Để công bố quốc tế thành công
Việt Nam đã có bước tiến lớn về số lượng bài báo khoa học nhưng chất lượng nghiên cứu và phát triển bền vững vẫn còn nhiều thách thức.
Nhân dịp đầu xuân - Ất Tỵ 2025, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Y khoa tại Đại học New South Wales - đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Khoa học phổ thông để bàn về một vấn đề trong giới khoa học nước ta: Các bài báo khoa học và công bố quốc tế.
Có tiến bộ nhưng chất lượng chưa cao
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế tại Việt Nam trong những năm gần đây?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Công bố khoa học ở Việt Nam nói chung là có tiến bộ đáng kể. Năm 2014, các nhà khoa học Việt Nam công bố 3.743 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Web of Science. Năm 2024, số bài báo khoa học là gần 14.000 bài, tăng 3,7 lần. Đó là một xu hướng tích cực và đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn sang các nước trong vùng thì số bài báo khoa học từ Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Chẳng hạn như năm 2024, số bài báo từ Thái Lan là 20.200 bài (cao hơn Việt Nam 6.000 bài), Indonesia 21.600 bài và Malaysia có gần 27.000 bài.
Nói cách khác, dù có tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua, mức độ hoạt động nghiên cứu khoa học (như phản ảnh qua số bài báo khoa học) của Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Một xu hướng khác đáng quan tâm là hơn 70% các bài báo khoa học từ Việt Nam là kết quả của hợp tác quốc tế, chứ không phải do "nội lực". Còn các nước trong vùng thì tỷ lệ nội lực dao động trong khoảng 50 đến 60%, tức cao hơn Việt Nam.
Đó là số lượng, thế còn chất lượng nghiên cứu khoa học thì sao?
Rất khó đánh giá chất lượng nghiên cứu nếu không đọc bài báo khoa học. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem uy tín của tập san là một thước đo hay tín hiệu gián tiếp phản ảnh chất lượng, thì các nghiên cứu từ Việt Nam có chất lượng không cao. Rất ít (không tới 5%) các nghiên cứu từ Việt Nam được công bố trên những tập san "top 10%" trên thế giới. Đa số các nghiên cứu từ Việt Nam được công bố trên những tập san có chỉ số ảnh hưởng thấp, tập san không thuộc hiệp hội chuyên môn, thậm chí trên những tập san đáng ngờ là "dỏm".
Một điểm đáng chú ý là các nghiên cứu có yếu tố hợp tác quốc tế thường có chất lượng cao hơn các nghiên cứu do người Việt Nam chủ trì hay là tác giả chính.
Xu hướng chạy theo số lượng
Tại sao nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có chất lượng thấp, thưa giáo sư?
Để trả lời câu hỏi này một cách khách quan và đầy đủ, cần phải có một công trình nghiên cứu có hệ thống. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân và trong lĩnh vực y khoa, tôi thấy các nghiên cứu từ Việt Nam thường mang tính mô tả hơn là giải quyết một câu hỏi quan trọng.
Nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng chạy theo số lượng bằng cách công bố rất nhiều bài báo, nhưng không hay ít quan tâm đến chất lượng. Xu hướng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khoa học của cả nước.
Đa số các nghiên cứu y khoa không được thiết kế một cách bài bản, và do đó, kết quả rất khó diễn giải, dẫn đến kết quả bị các tập san có uy tín cao từ chối công bố.
Có quan điểm cho rằng vì tài trợ cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nên khó có thể làm những nghiên cứu có chất lượng cao. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Đúng là ngân sách dồi dào có thể giúp nhà khoa học theo đuổi các nghiên cứu tầm cao.
Tuy nhiên, tôi thấy trong thực tế thì không hẳn như vậy. Chúng tôi đã thực hiện một công trình nghiên cứu quy mô lớn ở Việt Nam trong 10 năm qua, với một ngân sách hạn hẹp (và chúng tôi không nhận lương), nhưng chúng tôi vẫn có thể cho ra những kết quả chất lượng cao, gây tác động trong chuyên ngành, và công bố trên những tập san hàng đầu trên thế giới.
Nhóm chúng tôi không phải là nhóm duy nhất, còn có vài nhóm khác ở Việt Nam cũng làm nghiên cứu chất lượng cao dù ngân sách rất hạn chế so với nước ngoài. Do đó, tiền chưa chắc là vấn đề lớn, vấn đề lớn là tầm nhìn của người làm khoa học và biết đặt những câu hỏi lớn mà thế giới quan tâm.
Nghiên cứu có sự "lệch pha" giữa Việt Nam và thế giới
Đâu là những lỗi thường mắc phải trong một bài báo khoa học "bị từ chối"?
Kinh nghiệm làm biên tập cho vài tập san y khoa, tôi thấy vấn đề lớn nhất của một nghiên cứu khoa học là phương pháp. Khoảng 70% các bản thảo bài báo khoa học bị từ chối công bố là do phương pháp chưa đạt. Phương pháp ở đây bao gồm mô hình thí nghiệm, cách chọn mẫu nghiên cứu, đo lường và phân tích dữ liệu.
Khoảng 20% bản thảo bài báo bị từ chối công bố vì ý tưởng tầm thường, không có gì mới hoặc không được sự quan tâm của chuyên ngành.
Rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam nhằm trả lời những câu hỏi mang tính địa phương mà thế giới không quan tâm. Ngược lại, những vấn đề mà thế giới quan tâm thì các nhà nghiên cứu ở Việt Nam không quan tâm. Do đó, có sự "lệch pha" giữa thế giới và Việt Nam.
Để soạn một bài báo khoa học tốt, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm?
Một bài báo khoa học tốt là do 2 yếu tố chính: Chất lượng khoa học và cách trình bày. Một bài báo khoa học cho dù được soạn rất hay nhưng nếu chất lượng khoa học tầm thường, thì không thể xem là bài báo tốt và dễ bị từ chối.
Về trình bày, mỗi bài báo khoa học là một câu chuyện. Và câu chuyện phải trả lời 4 câu hỏi:
- Tại sao nghiên cứu này cần thiết;
- Đã làm gì trong nghiên cứu;
- Đã phát hiện những gì;
- Và những phát hiện đó có ý nghĩa gì và tại sao độc giả phải quan tâm.
Về cách viết, bài báo khoa học phải đáp ứng tiêu chí 3C (tiếng Anh): Coherence, Clarity và Convincing - có nghĩa là khúc chiết, trong sáng và thuyết phục. Khúc chiết ở đây có nghĩa là cấu trúc đoạn văn phải theo logic đường thẳng. Trong sáng là cách chọn chữ đơn giản và câu văn đơn giản. Và thuyết phục có nghĩa là viết khách quan và có chứng cứ yểm trợ.
Tóm lại, một bài báo khoa học tốt phải có nội dung với chất lượng cao và cách trình bày đạt tiêu chí 3C.
Cần tích hợp AI một cách có trách nhiệm
Một năm qua mọi người bàn luận khá nhiều về sự phát triển và những ảnh hưởng của AI, cụ thể là ChatGPT. Ông nhận định như thế nào về vai trò của ChatGPT trong nghiên cứu khoa học?
Có thể nói rằng ChatGPT là một tác nhân thay đổi nghiên cứu khoa học (game changer) trên thế giới. Như nhiều công cụ khác, ChatGPT là một "con dao hai lưỡi". Nếu nó được dùng vì mục đích lành mạnh thì ChatGPT là một trợ lý rất đắc lực. Nhưng nếu nó rơi vào tay của những kẻ bất lương thì ChatGPT sẽ trở thành một thủ phạm nguy hiểm đối với đạo đức khoa học.
Ngày nay, ChatGPT có thể giúp cho các nhà khoa học mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ soạn bài báo khoa học đúng với chuẩn mực quốc tế. Nó có thể giúp nhà khoa học viết văn đúng văn phạm, nhưng để đáp ứng tiêu chuẩn 3C thì vẫn cần đến sự can thiệp của nhà khoa học.
ChatGPT có thể tạo một bộ dữ liệu mà thoạt nhìn thì chẳng khác gì một nghiên cứu thật! Do đó, những người bất chấp đạo đức khoa học có thể dùng ChatGPT để giả tạo dữ liệu một cách dễ dàng và họ có thể dùng ChatGPT để soạn một bài báo khoa học dựa trên dữ liệu giả tạo. Tình trạng này đã xảy ra trong thực tế và đang làm đau đầu cho những người "gác cổng khoa học" như tôi.
Lại có những nhóm dùng ChatGPT để sản xuất ra những bài báo khoa học và họ bán những bài báo này cho những người có nhu cầu. Những nhóm này được gọi là "Paper Mills".
Có những người công bố 50-60 bài báo khoa học mỗi năm mà họ chẳng nghiên cứu gì cả. Họ chỉ đơn giản mua những bài báo từ "Paper Mills".
Để ứng dụng AI trong nghiên cứu mà không vi phạm liêm chính khoa học, chúng ta nên sử dụng như thế nào cho hiệu quả, thưa ông?
Tôi nghĩ đầu tiên là phải định nghĩa thế nào là "đạo đức khoa học" và từ đó xác định việc sử dụng AI sao cho không vi phạm đạo đức khoa học. Theo tôi, đạo đức khoa học bao gồm các khía cạnh quan trọng như minh bạch, chính xác, thành thật và bảo mật. Từ đó, giới nghiên cứu khoa học có thể tích hợp AI một cách có trách nhiệm vào công việc nghiên cứu.
Bảo đảm tính minh bạch và tái lập trong khoa học: Điều này có nghĩa là nhà khoa học phải chia sẻ dữ liệu và mã dùng để phân tích dữ liệu một cách công khai. Cái thời mà nhà khoa học không chia sẻ dữ liệu đã qua lâu rồi. Ngày nay, để công bố bài báo khoa học thì việc chia sẻ dữ liệu gần như là bắt buộc, đặc biệt là đối với các tập san quan trọng.
Chính xác: Nhà khoa học có nghĩa vụ phải báo cáo dữ liệu một cách chính xác và đầy đủ, chứ không phải trình bày những dữ liệu chỉ phù hợp với giả thuyết của mình và bỏ qua những “dữ liệu âm tính”. Những thủ đoạn như “tra tấn dữ liệu” và phân tích tuỳ tiện là không chấp nhận được và có thể xem là vi phạm đạo đức khoa học.
Thành thật: Nếu nhà khoa học có sử dụng AI trong việc soạn bài báo, thì cần phải khai báo rõ ràng trong bài báo. Ngày nay, nhiều tập san đồng ý cho tác giả dùng AI để biên tập bài báo khoa học, nhưng với điều kiện tác giả phải khai báo.
Bảo mật: Đối với các nghiên cứu có liên quan đến con người và động vật, cần phải có sự phê chuẩn của hội đồng đạo đức và duy trì tính bảo mật tuyệt đối. Việc này sẽ tránh tình trạng dùng AI để giả tạo dữ liệu nghiên cứu.
Tóm lại, những biện pháp trên là nhằm vào việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Cần xác định rằng AI là một công cụ để hỗ trợ nhà nghiên cứu, không thay thế phán đoán của nhà nghiên cứu. Do đó, phải bảo đảm AI luôn được giám sát bởi nhà khoa học để tránh hậu quả không mong muốn.
Nhiều hình thức gian lận như ngụy tạo kết quả, đạo văn, chế biến dữ liệu,… vẫn tồn tại dai dẳng trong cộng đồng khoa học. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp nào?
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội và do đó tôi nghĩ sẽ không bao giờ loại bỏ hết những trường hợp gian lận trong khoa học. Chúng ta chỉ có thể tìm cách giảm những trường hợp gian lận khoa học mà thôi. Những biện pháp mà các đại học phương Tây áp dụng, bao gồm:
Ban hành chính sách về đạo đức khoa học: Các đại học Úc và Mỹ đều có những hướng dẫn cụ thể và quy định về thực hành nghiên cứu đúng với chuẩn mực đạo đức khoa học, kể cả đạo văn. Các quy định này còn viết rõ về những hình phạt cho các vi phạm và quy trình xử lý các sai phạm.
Đào tạo: Tất cả giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên bắt buộc phải hoàn thành một khóa đào tạo về đạo đức nghiên cứu, quản lý dữ liệu, và tính trung thực trong học thuật. Họ sẽ không được làm nghiên cứu hay hướng dẫn nghiên cứu sinh nếu chưa qua khóa học này.
Giám sát và cố vấn tích cực theo dõi các hoạt động nghiên cứu của sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ.
Đăng ký nghiên cứu: Tất cả nghiên cứu cần phải được đăng ký bằng cách công bố đề cương hay bản tóm tắt trên mạng để bảo đảm tính minh bạch. Việc đăng ký trước các nghiên cứu cũng giúp giảm thiểu rủi ro báo cáo chọn lọc hoặc vặn vẹo dữ liệu.
Giảm áp lực công bố khoa học: Các đại học ngày nay theo đuổi chủ trương "Công Bố hay Diệt Vong" (Publish or Perish). Đây là một chủ trương sai lầm và nguy hiểm, nó gây áp lực lên nhà khoa học phải công bố khoa học và họ có thể nhắm mắt vi phạm đạo đức khoa học. Đại học cần phải tạo môi trường và chính sách coi trọng chất lượng hơn là số lượng trong nghiên cứu khoa học.
Tưởng thưởng công bằng: Nhiều đại học ngày nay thưởng cho công bố khoa học dựa vào số lượng bài báo khoa học đã công bố. Tôi nghĩ rằng đây là một chính sách sai lầm. Sai lầm là vì nó làm cho người ta chạy theo lượng mà bỏ qua phẩm. Do đó, cần phải tránh phụ thuộc quá nhiều vào các chỉ số định lượng như chỉ số tác động, vì điều này có thể khuyến khích các hành vi phi đạo đức.
Trở về Việt Nam lần này và mở nhiều khóa học về nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, ông có kỳ vọng như thế nào?
Chúng tôi đã giúp nâng cao năng lực khoa học cho đồng nghiệp trong nước 25 năm qua. Cứ mỗi khoá học như thế, chúng tôi giúp cho khoảng 100 đến 200 đồng nghiệp và sau khi hoàn tất, họ có những công trình nghiên cứu có thể công bố trên các tập san khoa học hàng đầu.
Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn còn là Giáo sư Xuất sắc (Distinguished Professor) và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Australia; Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia và Hàn lâm Học viện New South Wales.