Dịch vụ 3G ở Việt Nam: mở rộng cửa lớn đón khách lẻ!

<_o3a_p>| 06/11/2009 10:28

Gần một tháng sau khi VinaPhone chính thức cung cấp các dịch vụ 3G và Viettel thử nghiệm 3G tại TP.HCM, số người dùng điện thoại biết đến các dịch vụ 3G còn quá ít so với sự mong đợi của các nhà mạng cung cấp dịch vụ. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến cái “buồn” của các nhà cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam, nhưng hầu như ai cũng nhận thấy: dịch vụ này chỉ dành cho người dùng điện thoại cao cấp (có hỗ trợ 3G) và các dịch vụ 3G chưa thật thiết thực.

Điện thoại 3G quá mắc

Để dùng được các dịch vụ 3G, điện thoại phải có tính năng 3G. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, chỉ những dòng điện thoại cao cấp, giá khoảng từ 4 triệu đồng trở lên, mới có tính năng 3G. Thực tế, số người dùng loại điện thoại cao cấp này ở Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam không nhiều. Ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thế giới di động cho biết: “Mặc dù VinaPhone đã cung cấp chính thức dịch vụ 3G và Viettel cũng đã thử nghiệm dịch vụ này nhưng số lượng điện thoại di động có giá trên 4 triệu đồng mà Thế giới di động bán ra chỉ chiếm 5% tổng số lượng điện thoại bán được”. Nhỉnh hơn so với Thế giới di động, đại diện siêu thị Viễn thông A cho biết, số lượng điện thoại có hỗ trợ bán ra chỉ chiếm 10% tổng số điện thoại, trong khi đó số lượng loại điện thoại đơn giản giá dưới 2 triệu chiếm đến 67%.

Không chỉ có điện thoại đắt tiền, cước phí dịch vụ 3G cũng khá cao. Chẳng hạn, người dùng phải mất từ 12.000 đồng mỗi ngày hoặc đến 300.000 đồng để chọn dùng 1 trong 7 dịch vụ Mobile Internet của VinaPhone, hoặc mất khoảng 50.000 đồng mỗi tháng để xem được 15 kênh tivi khi đăng ký dùng dịch vụ Mobile TV, hoặc thấp hơn là 30.000 đồng khi muốn dùng dịch vụ Mobile Camera trong tháng… Ngoài ra, muốn sử dụng được các dịch vụ 3G, điện thoại phải được kết nối GPRS.

Các dịch vụ 3G chưa thiết thực

Trong thời gian đầu cung cấp dịch vụ, VinaPhone mới chỉ cung cấp 6 dịch vụ, trong đó có đến 3 dịch vụ có thể dùng được bằng laptop qua Internet như xem tivi (Mobile TV), truy cập Internet (Mobile Internet), kết nối Internet cho laptop bằng thiết bị hoặc SIM có tính năng 3G (Mobile Broadband). Hai dịch vụ Video Call và Mobile Camera phần nào thể hiện tính đặc trưng của dịch vụ 3G, tuy nhiên không phải ai cũng cần dùng. Tại một cuộc thử nghiệm 3G của Viettel trong đợt vừa rồi, sau khi nghe nhân viên giới thiệu về dịch vụ video call, một ông khách e ngại: “Nếu dùng các dịch vụ này giữa các người thân thì không nói chi, nhưng sẽ khó khăn khi nói lời từ chối một đề nghị nào đó vì người gọi biết mình đang ở đâu”. Trong khi đó, dịch vụ Mobile Camera cho phép người dùng quan sát trực tiếp tình hình tại nút giao thông mà VinaPhone đã đặt camera, tuy nhiên mới chỉ xem được ở khu vực Hà Nội.

Mặc dù VinaPhone đã phủ sóng 3G được 10% dân số ở 13 tỉnh thành nhưng ngay trong thành phố lớn sóng 3G vẫn chập chờn. Anh Trần Đức Trung, nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất cho biết: “Tôi đang dùng thử dịch vụ 3G của VinaPhone nhưng khi vào khu vực tòa nhà trong sân bay là không kết nối được 3G nữa, muốn dùng thì phải ra khu vực trước sân bay. Chất lượng hình ảnh ở cuộc gọi Video Call có thể chấp nhận được, tuy nhiên e rằng nó sẽ suy giảm dần khi số lượng người dùng tăng lên”.

Ngay cả ông Huân, một người thường xuyên sử dụng Internet cho công việc, cũng cho biết: “Hiện tại, tôi chưa có nhu cầu sử dụng các dịch vụ 3G. Bởi tất cả đều có thể dùng bằng laptop có kết nối Internet không dây”. Theo nhiều người dùng, họ không thích xem video hay tivi trên điện thoại di động, vì màn hình của điện thoại nhỏ nên không thấy rõ, vả lại điện thoại sẽ mau hết pin.

3G tại Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam sẽ đi về đâu?

Có thể còn quá sớm để trả lời câu hỏi trên. Tuy nhiên, với thực tế và xu hướng người dùng điện thoại di động ở Việt <_st13a_country-region w:st="on">Nam như hiện nay thì hoàn toàn có thể dự đoán được kết quả của 3G tại Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam. Theo ông Lâm Hoàng Vinh, giám đốc VinaPhone, hiện nay VinaPhone có gần 30 triệu thuê bao đang sử dụng mạng 2G nhưng chỉ có hơn 2 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ truy cập Internet. Do vậy, có thể ước tính, từ nay đến năm 2010 mạng này chỉ có khoảng chừng ấy thuê bao có nhu cầu chuyển sang dùng dịch vụ 3G.

Bà Hoàng Ngọc Vy, tổng giám đốc Công ty Viễn thông A, cũng e ngại về tương lai của các dịch vụ 3G ở Việt Nam: “Theo thống kê của chúng tôi, nhiều người đăng ký sử dụng dịch vụ xem phim trên điện thoại di động nhưng không hài lòng về chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, phần lớn khách hàng đều chưa biết khai thác hết các tính năng của điện thoại 2G”. Còn theo ông Trương Minh Kỳ, giám đốc nhóm nghiên cứu sản phẩm viễn thông GFK tại Việt Nam, do nhu cầu sử dụng các dịch vụ 3G của người dùng chưa nhiều nên nhà đầu tư sẽ phải chờ thu chi phí đầu tư trong thời gian dài, và có thể sẽ phát triển chừng mực trong 3 năm tới nhưng cũng chỉ tập trung ở người dùng có thu nhập ở mức khá trở lên.

Tiếp theo hai nhà mạng nói trên, Mobifone cũng đang chuẩn bị thử nghiệm các dịch vụ 3G cho khoảng 300 khách hàng. Rồi hai nhà mạng có giấy phép 3G còn lại cũng sẽ tham gia vào thị trường 3G. Tuy nhiên, nếu không có những dịch vụ thực tiễn, gần gũi với nhu cầu của người dùng và là duy nhất thì 3G vẫn cũng chỉ là cái bóng mờ nhạt đối với phần lớn người dùng ở Việt Nam.

TÔN GIA QUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ 3G ở Việt Nam: mở rộng cửa lớn đón khách lẻ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO