Đặc điểm hình thái và sinh học
Các nghiên cứu sơ khởi chưa định danh được tên loài nhưng biết chúng thuộc họ rầy nhảy (Psyllidae) của bộ cánh đồng (Homptera). Đây là một họ có nhiều loài rầy với cách sinh sống và gây hại rất đặc biệt, như rầy chổng cánh truyền bệnh greening trên cây cam quít, rầy phấn trắng chích hút lá sầu riêng, hay rầy tạo mụn ghẻ trên lá cây điều, cây sung... Loài đang nghiên cứu có kích thước lớn hơn các loài nêu trên: con trưởng thành dài 5 - 7 mm, con cái to hơn con đực và có một ống đẻ trứng nhọn ở cuối bụng, toàn thân màu nâu đậm, có 4 cánh trong suốt (với vạch đen ngang ở giữa) xếp dọc trên lưng và dài gấp đôi thân mình (hình 1b). Chúng bay và nhảy rất nhanh vào ban ngày, thường thấy đậu trên đọt non để chích hút, bắt cặp và đẻ trứng.
Rầy cái đẻ trứng vào trong các búp non. Độ 5 - 6 ngày sau thì trứng nở ra ấu trùng non màu xanh lục lợt, chích hút các lá non vừa mới nở, làm cho lá không phát triển được mà cuốn lại và rầy non ẩn núp bên trong để chích hút và lớn lên (hình 1c). Độ 7 ngày sau thì ấu trùng lớn lên, lột da lần thứ nhất và bắt đầu tiết các tua sáp dài màu trắng bao lấy chỗ ở của chúng. Ấu trùng phát triển chậm, vào khoảng trên 30 ngày, qua 5 lần lột xác như vậy, và càng ngày càng tiết ra nhiều sáp. Các lá của đọt non bao lại thành búp với nhiều ấu trùng sống và chích hút bên trong. Khi trưởng thành chúng không còn tiết sáp nữa, ra sống tự do bên ngoài và tìm các đọt non mới hay chính búp non cũ để đẻ trứng.
Rầy cái sống lâu 2 - 3 tuần và đẻ khoảng 200 trứng. Nếu đẻ trên đọt non thì chỉ có rải rác 2 - 3 trứng vì ấu trùng nở ra khó có cơ hội gặp lá non vừa mở để chui vào, còn đẻ trên các búp đã phù sẵn thì mỗi ổ có rất nhiều trứng (hình 1d) và khi nở ra đã có sẵn môi trường và thức ăn do rầy từ lứa trước để lại. Điều này giải thích tại sao rầy chỉ tấn công nặng cho một số cây mà lây lan chậm sang các cây chung quanh. Rầy dễ phát triển và gây hại nặng trong mùa nắng hơn mùa mưa.
Biện pháp phòng trị
Rất khó dùng thuốc hóa học để phun trị loại rầy này vì chúng được che chở bằng nhiều lớp sáp không thấm nước. Chúng tôi đã phun nhiều loại thuốc trừ rầy cộng với dầu khoáng, và có pha thêm nước rửa chén để làm tan chất sáp, nhưng hiệu lực rất kém vì không làm tan được hết các lớp sáp. Để tránh loại côn trùng này lây lan rộng, chúng tôi đề nghị:
Theo dõi kỹ để phát hiện khi rầy vừa mới tấn công một số đọt non của các cây còn nhỏ.
Xén bỏ các cành hay đọt non bị rầy tấn công vào cuối mùa nắng để cho cây ra cành và lá non mới, khiến cho ấu trùng khó phát triển.
Nếu cần phun thuốc thì phải dùng thuốc trừ rầy có pha thêm xà bông hay nước rửa chén và phun thật kỹ để cho thuốc thấm được qua lớp phấn bao các búp non.
TS. NGUYỄN VĂN HUỲNH
(Đại học Cần Thơ)