Bộ Y Tế công bố "Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đáp ứng tiêu chí triển khai bệnh án điện tử"
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện công lập đầu tiên ở TPHCM đáp ứng được tiêu chí của Bộ Y tế về triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy.
Ngày 23/11/2023, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm thành lập. Trong dịp này, Bộ Y tế thông qua quyết định công bố: “Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện công lập đầu tiên của TP.HCM đáp ứng được tiêu chí của Bộ Y tế về triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy.”
BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Trong lịch sử 120 năm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chuyển đổi số là một lĩnh vực hoạt động mới. Thực hiện chuyển đổi số là nền tảng để Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục hành trình điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong thời đại công nghệ 4.0.”
Chia sẻ về những dấu ấn và thành tựu của bệnh viện, BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: “Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động Trung tâm lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đây là đơn vị lọc máu dùng nguồn nước siêu sạch được xử lý bằng hệ thống xử lý nước theo chất lượng cao nhất, đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản đầu tiên tại TPHCM.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật kích thích não sâu đối với bệnh nhân Parkinson giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn nặng, không đáp ứng với thuốc.
Đặt stent mạch vành cũng là một kỹ thuật đặt ra nhiều thách thức cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ khoảng thời gian 2015. Các các sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực này và đã thực hiện thành công hàng ngàn ca bệnh, giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.”
Ông cho biết thêm, khoa Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được công nhận là Trung tâm Xuất sắc (ICE) của kỹ thuật mổ thay khớp háng superpath và thay khớp gối với kỹ thuật medical pivot theo chuẩn Mỹ năm 2020.
Khoa Nội thần kinh nhận Giải thưởng Bạch kim trong điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới năm 2023; phẫu thuật đặt điện cực não sâu trong điều trị Parkinson; can thiệp mạch vành; đơn vị điều trị chậm tăng trưởng; bắt đầu triển khai kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo)…
“Đội ngũ chuyên môn của bệnh viện đã luôn cập nhật những kiến thức mới về các chuyên khoa vào hoạt động khám chữa bệnh. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trên địa bàn thành phố là một trong những cơ sở thực hành đáng tin cậy cho sinh viên của các trường đại học, trung học chuyên ngành y tế,” PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Riêng đối với Ngành y tế Thành phố, Nghị quyết nêu rõ “... Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao... hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.”
Ngành Y tế Thành phố đã xây dựng đề án phát triển y tế chuyên sâu tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, nâng cao chăm sóc sức khỏe người dân. Ngành y tế TP.HCM, trong đó có Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cần tập trung cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hướng đến phát triển y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu…
Ông Dương Anh Đức phát biểu: “Suốt quá trình phát triển 120 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vừa làm chứng nhân của thời cuộc vừa tham gia vào đời sống xã hội một cách tích cực, đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thuộc mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi ghi nhận những đóng góp đó của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đây chính là niềm tự hào của các lớp kế tục để từ đó vươn lên làm tròn thiên chức của người cán bộ y tế.”
Vào năm 1903, một Trạm y tế khiêm tốn với chỉ một Đông y sĩ chuyên chữa trị miễn phí cho cộng đồng người Hoa thuộc Quảng Đông đã được hình thành tại địa điểm này. Năm 1919, trạm y tế được xây dựng quy mô lớn hơn với tên mới là Y viện Quảng Đông, hoạt động theo mô hình bệnh viện tư nhân cho đến sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Năm 1978, Y viện Quảng Đông được công lập hóa theo chủ trương của chính phủ và một thời gian sau được đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Cùng với sự phát triển 120 năm, đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những bệnh viện đa khoa hạng I của Thành phố. Mỗi năm, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám trung bình gần 600.000 lượt bệnh nhân ngoại trú, tiếp nhận và điều trị gần 50.000 lượt bệnh nhân nội trú.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với thế mạnh trong điều trị nội - ngoại thần kinh, nội tiết, chấn thương chỉnh hình, tiêu hóa, lọc máu, chạy thận… nên đã thu hút rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành khác.
Tổ chức niên lịch và thành tựu Việt Nam, Kỷ lục Việt Nam VietKings, chính thức xác lập "Bệnh viện Nguyễn Tri Phương 120 năm xây dựng và phát triển."