Tài chính

Các chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM tiếp tục tăng trong tháng 5

Song Hòa 31/05/2024 15:27

Ngày 31/5, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2024. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì Phiên họp.

hop.jpg
Khung cảnh cuộc họp

Tại phiên họp, lãnh đạo TP.HCM và các sở, ngành đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình công tác năm 2024 và các Thông báo kết luận Phiên họp của UBND Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội; xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 6 năm 2024; Xem xét thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố.

Về sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng năm 2024 tiếp tục đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (5 tháng năm 2022 tăng 3,7%; 5 tháng năm 2023 tăng 1,4%), cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 năm 2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

t1(1).jpg

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 5,3% so với cùng kỳ. Bao gồm: Ngành khai khoáng tăng 42,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,1%.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,6%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 12,1%.

Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,5% so với cùng kỳ. Bao gồm, ngành hóa dược tăng 18,9%; ngành cơ khí tăng 1,2%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 0,8%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 8,7%.

Chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống tính chung 5 tháng đầu năm 2024 giảm 3,3% so với cùng kỳ. Bao gồm, ngành sản xuất trang phục tăng 0,3%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7,8%; ngành dệt giảm 2,8%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 29,3%; sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy tăng 24,7%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 13,0%; xi măng tăng 12,4%.

ct2.jpg
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì Phiên họp

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 năm 2024 ước tính tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó, có 11/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng và 12/23 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm. Một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 42,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 24,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 21,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,8%.

Đầu tư và xây dựng

Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.

t2.jpg

Vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 5 năm 2024 đạt 3.376,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Về thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố trong 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng góp phần thu nội địa tăng 25,3%, riêng thu từ dầu thô giảm 14,7% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 8%. Chi ngân sách địa phương ước tăng 2,7%, trong đó chi thường xuyên giảm 3,5% so với cùng kỳ.

thuan.jpg
Ông Võ Ngọc Quốc Thuận - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM phát biểu

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 28.391 tỷ đồng, đạt 18,9% dự toán và tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 28.031 tỷ đồng, đạt 19,2% dự toán và tăng 32,2% so với cùng kỳ.

Hoạt động huy động vốn và tín dụng

Tính đến cuối tháng 4 năm 2024, lãi suất huy động bằng VNĐ tại các Ngân hàng Thương mại có diễn biến giảm nhẹ, nhưng đến 15/5/2024 một số Ngân hàng điều chỉnh tăng 0,05%-0,1%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn. Lãi suất cho vay bằng VNĐ cuối tháng 4 được điều chỉnh tăng 0,2%-0,4%/năm đối kỳ ngắn hạn và giảm 0,2%/năm đối với kỳ trung, dài hạn. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 8,3% và dư nợ tăng 9,8% so với cùng kỳ.

toan.jpg
Ông Đặng Quốc Toàn - Chánh văn phòng UBND TP.HCM phát biểu tại phiên họp

Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến 31/5/2024 đạt 3.522,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 3.212 nghìn tỷ đồng, chiếm 91,2% tổng vốn huy động, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 310,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng vốn huy động, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ.

thanh.jpg
Ông Võ Minh Thành - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu

Thị trường chứng khoán: Quy mô giao dịch chứng khoán trên sàn Hose trong tháng 4 năm 2024 giảm so với tháng trước, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 tổng khối lượng giao dịch tăng 61% về khối lượng và giá trị gấp 2 lần so với cùng kỳ. Chỉ số VN-Index trên sàn Hose trong tháng 4 có xu hướng giảm với 13/19 phiên giảm điểm và kết thúc tháng VN-index đạt 1.209,52 điểm, giảm 5,6% so với phiên đầu tháng.

ta.jpg
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM phát biểu

Hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải

Thương mại và dịch vụ: Doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng, hàng hóa dồi dào, đa dạng. Riêng doanh thu nhóm du lịch lữ hành giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong kỳ nghĩ lễ của tháng 4.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2024 ước đạt 93.240 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

lam.jpg
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM phát biểu tại phiên họp

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 năm 2024 ước đạt 44.616 tỷ đồng, chiếm 47,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. Trong đó, có 4/11 nhóm có chỉ số giá giảm với mức giảm nhiều nhất ở nhóm giao thông là 1,36%; các nhóm còn lại đều có chỉ số giá tăng, tăng cao nhất là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác với mức tăng 0,69%.

huy.jpg
TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phát biểu
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM tiếp tục tăng trong tháng 5
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO