Y học

Cảnh giác nguy cơ bị hít sặc đường thở khi ăn ở người già

HỒNG DUNG 27/06/2024 - 21:11

Chiều 27/6, thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều ca cấp cứu hít sặc thức ăn đường thở, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái, có trường hợp tử vong trên đường đến bệnh viện.

BS. CK1. Trịnh Hải Hoàng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết, cách đây 3 ngày, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận trường hợp cụ ông 90 tuổi, ở Vĩnh Long, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, được chỉ định đặt nội khí quản và thở máy. Kết quả nội soi phế quản, cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi và trong phổi có nhiều thức ăn và dịch đàm. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân tuy còn thở máy nhưng có tiến triển tốt và tỉnh táo hơn.

bs-trang.jpg
ThS. BS. Nguyễn Thụy Trang chia sẻ tại buổi họp báo

Theo lời người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, bệnh nhân sau khi ăn xong, có dấu hiệu ho và ngày càng nhiều, sau đó khó thở nên người nhà đưa cấp cứu.

“Hiện tượng người già hay bị sặc còn gọi là viêm phổi do rối loạn nuốt chủ yếu là do các dị vật như nước bọt, đờm, thức ăn hoặc dịch vị trào ngược… Những dị vật này sẽ tác động gây phản ứng viêm nhiễm, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tiến vào phổi. Ngoài ra, khi ăn uống không tập trung ăn, vừa ăn vừa xem hoặc nói chuyện thì rất dễ gây ra hiện tượng sặc”, BS. Hoàng cho hay.

ThS. BS. Nguyễn Thụy Trang, Phụ trách Khoa cấp cứu, nhận định thời gian gần đây số lượng người già bị hít sặc đường thở nhập viện khá nhiều, hầu như ngày nào cũng có ca. Đặc biệt, một số trường hợp rất nặng khi vào đến bệnh viện đã ngưng tim hoặc điều trị ICU. Vì vậy, người dân cần biết cách phòng tránh, cũng nhứ dấu hiệu sặc để xử trí kịp thời.

“Việc chăm sóc người lớn tuổi, nhất là người có bệnh lý nền như sa sút trí tuệ, tai biến, Alzheimer… những người mắc các bệnh lý này thường bị suy giảm khả năng nuốt hoặc rối loạn chức năng nuốt nên dễ gây tình trạng hít sặc thức ăn vào đường thở. Vì vậy, người chăm sóc bệnh hết sức lưu ý, sau khi cho bệnh nhân ăn xong, cần vỗ nhẹ lưng cho thức ăn xuống và theo dõi 30 phút”, BS.Trang nhấn mạnh.

bn-bi-sac-dang-dieu-tri(1).jpg
Bệnh nhân bị sặc thức ăn đang theo dõi và điều trị tại BV Thống Nhất TP.HCM

BS. Trang khuyến cáo, nhiều trường hợp khi người già ăn uống bị sặc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân. Vì thế, khi chăm sóc người già cần chú ý đến việc lựa cho thực phẩm, cách chế biến thức ăn cũng như cách cho người cao tuổi ăn. Khi cho ăn, để ông/bà ngồi thẳng 90 độ, có tựa lưng; trường hợp không ngồi được, có thể nằm nhưng độ dốc ít nhất 60 độ, cằm hơi cuối xuống; cho ăn lượng thức ăn nhỏ, quan sát để điều chỉnh tốc độ ăn, cho ăn luân phiên giữa thức ăn lỏng và thức ăn đặc; không nên cho ăn quá nhiều cùng một lúc, chia nhỏ phần ăn và ăn nhiều lần trong ngày.

Nên nhận biết hiện tượng sặc, để có cách xử trí kịp thời. Triệu chứng rõ nhất của hiện tượng sặc đó là ho nhiều. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, người già vừa bị ho dữ dội vừa có các triệu chứng của suy hô hấp, như: mặt tím tái, thở khò khè, thanh môn bị co thắt. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu sớm.

Khi phát hiện bị sặc thức ăn, kiểm tra thức ăn có tồn đọng trong hầu họng hay không; có thể để người bị sặc tự loại bỏ thức ăn tồn đọng trong hầu họng hoặc hỗ trợ bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, dùng tay khều thức ăn ra, giúp hầu họng và đường thở được thông thoáng. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bị sặc gây ra hiện tượng tắc nghẽn đường thở hoặc suy hô hấp, cần đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức, để kịp thời cứu chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác nguy cơ bị hít sặc đường thở khi ăn ở người già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO