Phương tiện phục vụ du lịch độc đáo, đậm nét văn hóa sông nước
Các loại hình du lịch vùng ĐBSCL thu hút khách nhất luôn gắn liền với sông nước và đều có sử dụng ghe xuồng làm phương tiện di chuyển. Có thể kể đến loại hình du lịch chợ nổi, sông nước miệt vườn, tham quan các vùng đất ngập nước, các khu rừng ngập mặn, các bãi bồi ven sông, khám phá cù lao, cồn, cửa sông, tham quan cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, tham quan những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh.
Hiện có nhiều loại hình du lịch có sử dụng ghe xuồng, đầu tiên có thể kể đến du lịch tham quan chợ nổi: hiện ở ĐBSCL có 7 chợ nổi lớn là Cái Bè, Trà Ôn, Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp, Ngã Năm, Cà Mau. Chợ họp trên sông, cả người bán và người mua đều dùng ghe xuồng làm phương tiện vận tải và di chuyển, xuồng ghe là nơi cư dân bày bán các loại sản phẩm hàng hóa đồng thời cũng là nhà ở di động của họ. Ghe xuồng hoạt động trên chợ nổi ở ĐBSCL có đủ loại từ ghe bầu, ghe chày, xuồng máy, đến xuồng chèo, xuồng ba lá,… Nhìn vào hình dáng ghe xuồng người ta đã biết được xuất xứ của nó. Chính sự đa dạng của các loại phương tiện cũng là yếu tố làm cho du lịch chợ nổi trở nên hấp dẫn du khách. Ghe xuồng phục vụ tham quan chợ nổi hết sức đa dạng: tàu du lịch có thể chở đến 100 người phục vụ tham quan ban ngày, du thuyền có thể chứa 200 người phục vụ về đêm, các loại ghe nhỏ có gắn máy đuôi tôm, hay ghe chèo tay và xuồng ba lá, vỏ lãi (tắc rán) thường phục vụ những đoàn khách lẻ dưới 10 người,…Thông thường, từ sáng sớm các phương tiện này chở khách đi tham quan chở nổi, tìm hiểu hoạt động mua bán trên sông và đặc biệt là có thể ăn uống, mua các sản vật địa phương mang về mà không ngại mang vác do sức tải của ghe xuồng rất lớn. Nét độc đáo khi tham quan chợ nổi bằng ghe xuồng là du khách được thưởng thức đờn ca tài tử, nghe điệu hò, điệu lý quê hương,… mà nghệ sĩ là những cư dân buôn bán trên chợ nổi.
Lại hình thứ hai là du lịch mùa nước nổi, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, mùa nước nổi ở ĐBSCL không phải là thiên tai mà trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng mà không phải nơi nào cũng có được. Vào mùa này thì ghe, xuồng trở thành ngôi nhà, sống lênh đênh trên sông nước, nước dâng đến đâu thì họ dâng theo đến đó. Chính vì những nét đặc trưng này mà mùa nước nổi ở ĐBSCL là mùa hấp dẫn du khách và ghe xuồng là phương tiện chủ yếu của du lịch. Khám phá mùa nước nổi du khách rất thích thú cảm giác được sống lênh đênh trên vùng nước ngập mênh mông, không thấy đâu là bờ, ngồi trên ghe xuồng thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sản mùa nước nổi, được nghe đờn ca tài tử, nghe tiếng hò ngọt ngào. Đêm xuống, ngủ trên ghe, thật thú vị khi được ngủ giữa gió chướng đầu mùa, bên trên là bầu trời đầy sao, bên dưới là sông nước mênh mông, con thuyền lênh đênh trôi trên sông nước, lại văng vẳng bên tai những điệu hò, những câu vọng cổ ngọt ngào của người dân đang giăng câu, bủa lưới. Càng thú vị và thấu hiểu hoạt động mưu sinh của người dân vùng lũ hơn khi du khách được chèo xuồng ba lá đi giăng câu, bủa lưới, đi hái bông điên điển, bông súng,… rồi chế biến và thưởng thức thành quả của mình ngay trên xuồng. Nhìn xa xa trong vùng nước mênh mông, đủ loại phương tiện như xuồng ba lá, ghe chày, ghe hàng, tắc rán qua lại dập dìu,… nét độc đáo ở đây là sự hòa quyện giữa ghe xuồng với sông nước với con người cùng chung sống với lũ.
Loại hình thứ ba là du lịch khám phá miệt vườn sông nước Cửu Long. Du khách ngồi trên ghe, xuồng ba lá hay tắc rán để len lỏi vào vườn cây ăn trái, cây trái trĩu cành rủ xuống, có thể với tay hái trái,… Vào mùa thu hoạch, có rất nhiều ghe xuồng tấp nập từ các nơi đến mua trái cây đủ loại, ghe nào cũng chở đầy ắp, nhìn rất thu hút. Kết hợp với các tour du lịch trải nghiệm là loại hình du lịch homestay, du khách sẽ được sống cùng người dân tại địa phương, tham gia vào các hoạt động sinh hoạt thường nhật của người làm vườn, chèo xuồng, tắc rán đi thu hoạch trái cây, đi làm vườn, đi đánh bắt cá,…để hiểu cuộc sống xứ vườn, cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, đong đầy tình nghĩa.
Ngoài ra, còn có loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa ghe xuồng trong đời sống cư dân ĐBSCL, du lịch tham quan làng nghề đóng ghe xuồng.
Hầu hết du khách đến ĐBSCL đều muốn du lịch có sử dụng ghe xuồng
Theo kết quả khảo sát thực tế 269 khách tại Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang, Kiên Giang, giá trị của ghe xuồng trong du lịch là rất lớn và hầu hết du khách đến ĐBSCL đều muốn trải nghiệm loại hình du lịch này.
Hiện nay, ở ĐBSCL còn khá nhiều các trại đóng ghe xuồng, phân bố rải đều các tỉnh, tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang,… Các làng nghề đóng ghe xuồng chủ yếu là cha truyền con nối từ nhiều đời,… Có thể kể đến một số làng nổi tiếng như làng đóng ghe xuồng Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Long Hậu - Lai Vung (Đồng Tháp), Cần Đước (Long An),… Trên thực tế, việc khai thác các làng nghề vào hoạt động du lịch vẫn chưa được chú trọng, ở An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang có một số tour tham quan làng ghề đóng ghe xuồng. Tuy nhiên do khách tham quan và tìm hiểu các công đoạn làm ghe xuồng không thường xuyên nên thường không có bán vé hay thu phí, một số làng nghề cũng không tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Giá trị ghe xuồng cũng được khai thác khá hiệu quả qua lễ hội đua ghe Ngo. Hàng năm, đến 15 tháng 10, đồng bào Khmer lại nô nức đón mừng lễ hội. Đua ghe Ngo là dịp bà con ăn mừng, vui chơi sau vụ mùa và cũng là một loại hình thể thao truyền thống thú vị và thu hút du khách. Họ đến đây ngoài tìm hiểu nét văn hóa lễ hội, còn là cơ hội trải nghiệm với hoạt động đua ghe Ngo. Ngoài ra còn các hoạt động thể thao đua xuồng ba lá, tắc rán,...cũng rất thu hút du khách được diễn ra định kỳ hàng năm vào dịp lễ lớn ở các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng,…