Cần quy định trình độ chuyên môn, khoảng cách an toàn trong lĩnh vực hóa chất
Theo nhiều đại biểu, cần quy định trình độ chuyên môn trong sản xuất hóa chất và khoảng cách an toàn đối với các kho hóa chất, cơ sở kinh doanh hóa chất,…
Gần đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (Đoàn ĐBQH TP.HCM) tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM; các Sở, chi cục, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp cùng một số trường đại học, doanh nghiệp hóa chất địa bàn TP.HCM,…
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Phước Thắng cho biết, hội thảo là dịp để để Đoàn ĐBQH TP.HCM lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Từ đó, sẽ báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời có những phát biểu trong kỳ họp tháng 10 và 11 sắp tới. Sau đó, Đoàn sẽ hoàn thiện nội dung góp ý Luật hóa chất (sửa đổi) và tiếp tục gặp gỡ các đại biểu để lấy ý kiến trước khi luật này được thông qua.
“Rất mong các đại biểu tiếp tục theo dõi, góp ý để hoàn thiện tốt nhất để khi luật đi vào cuộc sống thì việc quản lý, khai thác, sử dụng hóa chất được thực hiện tốt nhất và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, sức khỏe con người và môi trường để thành phố phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Hà Phước Thắng chia sẻ.
Luật Hóa chất năm 2007 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2008, là sự thể chế hóa, hiện thực và cụ thể hóa một cách nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Nhìn nhận và đánh giá một cách tổng thể, Luật Hóa chất tương đối toàn diện và tiến bộ, với các chế định được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện kinh tế cụ thể của ngành hóa chất Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển chung của quản lý hóa chất trên thế giới. Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật. Như vậy, Luật Hóa chất đã có 16 năm thi hành ổn định, có thể nói là một trong những Luật chuyên ngành có thời gian thi hành ổn định lâu nhất. Sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật Hóa chất liên quan đến nhiều công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia
Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa - Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM cho biết, hóa chất là lĩnh vực liên quan đến con người tiếp xúc hằng ngày (đánh răng, rửa tay, giặt quần áo…cũng dùng hóa chất) nhưng chưa có nhận thức đầy đủ. Luật Hóa chất là một luật có liên quan đến rất nhiều công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: Công ước Cấm vũ khí hóa học, Công ước Minamata về thủy ngân, Công ước Rotterdam về đồng thuận thông báo trước với các hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế, Công ước Basel về vận chuyển chất thải xuyên biên giới, Công ước Stockholm về các chất khó phân hủy, Chiến lược quản lý hóa chất quốc tế... Theo Điều 12 Hiến pháp 2013, nước CHXHCNVN tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và Điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên. Hơn nữa, vấn đề hóa chất liên quan đến sức khỏe, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống với những hậu quả hiện tại và lâu dài.
“Vì vậy, việc ban hành Luật Hóa chất (suất đổi) trong tình hình hiện nay là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hóa chất, nội luật hóa các quy định của quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đồng thời giải quyết những vướng mắc còn tồn tại của Luật Hóa chất số 06/2007/QH12”, luật sư Trương Thị Hòa khẳng định.
Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa cùng các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, bổ sung, điều chỉnh dự thảo Luật hóa chất (sửa đổi). Luật sư Trương Thị Hòa đưa ra 13 góp ý dự thảo Luật Hóa chất, trong đó, bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa chất vì hóa chất là vấn đề của toàn cầu về quản lý, về phòng chống rủi ro, về bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế và các Diễn đàn thế giới về hóa chất, nhất là từ năm 2012 Việt Nam đã trở thành thành viên của Sáng kiến thành lập Trung tâm tiên tiến về hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân do Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng vào năm 2010 nhằm tăng cường năng lực thể chế của các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các tác nhân về hóa học, sinh học phóng xạ và hạt nhân. “Trong trường hợp có sự khác biệt giữa Luật Hóa chất và các Điều ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của các Điều ước quốc tế”, luật sư Hòa nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, luật sư Trương Thị Hòa góp ý, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất có điều kiện cóc thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp và rút ngắn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Hóa chất có điều kiện còn 3 năm (thay vì 5 năm) kể từ ngày cấp vì Luật Hóa chất 2007 không quy định về thời hạn đối với các Giấy chứng nhận, đồng thời, không có tiền kiểm, nhất là không có hậu kiểm, do đó, trong thực tế đã phát sinh nhiều hậu quả do hóa chất gây ra.
Yêu cầu chuyên môn trong hoạt động hóa chất
Tại hội thảo, Khoản 1 Điều 60 quy định yêu cầu về chuyên môn trong sản xuất hóa chất “a. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ đại học trở lên về hóa học; b. Người lao động có liên quan đến hoạt động sản xuất hóa chất phải được huấn luyện an toàn hóa chất phù hợp với nhiệm vụ được phân công”, đã nhận được nhiều góp ý của đại biểu.
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung “do cơ sở đào tạo cấp Giấy chứng nhận chuyên môn về an toàn hóa chất” (Điểm b.). TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng góp ý điều chỉnh (khoản 1a.) thành “Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất có trình độ đại học trở lên về kỹ thuật hóa học hoặc công nghệ kỹ thuật hóa học” vì theo phân loại danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình đào tạo cử nhân hóa học (7440112) thuộc khối khoa học cơ bản và không bắt buộc đào tạo các nội dung về sản xuất hóa chất như 2 chuyên ngành còn lại của khối kỹ thuật – công nghệ (7520301 và 7510401).
Cũng liên quan vấn đề này, TS. Trần Đình Lý góp ý bổ sung điều kiện tư vấn chuyên ngành hóa chất (Điều 14) là “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về hóa học, kỹ thuật hóa học, công nghệ kỹ thuật hóa học” (thay cho “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về hóa học”) cho phù hợp với hệ thống quản lý chuyên ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở này cũng góp ý điều chỉnh mở rộng hai khoản a và b nêu trên tương tự, bởi một số trường đại học có Khoa An toàn Sức khỏe và Môi trường (EHS) đào tạo chuyên ngành về an toàn hóa chất nhưng bằng tốt nghiệp không ghi cụ thể thuộc chuyên ngành hóa chất.
Ngoài ra, TS. Trần Đình Lý cũng ý kiến, trong Điều 63 (huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất) không thấy rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong khi đây là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong xây dựng và quản lý các chương trình đào tạo về hóa chất tại các trường đại học, cao đẳng. Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị bổ sung Bộ GD&ĐT vào quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất (Chương VIII) để đưa vào trường học các cấp những thông tin, những quy định cơ bản của pháp luật về hóa chất để xây dựng nhận thức và tăng cường nguồn lực về phòng chống tác hại của hóa chất từ sớm và từ xa.
Cần quy định khoảng cách an toàn hóa chất
Góp ý tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể về khoảng cách an toàn trong dự thảo Luật Hóa chất. Khoản 1 Điều 62 quy định: “Địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này phải bảo đảm khoảng cách an toàn tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khi quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt”.
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung sau chữ “khu dân cư”: trường học, cơ sở tôn giáo, cây xăng. Lý do vì trường học, cơ sở tôn giáo là nơi rất đông người nên khi xảy ra rủi ro hóa chất thì sẽ tác hại đến nhiều người; cây xăng là nơi dễ phát sinh ra những rủi ro về hóa chất do bản thân xăng dầu là nguồn nguy hiểm dễ cháy nổ, nhiều hóa chất cũng là nguồn nguy hiểm về cháy nổ.
Đồng quan điểm với luật sư Hòa, ông Trần Thiện Phúc - Trưởng phòng Hóa học, Bộ tư lệnh Quân khu 7 góp ý thêm dự thảo Luật Hóa chất cần quy định cụ thể khoảng cách an toàn cho cả các hộ kinh doanh, buôn bán hóa chất nhỏ lẻ.
Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công thương TP.HCM cho biết, Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND của UBND TP.HCM được thay thế bởi Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND ngày 23/3/2023 của UBND TP.HCM ban hành Quy định về quản lý hoạt động hóa chất nguy hiểm trên địa bàn TP.HCM có quy định địa điểm kho chứa hóa chất phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; không đặt nhà xưởng, kho chứa hóa chất nguy hiểm trong khu dân cư. Từ ngày 15/11/2016 đến nay, Sở Công Thương TP.HCM không giải quyết cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở có kho chứa hóa chất hoạt động xen cài khu dân cư; phối hợp các Sở, ngành liên quan lập danh sách, tăng cường quản lý, kiểm tra, vận động di dời các cơ sở này.
“Sở Công thương TP.HCM sẽ tập trung để ban hành quy định khoảng cách an toàn hóa chất cụ thể trong thời gian tới”, bà Tâm khẳng định và cho biết Sở này cũng đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất để tham mưu UBND TP.HCM ban hành trong thời gian tới.
Sở Công Thương TP.HCM là cơ quan đầu mối quản lý hóa chất lĩnh vực ngành công nghiệp, định kỳ hàng tháng và hàng quý đều cung cấp thông tin cấp mới, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất của các tổ chức, cá nhân (trong đó nêu rõ danh mục các tiền chất công nghiệp hoặc hỗn hợp chất có chứa tiền chất công nghiệp) đến Bộ Công Thương, Cục Quản lý Thị trường, Công an thành phố, Ban quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM và Sở Công Thương các tỉnh, thành có đặt cơ sở hoạt động hóa chất để cùng phối hợp cập nhật thông tin dữ liệu quản lý, rà soát và xác định sự phù hợp về hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất thực tế của các đơn vị trên địa bàn quản lý. Qua đó, tăng cường kiểm tra nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm (nếu có), đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong hoạt động hóa chất.
Theo thông tin Sở Công thương TP.HCM, tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 709 đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm (13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 696 cơ sở kinh doanh) đã được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực thi hành. TP.HCM đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Đa số các doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn TP.HCM có quy mô vừa và nhỏ, trong đó các doanh nghiệp quy mô nhỏ tập trung nhiều tại các quận 5, 6, 8, 10, 12, Tân Phú và huyện Hóc Môn. Các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn tập trung tại Quận 1, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% (Công ty TNHH Merck Việt Nam, Công ty TNHH Atotech Việt Nam, Công ty TNHH Brenntag Việt Nam,..).