Y học

Bệnh viện Chợ Rẫy xác định 5 độc chất có thể là nguyên nhân gây ngộ độc sau uống sữa bột

An Quý 21/10/2023 09:35

Qua triệu chứng lâm sàng, diễn biến bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nghi ngờ 5 loại độc chất gây ngộ độc sau khi uống sữa bột có thể là, theo thứ tự gồm cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum.

Trước đó, ngay khi tiếp nhận trường hợp này, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, ekip điều trị thường xuyên họp hội chẩn liên viện để có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân gây độc tố, góp phần kịp thời cứu chữa bệnh nhân trong thời gian nhanh nhất.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, khi vào viện, bệnh nhân đã rất nguy kịch, mê sâu, suy hô hấp, tổn thương đa tạng, các dấu hiệu sinh tồn đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có bệnh lý nền là xơ gan, tăng huyết áp nên tiên lượng khả năng tử vong cao.

crh00010.jpg
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (giữa), chia sẻ thêm thông tin về 5 loại độc chất nghi gây ngộ độc sau khi uống sữa bột khiến 2 người tử vong và 1 người nguy kịch.

“Sau gần 5 ngày điều trị, sáng ngày 20/10, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, các xét nghiệm chức năng trở về gần như bình thường, loại bỏ được các chất độc khỏi cơ thể và bệnh nhân đã được xuất viện,” TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết.

"Đến giờ phút này có thể nói, các chất độc đã được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi người bệnh nhân, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, các chức năng thận, phổi... hồi phục tốt", TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.

crh00097-1-.jpg
Ngày 15/10, sau khi tiếp xúc với sữa bột (uống khoảng 50ml sữa), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu mức độ 3, suy hô hấp, phải thở máy, huyết động không ổn định, mạch nhanh, có tiền sử xơ gan, tăng huyết áp.
hoi-chan-da-chuyen-khoa.jpg
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân thở máy nồng độ cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu theo phương pháp đặc biệt.

Trước đó, ngày 15/10, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu mức độ 3, suy hô hấp, phải thở máy, huyết động không ổn định, mạch nhanh, có tiền sử xơ gan, tăng huyết áp. Các dấu hiệu sinh tồn cho thấy khả năng tử vong cao nên quá trình điều trị có nhiều khó khăn.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân đang khỏe mạnh bình thường, tiếp xúc (uống) sữa bột, biến chuyển nhanh sau 15 phút. Ngoài ra, hai người nhà của bệnh nhân cũng tử vong nghi ngờ liên quan loại sữa này.

Các bác sĩ kết luận ngộ độc cấp trầm trọng trên bệnh nhân có bệnh nền xơ gan, tiên lượng tử vong cao. Bệnh nhân được chỉ định thở máy nồng độ cao, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu theo phương pháp đặc biệt.

crh00026.jpg
Bệnh nhân được sử dụng cùng lúc 2 màng lọc máu với các chức năng khác nhau, mục tiêu lấy chất độc trong quá trình chuyển hóa

"Thông thường, lọc máu chỉ sử dụng một màng lọc máu đơn. Trường hợp này bệnh nhân được sử dụng cùng lúc 2 màng lọc máu với các chức năng khác nhau, mục tiêu lấy chất độc trong quá trình chuyển hóa", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Sau 12 giờ điều trị, kết thúc đợt lọc máu đầu tiên, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tri giác, tỉnh táo hơn, tiếp xúc được. Ngày 18/10, bệnh nhân tự thở được, ngưng lọc máu. Sau 50 giờ điều trị, bệnh nhân được rút nội khí quản, cai máy thở.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, qua triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, diễn biến bệnh, các bác sĩ nghi ngờ 5 loại độc chất gây ngộ độc trong vụ việc này có thể là, theo thứ tự gồm cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể khẳng định là những chất này là tự sản sinh trong sữa hay được bỏ vào trong sữa.

crh00006-1-.jpg
Qua triệu chứng lâm sàng, bệnh sử, diễn biến bệnh, các bác sĩ nghi ngờ 5 loại độc chất gây ngộ độc trong vụ việc này có thể là, theo thứ tự gồm cyanua, nhóm thuốc trừ sâu organophosphate/carbamat, asen, strychnin, botulinum.

Những độc chất kể trên, theo bác sĩ mô tả, đều là những chất màu trắng, không màu, không mùi, không vị nên khi lẫn trong thực phẩm có cùng màu sắc sẽ rất khó nhận biết nhưng lại gây ngộ độc nguy hiểm rất nhanh chóng.

“Vì nếu nguyên nhân gây ngộ độc là nấm mốc và vi khuẩn cũng không thể độc như thế cả. Trong khi đó, bệnh nhân pha 150ml sữa nhưng chỉ mới uống 50ml đã có biểu hiện choáng voáng, nhức đầu, ói, không nhận biết được.

Do đó nếu một người đang bình thường sau một bữa ăn, uống, bữa tiệc mà có triệu chứng bất thường diễn ra nhanh trong khoảng 15 - 30 phút trở lại cần đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt,” BS Hùng khuyến cáo.

Bệnh nhân bị nghi ngộ độc sữa bột ở Tiền Giang được hỗ trợ toàn bộ viện phí

Dưới sự kết nối của phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân P.V.T, 55 tuổi (ở Tiền Giang) có hoàn cảnh khó khăn, không may bị ngộ độc nghi do uống sữa bột, điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới đã được các mạnh thường quân hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị.

ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây là nơi tiếp nhận và hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

img_5912.jpg
Bệnh nhân bị nghi ngộ độc sữa bột ở Tiền Giang được hỗ trợ toàn bộ viện phí

“Bệnh nhân P.M.T là một ca khá đặc biệt; được các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới theo dõi ngộ độc chất chưa rõ loại biến chứng suy đa tạng, hôn mê viêm phổi hít, theo dõi xơ gan. Hướng điều trị cho bệnh nhân là lọc máu, thở máy, tăng cường kháng sinh. Gia đình bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo của địa phương, kinh tế chủ yếu là làm nông (trồng cây ổi), có hai người con (làm công nhân và làm thuê),” ThS Hiển cho biết.

Trước đó, ngày 14/10, mẹ ruột và em trai của bệnh nhân cũng tử vong nghi ngờ bị ngộ độc nhưng chưa rõ nguyên nhân, bản thân anh T cũng đang trong tình trạng theo dõi do ngộ độc dẫn đến biến chứng nặng như trên.

Mặc dù bệnh nhân có BHYT nhưng chi phí điều trị lớn do lọc máu liên tục (dự kiến gần 200 triệu đồng), vượt quá khả năng của gia đình. Sau khi kêu gọi, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân này.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở phối hợp với cơ quan quản lý ở địa phương tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ; kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).

Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm; đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời Cục đề nghị ngành y tế tỉnh Tiền Giang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lliên quan đến vụ việc này, tối 17/10, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) kết luận mẫu phẩm lấy từ hộp sữa đang sử dụng tại nhà cụ P.T.P (83 tuổi, ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, Tiền Giang), mẹ bệnh nhân T, có chứa chất kịch độc, một loại thuốc trừ sâu có thể gây chết người trong thời gian ngắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Chợ Rẫy xác định 5 độc chất có thể là nguyên nhân gây ngộ độc sau uống sữa bột
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO