Giáo dục

Chọn ngành - chọn nghề: Nắm bắt xu hướng, nghiêm túc và cẩn trọng

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông HUTECH) 05/05/2024 - 13:26

Học sinh nào trước ngưỡng cửa đại học đều phải chọn ngành học. Lựa chọn ngành nghề là một lựa chọn quan trọng vì lựa chọn ngành sẽ quyết định đến ngành học các em sẽ học trong những năm đại học; quyết định đến ngành nghề, công việc của các em sau này; cũng như ảnh hưởng đến nhiều thứ khác trong cuộc sống, tương lai sau này.

Chính vì quan trọng như vậy, nên khi lựa chọn ngành nghề, các em phải đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu thông tin, lắng nghe sở thích, đam mê của bản thân, đánh giá về nhu cầu nhân lực của xã hội, các yếu tố khách quan, chủ quan khác liên quan đến việc chọn ngành. Và phải làm công việc này một cách thật nghiêm túc, tìm hiểu càng kỹ, nguồn thông tin càng nhiều, sự lựa chọn sẽ càng chính xác.

hutech-6.jpg
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông HUTECH).

Cân nhắc đến sở thích, điểm mạnh của bản thân

Nhiều học sinh chưa định hình rõ tư duy ngành nghề, chọn ngành theo xu hướng chung mà không cân nhắc đến sở thích, điểm mạnh của bản thân. Chính điều này có thể dẫn đến nhiều trở ngại trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp. Có không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp bắt đầu loay hoay trên con đường lập thân lập nghiệp vì không tìm được công việc đúng chuyên ngành và phù hợp năng lực, sở thích. Vì vậy, học sinh cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và chọn ngành học phù hợp với bản thân để thuận lợi hơn trong hành trình học tập, xây dựng sự nghiệp tương lai của mình.

Để chọn ngành học phù hợp, các em cần dành thời gian suy nghĩ về những đam mê, mối quan tâm và những giá trị của mình. Các em cần xác định bản thân có sở thích gì, tố chất gì, tính cách là người hướng nội hay hướng ngoại, điều kiện hoàn cảnh gia đình như thế nào,... Về vấn đề này các em có thể tham khảo lời khuyên từ ba mẹ, thầy cô, nhưng người đưa ra quyết định cuối cùng phải là chính mình. Đừng lựa chọn ngành theo ý kiến của bất kỳ ai mà bản thân không có thế mạnh, không có đam mê.

Khi tìm hiểu về một ngành, ngoài những sự hấp dẫn, những gam màu hồng thì các em cũng phải tìm hiểu cả những góc khuất, những khó khăn của ngành để có thể hiểu ngành, cũng như sự tương thích với bản thân mình một cách thấu đáo, đầy đủ. Chẳng hạn, đối với khối ngành công nghệ, sẽ đòi hỏi ở các em những tố chất như: học khá giỏi các môn khoa học tự nhiên, có tư duy logic tốt, thích làm việc với máy móc, thiết bị, thích sự chính xác, có tính cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại… Ví dụ chọn học ngành Công nghệ thông tin, bên cạnh sức hút, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến, mức lương và những điểm cộng của ngành chúng ta được nghe rất nhiều, các em cũng phải lường trước, công việc lập trình và các công việc liên quan đến Công nghệ thông tin đa phần đều đòi hỏi áp lực rất lớn, lương càng cao cũng đồng nghĩa với áp lực càng cao. Nhiều người đã theo học và thành công, nhưng cũng có không ít người phải bỏ cuộc, bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực.

Tìm hiểu về các triển vọng nghề nghiệp trong tương lai

Cùng với đó, học sinh nên tìm hiểu về các triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của ngành mà mình theo đuổi, xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường lao động ra sao ở thời điểm hiện tại, vào 4-5 năm nữa sau khi tốt nghiệp, và 10-20 năm sau trong tương lai. Trên thị trường có rất nhiều ngành, nghề khác nhau, nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội sẽ tốt hơn các ngành khác. Chúng ta chọn ngành đào tạo, trường đào tạo để học được những kiến thức, kỹ năng để có thể làm nghề thật tốt trong tương lai. Chọn học một ngành, vẫn có thể làm được rất nhiều nghề sau đó. Khi đã chọn, hãy tự tin với lựa chọn của mình, cuộc sống sẽ luôn thay đổi, quan trọng nhất là các bạn cần có phương pháp tư duy, một tâm thế học hỏi không ngừng để thích nghi với tốc độ phát triển của xã hội.

hutech-4.jpg
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện học thực hành.

Tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), sau đợt nhận hồ sơ học bạ đầu tiên vào HUTECH trong năm 2024, Nhà trường nhận thấy xu hướng chọn ngành năm nay cũng khá tương đồng so với năm trước, đặc biệt có những ngành được thí sinh quan tâm, đăng ký qua những năm gần đây như Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Marketing, Digital Marketing, Thiết kế đồ họa, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Quản trị khách sạn, Ngôn ngữ Anh,…

Một ghi nhận cũng đáng lưu ý là 7 ngành mới mà nhà trường bắt đầu tuyển sinh từ năm nay gồm Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính cũng nhận được số lượng đăng ký nguyện vọng khá đáng kể so với chỉ tiêu tuyển sinh (50 chỉ tiêu/1 ngành mới).

Lý giải cho hiện tượng này, có thể nói rằng những ngành kể trên luôn có nhu cầu nguồn nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại. Chẳng hạn, hiện nay mọi doanh nghiệp đều cần đến những phương thức, ấn phẩm quảng cáo hiện đại, đẹp mắt, độc đáo, thích ứng với xu hướng chuyển đổi số để phục vụ các hoạt động truyền thông - quảng cáo trong xu hướng tiếp nhận thông tin mới, do đó những ngành như Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng, Marketing, Digital Marketing, Thiết kế đồ họa là rất cần thiết.

Hay các ngành như Công nghệ thông tin, Công nghệ tài chính, Kinh tế số là những ngành thuộc lĩnh vực “xương sống” trong kỷ nguyên số hay có sự tích hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực khác, mang đến nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Đây cũng là những ngành đáp ứng nguyện vọng phát triển nghề nghiệp của Gen Z năng động, sáng tạo - thế hệ trẻ trưởng thành trong thời đại bùng nổ công nghệ và mạng xã hội đại chúng, “sống” cùng công nghệ và ứng dụng công nghệ mỗi ngày.

Lựa chọn một ngành học thực sự phù hợp và có thể theo đuổi, gắn bó lâu dài là điều hết sức quan trọng. Thí sinh nên tìm hiểu kỹ càng để đưa ra quyết định đúng đắn nhất ngay từ đầu. Việc thay đổi ngành học sau khi đã chọn, đã học, dù ở thời điểm nào cũng sẽ để lại cho sinh viên những tổn thất nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn ngành - chọn nghề: Nắm bắt xu hướng, nghiêm túc và cẩn trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO