Do bị ngập nước
Tại các vùng bị ngập nước do vỡ đê, triều cường… như các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12), Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) thuộc TP.HCM hoặc do nước xả từ hồ Dầu Tiếng (Dĩ An, Lái Thiêu - Bình Dương), cây mai bị ngập nước lâu ngày dẫn đến rễ bị thối, tầng lông hút bị hư hại nhiều, làm lá mai chuyển từ xanh sang vàng, lá rụng, mai nở sớm và một số cây mai bị chết dần.
Xử lý:
- Kê chậu cao khỏi mặt nước.
- Đục thủng, mở rộng lỗ thoát nước ở đáy chậu, khai thông lỗ thoát nước.
- Sử dụng phân super lân từ 100 - 500 g, phun thuốc kích thích ra rễ như ROOTS 2, thuốc ra rễ cực mạnh để phục hồi bộ rễ cho cây.
- Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh như: Ditacin, Starner, xới đất phun vào chậu để chặn tình trạng thối rễ.
- Tăng cường phân bón lá như HVP, Pisonix, Dynamic... để giữ bộ lá chậm chuyển màu đồng thời tăng cường dinh dưỡng qua thân, lá mai (nửa tháng/lần).
Do thời tiết
Trong năm 2008, mùa mưa kéo dài và ngắt quãng, nhiệt độ trong ngày thay đổi nhanh. Buổi trưa nắng gắt, buổi chiều thường có những cơn mưa lớn, có những ngày mưa liên tục tiếp nối những ngày khô hạn làm khả năng tích lũy dinh dưỡng nhanh, nụ mai, lá mai trưởng thành và già sớm hơn bình thường, cây mai bị nở rải rác từ tháng 9 âm lịch đến nay.
Xử lý:
- Đưa cây mai vào chỗ mát, ít ánh sáng (đặt dưới bóng cây lá lớn, hàng hiên hoặc che bằng lưới nylon đen, không thắp đèn vào ban đêm).
- Sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao, hoặc dùng HVP, Dynamic, Pisomix để lá chậm vàng.
- Sử dụng phân DAP, nửatháng/lần, liều lượng từ nửa muỗng cà phê đến 2 muỗng canh tùy chậu lớn hay nhỏ. Cây mai có thể nở từ 10 - 20% nụ nhưng khi tược lá phát triển được 10 - 20 cm, những nụ mai còn lại sẽ không nở tiếp cho đến khi lảy lá. Lưu ý không được uốn, cắt, sửa, tỉa cảnh lá mai trong giai đoạn này vì cây mai có thể nở sớm.
KS. ĐỖ HỮU GIA
(Giảng viên thỉnh giảngĐại học nông lâm TP.HCM)