc với các bộ, ngành.

Bộ trưởng cũng thông tin cho biết, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã làm việc và đang chờ Bộ Tài chính thống nhất để trình Chính phủ thông qua chính sách mới, sẽ tăng thêm phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên bậc mầm non và tăng thêm 5% cho giáo viên tiểu học. Theo Bộ trưởng, mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Về vấn đề thu nhập đối với bậc ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thực tế thu nhập của giảng viên chưa cao và để giảng viên có mức thu nhập xứng đáng là câu chuyện của tương lai. Nghị quyết 29 có nêu tiến tới phấn đấu ngành giáo dục, giáo viên sẽ được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương của các viên chức trong khối sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, trong thời điểm này để có một bảng lương riêng là rất khó.

Cần tháo gỡ khó khăn cho nghiên cứu khoa học và tự chủ đại học

Tại chương trình gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên các ĐH, trường ĐH, vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) và tự chủ đại học (TCĐH) được quan tâm đề xuất đến Bộ trưởng.

PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan điều hành có cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo giúp các trường ĐH điều hành tự chủ tài chính một cách hợp lý trong thời gian tới.

Đại diện cho ĐH Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Danh Nam cũng đề xuất Bộ trưởng cần tạo môi trường tự do học thuật trong các trường ĐH thông qua cơ chế của Nhà nước, đặc biệt là qua môi trường tự chủ ĐH; đề xuất Bộ GD&ĐT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐH, tạo môi trường để giảng viên làm NCKH, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quản lý của Bộ GD&ĐT, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt động NCKH trong cơ sở giáo dục ĐH, CĐ; trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia NCKH, chế độ khuyến khích phát triển NCKH.

Theo Bộ trưởng, chi phí NCKH là quan trọng, chi phí từ Nhà nước là có hạn nhưng chi phí có thể thu từ tự chủ của trường ĐH, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương. Kinh phí nghiên cứu của Bộ GD&ĐT cũng có hạn và Bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, các trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động NCKH nhưng có điểm nghẽn khiến hoạt động NCKH của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Để gỡ điểm nghẽn này, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn mới giải phóng được năng lực sáng tạo, NCKH của giảng viên.

Đối với TCĐH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là vấn đề lớn. “Thời điểm này, các cơ quan từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tương đối thống nhất quan điểm: Tự chủ không phải là tự túc, không phải phó thác cho các trường tự lo kinh phí. Tự chủ vẫn cần đầu tư, nhưng đầu tư như thế nào, lúc nào, cách gì còn đang là câu chuyện cần tiếp tục kiến nghị chính sách trong thời gian tới. Cùng với đó, về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính cũng cần có điều chỉnh để làm tốt hơn vấn đề tự chủ”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngoài điểm nghẽn về thể chế thì giáo dục ĐH còn có điểm nghẽn về cơ sở vật chất, hạ tầng, điển hình là hai ĐH quốc gia được đầu tư mấy chục năm vẫn dang dở. Theo kế hoạch đến năm 2024, Chính phủ và Quốc hội dự kiến sẽ giao Bộ GD&ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34, điều chỉnh thể chế để tiếp tục “mở đường” cho TCĐH.

1.bo-truong-nguyen-kim-son-4.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ trái qua) trao đổi với các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ.

Gửi thông điệp kết lại buổi gặp gỡ nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh 4 chữ KIÊN: “Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, dẫu khó khăn đến đâu cũng kiên trinh với nghề giáo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp gỡ giữa Tư lệnh ngành Giáo dục và nhà giáo: Nhiều vấn đề được bóc tách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO