Tháng 8/1990, tôi có may mắn được đọc bài “Chữa bỏng nước sôi lành trong vài giờ” của BS Nguyễn Hữu Thức đăng trên báo Đại đoàn kết số 33 (từ ngày 14 - 20/8/1990). Lúc mới đọc tên bài báo, tôi vẫn đinh ninh rằng chắc có một loại thuốc đặc biệt gì đó khác với những cách chữa thông thường của nhân dân ta thường làm là bóp muối hoặc nhúng chỗ bị bỏng vào nước tương, hay bôi mỡ trăn, mỡ chó vàng, dầu cá… hay dùng một loại tân dược nào đó v.v… Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Sau khi đọc xong phần phương pháp, và phần phân tích cơ chế của liệu pháp này, tôi hoàn toàn tin ngay, nhất là tác giả còn viết cả địa chỉ của mình : “B/S Nguyễn Hữu Thức, 17 Yết Kiêu - Hà Nội” và cam đoan ghi địa chỉ để ai chữa bằng phương pháp này mà không khỏi thì đi kiện !
Từ sau thời gian đó đến nay, tôi đã trực tiếp thể nghiệm ngay cho bản thân mình và người nhà mình khi bị bỏng nước sôi. Thấy kết quả rất khả quan , tôi liền mách cho nhiều người áp dụng. Và, 100% trường hợp đều kết quả. Sau đó, căn cứ vào cơ chế của liệu pháp này, tôi lại thử áp dụng đối với những trường hợp bị bỏng do vô ý cầm phải vật rất nóng như cán xoong, tai nồi, quai siêu… đang đun trên bếp cũng rất kết quả. Trong những trường hợp này thường chỉ 10 - 15 phút là hết nóng rát.
Nhân dịp này, tôi muốn qua Báo KHPT-CĐSK, phổ biến lại phương pháp chữa bỏng nước sôi vô cùng đơn giản lại không mảy may tốn kém này với lòng mong muốn càng nhiều người càng tốt biết phương pháp này để xử lý trong những trường hợp cấp bách bị bỏng nước sôi, nhất là đối với các cháu bé, người cao tuổi…
Phương pháp cụ thể như sau: ngay lập tức nhúng tất cả bộ phận bị bỏng vào nước lạnh sạch 10 - 200C (bể chứa, chậu thau, xô lớn…) hoặc cho vòi nước chảy dội vào liên tục, cho đến khi hết hẳn cảm giác nóng rát, thường khoảng 30 phút (vết bỏng nhỏ) đến 1 giờ đồng hồ (vết bỏng rộng). Bị bỏng ở bộ phận khó ngâm, khó nhúng thì đắp khăn ướt lên vùng bị bỏng rồi áp sát vùng bị bỏng vào thành xô, hoặc chậu nhôm chứa nước cũng tạo ra độ mát tương tự, nhưng phải thay khăn luôn. Khi hết cảm giác nóng rát là lành, nghĩa là không bị nốt phỏng nước sôi nổi lên.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh hay người già bị bỏng vào mùa đông, cần giữ ấm vùng không bị bỏng và dùng khăn ẩm đắp lên vết bóng trong vòng 30 phút mà không nhúng hoặc xối nước trực tiếp vào vết bỏng.
Khi bị bỏng, bộ phận bị bòng trên cơ thể sẽ bị nóng gấp nhiều lần so với nhiệt độ bình thường của cơ thể. Theo phản xạ tự nhiên, não sẽ chỉ đạo cơ thể dồn nước vào chỗ bị bỏng để chống nóng cho chỗ đó. Vì vậy, chỗ đó xuất hiện những nốt phồng to, nhỏ tùy mức độ bị bỏng. Khi ta ngâm, nhúng bộ phận bị bỏng vào nước sạch, nước lã có nhiệt độ thấp (khoảng 200C) hơn nhiệt độ cơ thể sẽ làm nhiệt độ chỗ bị bỏng giảm dần xuống, cơ thể không phải dồn nước về đó, nốt phỏng nước sẽ không xuất hiện.
Một số lưu ý:
- Phương pháp nàychỉ có kết quả nếu đước xử lý ngay lập tức sau khi bị bỏng. Quá 5 - 7 phút sẽ kém hiệu quả. Và nếu không ngâm thì dù bôi mỡ trăn, mỡ chó vàng, nốt phỏng nước cũng vẫn xuất hiện, chẳng còn cách nào chữa nhanh được nữa.
- Tuyệt đối không được dùng nước quá lạnh hoặc đá lạnh chườm lên vùng bị bỏng. Bởi vì, cơ thể bình thường ở nhiệt độ 370C, khi bị bỏng, cơ thể đã bị mất nhiệt, cộng thêm với bị chườm đá lạnh, sự mất nhiệt lại tăng thêm. Các tinh thể đá đã làm đông cứng tế bào, gây tổn thương hoại tử ướt nếu chườm, ướp đá kéo dài trên 30 phút. Mức độ tổn thương do bỏng lạnh, không nhìn thấy, bởi đã lẫn vào bỏng nóng, sẽ làm nặng thêm tình trạng bỏng. Loại hoại tử ướt này không diễn biến mạnh nhưng khiến cho khả năng bảo tồn khi điều trị vết bỏng khó khăn.
Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng, thậm chí rắc vôi bột lên bộ phận bị bỏng. Vì kem đánh răng hay vôi bột đều là các chất chứa kiềm, khi gặp môi trường thuận lợi như các vết thương bỏng, sẽ xâm nhập và gây nên biến chứng khác. Ngoài việc bỏng nhiệt, bệnh nhân còn có khả năng bị thêm bỏng do kiềm sẽ rất nguy hiểm.
- Không được dùng mỡ trăn, dầu cá, lòng trắng trứng, nước mắm… bôi vào vùng bị bỏng. Vì bôi các chất này rất dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, bỏng sâu hơn.