Dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip
Theo TS. Nguyễn Bá Xuân, dòng Rip không phải là một hiện tượng thiên nhiên bí ẩn, mà thực chất đó là một bộ phận đặc biệt của hệ dòng chảy tổng cộng xảy ra ở khu cực gần bờ trong vùng sóng đổ. Ở Việt Nam, vì chưa được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi, nên dòng Rip được nhân dân các địa phương khác nhau gọi là: dòng chảy xoáy, ao xoáy, vũng nước xoáy, dòng chảy xoáy đứt đoạn, dòng rút, dòng nước lừa, ống hút, lò hút … thậm chí trong giới khoa học biển Việt Nam cũng chưa thống nhất được tên gọi khoa học của dòng Rip. Chính vì vậy, có thể tạm giữ nguyên tên gọi tiếng Anh là dòng Rip hay là Rip Current.
Do có kích thước của dạng hoàn lưu “tế bào”, nên dòng Rip rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Dòng Rip có bề rộng dọc bờ từ 3-30m và chiều dài ra biển từ 100 – 150 m. Dòng Rip có cấu trúc thẳng đứng rất phức tạp, nó được hình thành do sự kết hợp của các thành phần dòng nằm ngang và thành phần dòng thẳng đứng, do đó bản chất của dòng Rip chính là một dạng dòng xoáy cục bộ địa phương. Với sự tồn tại của dòng Rip chảy xoáy ở các bãi tắm, người tắm biển nếu chủ quan, không hiểu biết và không nắm được cách phòng tránh thì rất nguy hiểm và dễ bị chết đuối khi bị rơi vào dòng Rip.
TS. Nguyễn Bá Xuân khuyên những người tắm biển, đặc biệt đối với khách du lịch ở các nơi xa đến, do chưa hiều biết về dòng Rip và các đặc điểm của bãi tắm, cho nên cần tìm hiểu các tiêu chuẩn an toàn, có thể bằng cách hỏi những người dân địa phương sống xung quanh bãi tắm, các nhân viên của đội cứu hộ cứu nạn hoặc đọc kỹ các biển cảnh báo được lắp đặt tại các điểm có khả năng dòng Rip thường xuyên xuất hiện.
Còn đối với những người tắm biển do quá tự tin và chủ quan, nếu khi bị dòng Rip cuốn trôi thì cần phải nắm được các phương pháp phòng tránh theo các bước thực hiện sau đây:
- Không nên hoảng sợ và phải hết sức bình tĩnh.
- Cố gắng bơi bơi thả trôi tự do xuôi theo dòng Rip để tiết kiệm năng lượng, cấm không bơi ngược dòng chống lại dòng Rip theo hướng ngược vào bờ.
- Để thoát khỏi sự ảnh hưởng của dòng Rip, cần bơi thả lỏng để tìm thời cơ bơi lách qua trục của dòng Rip về hai phía. Sau khi thoát khỏi dòng Rip sẽ tìm cách bơi từ từ vào bờ.
- Nếu không bơi thoát khỏi dòng Rip do dòng Rip có độ xoáy, thì phải sử dụng phương pháp bơi thả nổi hoặc bơi đứng, đồng thời kêu cứu sự giúp đỡ của những người trên bờ hoặc nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn bờ biển.
- Người bị nạn, nếu cảm thấy đuối sức không có thể bơi được vào bờ thì phải kêu to và vẩy tay yêu cầu sự cứu hộ khẩn cấp từ trên bờ. Nếu người bị nạn sau khi lấy lại được sự bình tĩnh hoặc sau khi dòng Rip đã yếu dần ở khu vực xa bờ, thì cố gắng bơi lách qua dòng Rip và sau đó theo hướng thẳng vào bờ. Không nên hoảng sợ, vì biết rằng dòng Rip sẽ chấm dứt và tiêu tán ở vùng nước sâu xa bờ.
Mô hình tính toán sự xuất hiện dòng Rip “made in Vietnam”
Nhóm nghiên cứu Trần Thị Kim, Trường đại học tài nguyên và môi trường TP.HCM, Trà Nguyễn Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Bảy, Trường đại học bách khoa TP.HCM đã nghiên cứu xây dựng module tính ứng suất tán xạ sóng phục vụ tính toán sự xuất hiện dòng Rip vùng ven bờ.
Theo nhóm nghiên cứu, bài toán tính dòng Rip là bài toán thủy lực dưới tác động của sóng gió trong vùng bờ biển có địa hình tương thích. Sự thay đổi ứng suất tán xạ sóng vùng ven bờ kết hợp với địa hình đặc biệt và sự xuất hiện dòng Rip có quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với nhau. Dòng Rip xuất hiện càng làm cho các rãnh ngầm giữa các bãi cát sâu hơn, tạo nên địa hình càng thích hợp hơn cho dòng Rip dễ dàng phát triển. Kết hợp với sự thay đổi của yếu tố sóng gió theo mùa, càng làm cho địa hình đáy vùng ven bờ dịch chuyển, kéo theo sự dịch chuyển của vị trí dòng Rip.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tổng quan lý thuyết xây dựng mô đun RS tính ứng suất tán xạ sóng – yếu tố gây tác động nhiều nhất đến sự hình thành dòng Rip, kết quả tính toán từ mô đun này là đầu vào cho mô hình HYDIST-RC để tính sự xuất hiện dòng Rip cố định tại một vùng của bờ biển Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Nghiên cứu đã xây dựng được và kiểm tra kết quả mô đun tính toán trường ứng suất tán xạ sóng RS, đây là dữ liệu đầu vào cho mô hình tính toán sự xuất hiện dòng Rip.
Sau khi thiết lập mô đun và tích hợp với mô hình HYDIST-RC, nhóm tác giả đã kiểm chứng sự xuất hiện dòng Rip ở khu vực Nha Trang. Kết quả cho thấy vị trí, cấu tạo dòng cũng như vận tốc dòng của mô hình HYDIST-RC khá tương đồng với kết quả được tính từ mô hình Mike 21 NSW.
Tuy nhiên, mô hình RS còn cần có sự trợ giúp tính toán (tính toán chiều cao sóng, chu kì sóng, góc sóng tới) từ phần mềm Mike 21 NSW. Trong thời gian tới, các tác giả sẽ phát triển tiếp mô đun tính chiều cao sóng, chu kỳ sóng, và hướng sóng, và tích hợp toàn bộ vào mô hình HYDIST –RC nhằm hoàn thiện một mô hình tính toán sự xuất hiện dòng Rip “made in Vietnam”.
Trong tương lai, các tác giả cũng sẽ nghiên cứu phát triển thêm mô hình để tính toán được sự di chuyển của dòng Rip ven bờ.