Bệnh viện Quân Y 175: Tạo được lòng tin của người bệnh từ “cái tâm” người thầy thuốc
Sau 50 năm nỗ lực phát triển chuyên môn và xây dựng truyền thống y đức “xem bệnh nhân và người nhà bệnh nhân như người thân”, Bệnh viện Quân y 175 (BVQY175) không chỉ đã tạo được lòng tin cho người bệnh mà còn vinh hạnh nhận được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước.
Nhân dịp 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, 50 năm ngày truyền thống của bệnh viện và cũng là dịp khoa Hồi sức tích cực/ BVQY175 nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2, Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự y học đã có cuộc trao đổi với thủ trưởng đơn vị - Thiếu tướng, TS.BS, Thầy thuốc nhân dân Trần Quốc Việt.

Từ Viện Quân y còn thiếu thốn, đến bệnh viện có hạ tầng tốt nhất nước
PV: Thưa Thiếu tướng, TS.BS. TTND Trần Quốc Việt, nhân 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025) và sắp đến tròn 50 năm ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 175 (26/5/1975 – 26/5/2025), xin ông điểm lại lịch sử thành lập bệnh viện và một vài thành tựu nổi bật của Bệnh viện Quân y 175 (BVQY175) trong các giai đoạn?
Thiếu tướng - TS.BS - TTND Trần Quốc Việt: Trong 50 năm qua, Bệnh viện Quân y 175 đã trải qua nhiều giai đoạn đáng nhớ. Từ những ngày đầu tiên, Bệnh viện ra đời sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ 3 bệnh viện gồm K116, K72, K59 và một số đội điều trị với tên gọi ban đầu là Viện Quân y 175 và lấy ngày 26/5/1975 làm ngày truyền thống. Đây là giai đoạn Bệnh viện tham gia chữa trị cho các thương bệnh binh nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh chống Mỹ, sau đó tiếp tục phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam. Ở giai đoạn này, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, bước đầu xây dựng bệnh viện tuyến cuối của quân đội ở phía Nam. Đây cũng là thời gian khoa Hồi sức nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất vào năm 1989.
Từ năm 1990 đến năm 2000 khởi đầu quá trình xây dựng bệnh viện tuyến cuối, Trung tâm y học quân sự ở phía Nam trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, bao gồm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân, xây dựng Bệnh viện Quân y 175 loại A, tuyến cuối (1990 -1995). Từ năm 1991, chúng tôi bắt đầu tham gia đảm bảo công tác y tế biển đảo với khởi đầu là một tổ quân y chỉ có 3 người (BVQY175 được giao nhiệm vụ phụ trách y tế cho đảo Trường Sa lớn) với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn ban đầu.

Từ năm 2001 đến năm 2010, thực hiện việc xây dựng bệnh viện chiến lược tuyến cuối, chính quy, xây dựng vị thế mới, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập. Ở giai đoạn này, cột mốc quan trọng là vào năm 2003, khi bệnh viện chính thức trực thuộc Bộ Quốc phòng (thay vì Cục Quân y như trước đó). Từ thời điểm này, bệnh viện bắt đầu được đầu tư nâng cấp trang thiết bị để phát triển các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh, cấp cứu biển đảo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt công tác quân y cho quần đảo Trường Sa.
Tiếp đến là từ năm 2011 đến nay, bệnh viện phát triển nổi bật theo hướng hiện đại, chuyên sâu, hội nhập với khu vực và quốc tế. Ở giai đoạn này, chúng tôi tiếp tục củng cố và phát triển mạnh hơn công tác phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho mọi đối tượng trên địa bàn. Công tác đảm bảo y tế biển đảo được phát triển với Tổ cấp cứu đường không và hiện nay chúng tôi vẫn là đơn vị duy nhất tại Việt Nam thường xuyên tổ chức các chuyến bay cấp cứu bệnh nhân từ quần đảo Trường Sa về đất liền.
Năm 2014, bệnh viện được giao nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện Bệnh viện dã chiến đầu tiên (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1) tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và cho đến nay, 3 Bệnh viện Dã chiến cấp 2 do Bệnh viện Quân y 175 quản lý, huấn luyện tiền triển khai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại phái bộ, được Liên hợp quốc đánh giá rất cao.
Năm 2015 khởi công xây dựng mới Bệnh viện Quân y 175 bắt đầu là tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình 500 giường, sau đó là tòa nhà bệnh viện đa khoa 1.000 giường và 2019 chính thức đưa Viện Chấn thương chỉnh hình vào sử dụng.
Năm 2020, bệnh viện vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần 2.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, bệnh viện đã chủ động, phối hợp với ngành y tế thành phố triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó có Trung tâm điều trị Bênh nhân Covid-19 góp phần cứu sống nhiều trường hợp nặng, nguy kịch.
Trong 2 năm 2023 & 2024, Bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, đặc biệt đã làm chủ và hoàn thiện kỹ thuật ghép thận (từ tháng 7/2023 đến nay đã thực hiện thành công 35 ca ghép), bước đầu triển khai thành công 3 ca ghép gan. Trong năm 2024, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị trung bình tăng từ 20% - 50% so với năm 2023. Tất cả những điều trên là thành quả của một tập thể đoàn kết, hết lòng vì bệnh viện mà tôi rất tự hào khi nói đến.
Ngoài khám chữa bệnh, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cũng đã phát triển rất tốt trong năm qua. Về hợp tác quốc tế, Bệnh viện Quân y 175 đã có nhiều đối tác quốc tế uy tín từ Đức, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Singapore và các quốc gia phát triển khác…
Có thể khẳng định, sau 50 năm, Bệnh viện Quân y 175 hiện đã có được cơ sở hạ tầng trang thiết bị tốt nhất tại Việt Nam và nhất là môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp để bệnh nhân yên tâm chữa bệnh. Đồng thời Bệnh viện cũng sở hữu một đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao cùng sự tận tâm trong quá trình chăm sóc điều trị người bệnh, luôn coi họ như người thân của mình.


“Trái tim” của bệnh viện mang tên Hồi sức tích cực
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175, vừa vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước lần thứ 2. Từng là chủ nhiệm Khoa và bây giờ là Giám đốc Bệnh viện, xin ông chia sẻ thêm về truyền thống đáng tự hào của 1 đơn vị đã 2 lần được trao tặng danh hiệu cao quý này?
Nói về chuyên ngành Hồi sức hay khoa Hồi sức tích cực chung trong bệnh viện, thì đây là khoa bảo đảm công tác cho tất cả các khoa khác. Chính vì thế nếu nói họ là “xương sống” hay “trái tim” đều không sai. Theo tôi, khi chuyên ngành Hồi sức tích cực phát triển thì mới có thể làm điểm tựa cho các bác sĩ chuyên ngành khác yên tâm làm chuyên môn. Khi có một bệnh nhân nặng được chuyển từ các khoa đến khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được cứu chữa và hồi phục tốt sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho các chuyên khoa trong bệnh viện, tạo nên sự tự tin về chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ cũng như gây dựng được lòng tin cho cả bệnh nhân và gia đình. Chỉ cần một vài ca thành công, mọi người sẽ thay đổi cách nhìn về cơ sở y tế đó.
Để có được thành quả như hôm nay, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175, ngoài những nỗ lực bản thân của thế hệ hiện tại, khoa còn có một bề dày truyền thống từ 50 năm qua. Điều may mắn nhất của khoa, là từ trước khi tôi làm chủ nhiệm, khoa đã được các thầy cô đi trước, từ Giáo sư Lê Minh Đại, Đại tá - Bác sĩ Phan Văn Hiền, Đại tá - Bác sĩ AHLLVTND Lê Kim Hà - nguyên Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, đến Thiếu tướng, PGS.TS.TTND Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Giám đốc bệnh viện là những người đã dành hết tâm huyết để dạy chúng tôi không chỉ về chuyên môn mà còn là tấm gương tâm đức của người bác sĩ.
Theo tôi, có hai bài học lớn để tạo nên sự thành công của khoa, đó chính là cái tâm, hay cao hơn, đó chính là y đức trong công việc hằng ngày. Y đức ở đây chính là sự tận tâm, coi người bệnh như người nhà, người thân của mình, đó là truyền thống dành hết tâm sức để chăm sóc, theo dõi, điều trị cho bệnh nhân mà không một chút đắn đo nề hà. Ngoài ra, để khoa được như hôm nay còn nhờ vào sự đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt, từ chỉ huy khoa cho tới các anh chị em trong khoa sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi giúp đỡ nhau ở những lúc khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đây chính là hai điều mà tôi tâm đắc nhất và cũng là truyền thống của khoa, là nền tảng để phát triển thành các giá trị cốt lõi của bệnh viện, là sự “Tận tâm - Thấu hiểu - Đoàn kết - Kỷ cương - Chất lượng”.
Ở khoa Hồi sức tích cực, sự tận tâm còn chính là tinh thần trách nhiệm sẵn sàng hy sinh cho công việc. Nhiều bác sĩ của khoa vẫn luôn sẵn sàng đi làm nhiệm vụ cấp cứu đường không, bất kể ngày hay đêm và những hiểm nguy có thể xảy ra. Hay như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, anh chị em sẵn sàng lao vào tâm dịch để cứu chữa bộ đội và nhân dân trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Đến giờ này sau bao năm nhìn lại, tôi thấy mình may mắn khi ngày ấy đã lựa chọn vào khoa Hồi sức tích cực, một khoa khó khăn nhất nhưng lại cần nhất nhiệt huyết và trách nhiệm của người bác sĩ. Tôi vẫn hay nói với các đồng nghiệp trẻ, mình cứ làm hết sức mình bằng cái tâm thì cái phúc sẽ tự đến.

Ngoài sự tận tâm, khoa còn có những thế mạnh gì để đạt được những thành tựu trên?
Với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại được ưu tiên đầu tư nâng cấp cho Bệnh viện và các khoa Hồi sức, trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên ngày càng được phát triển góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Cả 2 khoa hồi sức nội và ngoại của bệnh viện hiện tại đã thực hiện được các kỹ thuật hồi sức hiện đại nhất của chuyên ngành để điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, phức tạp.
Công tác đào tạo huấn luyện chuyển giao kỹ thuật cho các khoa hồi sức của các bệnh viện quân và dân y thuộc tuyến cũng được duy trì phát triển tốt trong thời gian qua. Nhiều lớp đào tạo tập huấn cho chuyên ngành Hồi sức được tổ chức thường xuyên liên tục để các y bác sĩ hồi sức của bệnh viện và các cơ sở y tế khác cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp..
Hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của khoa trong phong trào chung của bệnh viện cũng đã được triển khai mạnh mẽ với nhiều đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khoa cũng đã có 2 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu, một đề tài cấp Nhà nước đang thực hiện và nhiều đề tài, sáng kiến cấp cơ sở.


Hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng khám chữa bệnh
Nhìn lại năm 2024, Bệnh viện Quân y 175 có nhiều bước phát triển vượt bậc, trong đó có những thành quả đáng ghi nhận về thực hiện kỹ thuật ghép tạng, bệnh viện cũng chính thức là một trong 6 bệnh viện trên cả nước có tên ở đề án xây dựng cơ sở y tế ngang tầm quốc tế theo kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ”, cảm xúc của ông như thế nào?
Cảm xúc của tôi là vừa tự hào và vừa lo. Tự hào vì công sức của tập thể bệnh viện đã được Bộ Y tế ghi nhận, được cán bộ, nhân dân trong vùng tin yêu. Còn lo là vì so với các bệnh viện còn lại, Bệnh viện Quân y 175 vẫn chưa có được đội ngũ cán bộ chuyên môn hùng hậu như họ. Nên trách nhiệm của chúng tôi hiện nay là phải cố gắng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiệm kỳ 2025-2030 trở thành bệnh viện tương đương Bệnh viện Trung ương Quân đội108 ở phía Nam.
Vậy bệnh viện đã có những bước chuẩn bị ra sao trong công tác nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như phát triển các kỹ thuật y học hiện đại nào trong tương lai để đáp ứng được những tiêu chuẩn hội nhập quốc tế?
Việc đầu tiên bệnh viện phải làm là xây dựng kế hoạch nhiệm vụ phải làm cho năm 2025, đặc biệt giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030. Để chuẩn bị cho mọi thứ, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện và các khoa phòng phải xây dựng kế hoạch dài hơi các năm tiếp theo cho từng chuyên ngành, từng chuyên khoa, trong đó cốt lõi là việc chú trọng phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng tôi cũng đã xây dựng tư duy về một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế bằng cách tiến tới và đạt được những chuẩn về quản lý chất lượng bệnh viện, chuẩn chất lượng chuyên ngành của quốc tế như chứng nhận JCI ((Joint Commission International), chứng nhận ACHS (Australian Council on Healthcare Standards), các chứng nhận ISO cho phòng xét nghiệm...
Khi chưa đủ điều kiện xây dựng tổng thể chuẩn quốc tế toàn bệnh viện, trước mắt, Bệnh viện Quân y 175 sẽ cố gắng thực hiện theo tiêu chuẩn ở một số chuyên khoa, một số lĩnh vực như Chương trình PRIME “Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong tĩnh mạch trị liệu” là chương trình theo chuẩn JCI đã được công nhận vào tháng 1/2025, hay triển khai phòng khám tầm soát các bệnh lý – ung bướu, trung tâm nội soi, trung tâm lọc máu theo tiêu chuẩn Nhật Bản…
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng - TS.BS - TTND Trần Quốc Việt!