Chuyển giao khoa học công nghệ trường đại học: Cần đồng bộ các quy định pháp luật

Công Chương - Hoàng Nguyễn| 22/05/2023 12:58

Có thể khẳng định các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò to lớn trong  phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tuy nhiên, để các hoạt động này được phát triển mạnh mẽ, bên cạnh yếu tố con người, cơ sở vật chất thì cần tháo gỡ các quy định về pháp lý.

Đóng góp nhiều công trình, dự án

Theo TS. Phạm Tấn Thi - Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Dự án, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM,Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM tiên phong triển khai 3 nhiệm vụ cốt lõi: Đào tạo, Nghiên cứu Khoa học và ĐMST. Nhà trường triển khai đào tạo môn khởi nghiệp từ năm 2008 cho chương trình kỹ sư Việt - Pháp, đào tạo khởi nghiệp quốc tế quốc tế đầu tiên từ 2016. Nhà trường đã ươm tạo 61 dự án khởi nghiệp, trong đó 27 dự án là của giảng viên, cựu sinh viên và 34 dự án cộng đồng. Đồng thời có 18 dự án tốt nghiệp và hình thành doanh nghiệp.

Về hoạt động chuyển giao công nghệ, nhà Trường thực hiện hơn 5.600 hợp đồng chuyển giao công nghệ giai đoạn 2012-2022. Tổng kinh phí chuyển giao công nghệ khoảng hơn 1.400 tỷ đồng, đạt trung bình hơn 132 tỷ năm. Năm đạt chuyển giao công nghệ cao nhất đạt 197,7 tỷ đồng.

Biểu đồ doanh thu chuyển giao công nghệ nghệ từ 2012-2022 của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM

“Trường có hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học thông qua việc cấp kinh phí cho các đề tài cấp cơ sở và hỗ trợ kinh phí cho công bố khoa học quốc tế uy tín. Trong năm 2022, trường đã hỗ trợ 8.569 triệu đồng cho NCS và HVCH, so với 4.343 triệu đồng trong năm 2021, nhờ đó công bố khoa học quốc tế uy tín được xếp hạng của NCS và HVCH là 278 bài, so với 262 bài của năm 2021 và 133 bài của năm 2020. Trong đó, có 18 bài báo đăng trên tạp chí được xếp hạng Top 20 của SCImago.

Đối với bậc đại học, ngoài việc luôn cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, hỗ trợ nâng cao các kỹ năng mềm, nhà trường đã tăng cường hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học với trên 300 đề tài NCKH cho sinh viên, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Số lượng bài báo trên tạp chí/ hội nghị quốc tế là 215 bài của năm 2022, so với 155 bài của năm 2021 và 41 bài của năm 2020. Trong đó có 10 bài báo đăng trên tạp chí được xếp hạng Top 20 của SCImago..." - TS. Phạm Tấn Thi cho biết.

Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (HCMUS) - - ĐHQG TP.HCM, PGS.TS Trần Văn Mẫn – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ của trường cho biết, NCKH, phát triển công nghệ gắn liền với công bố quốc tế đã được HCMUS chú trọng từ lâu. Trong khoảng 10 năm gần đây, HCMUS có khoảng 250 – 400 công trình, bài báo NCKH được công bố quốc tế mỗi năm. Trong giai đoạn tự chủ đại học, từ năm 2022, HCMUS đặt mục tiêu đạt 1.000 công bố quốc tế mỗi năm, là con số công bố thuộc loại cao nhất trong hệ thống các trường đại học tại Việt Nam.

“Mỗi năm trường có từ 20-30 đề tài nghiên cứu tham gia. HCMUS cũng tăng cường đầu tư tài chính cho các NCKH. Năm 2023, trường trích 30 tỉ đồng từ trong nguồn thu của trường để đầu tư hỗ trợ cho các NCKH của cán bộ, giảng viên và sinh viên” - PGS.TS Trần Văn Mẫn cho biết.

Khó khăn về pháp lý trong chuyển giao KH&CN

Tuy đóng góp nhiều cho sự phát triển KHCN, nhưng việc chuyển giao KHCN giữa các trường đại học và đơn vị bên ngoài gặp không ít trở ngại.

Theo PGS. TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, mặc dù đã đạt một số thành tựu nổi bật về NCKH, ĐMST và CGCN, nhưng nhà trường vẫn chưa có nhiều tài sản trí tuệ được khai thác thương mại một cách triệt để và hiệu quả.

Nguyên nhân theo PGS. TS. Lê Văn Thăng là do một số vướng mắc về pháp lý về hình thành một thị trường KH&CN. Theo đó, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, thị trường KH&CN của Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập, trong đó nhiều kết quả nghiên cứu tốt được tạo ra từ viện nghiên cứu, trường đại học nhưng lại chưa được ứng dụng kịp thời vào thực tiễn đời sống, nên chưa thể góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế này xuất phát từ sự khác biệt khá lớn giữa các quy định pháp lý trong nhiều quy định khác nhau như Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức viên chức, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật hình sự, Luật giá, Luật ngân sách nhà nước, Luật đấu giá tài sản.

Ngoài ra, việc thiếu các quy định/hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đã dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học với nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa các doanh nghiệp và viện, trường nhưng chưa thể triển khai được do có nhiều ràng buộc chồng chéo được tháo gỡ. Việc thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý hiện hành là những nguyên nhân lớn gây cản trở các nhà khoa học trực tiếp tham gia vào quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu đạt được thông qua các mô hình doanh nghiệp” - PGS. TS. Lê Văn Thăng chỉ ra nguyên nhân.

Bên cạnh đó, theo đại diện Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, còn có một nguyên nhân trở ngại khác là các nhà khoa học không được góp vốn vào việc sáng lập doanh nghiệp KH&CN và quản lý, điều hành doanh nghiệp để khai thác tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu và thiếu cả cơ chế góp vốn bằng tài sản trí tuệ. Hơn nữa, quy định về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tạo ra từ Ngân sách nhà nước chưa tạo ra động lực cho các tổ chức chủ trì là doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị sự nghiệp công lập và nhà khoa học trong triển khai nhiệm vụ KH&CN. Những bất cập nêu trên đã hạn chế rất nhiều đến khả năng phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển giao khoa học công nghệ trường đại học: Cần đồng bộ các quy định pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO