Bé gái cười, khóc một mình, đi khám phát hiện ra viêm não tự miễn
Mới đây, khoa Nhi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận và điều trị cho bé gái 14 tuổi được chẩn đoán viêm não tự miễn có kháng thể NMDA (N-methyl –D-aspartate) dương tính. Đây là một bệnh hiếm gặp ở trẻ em và dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các rối loạn tâm thần.
Vào ngày 22/02, gia đình đưa bé N.M.T, sinh năm 2011, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM đến khoa Nhi để các bác sĩ điều trị trong tình trạng xuất hiện ảo thanh, mất ngủ, rối loạn nhận thức và ngôn ngữ. 5 ngày trước khi nhập viện, bé T. đột ngột ngất xỉu trong lớp, sau đó, bé tỉnh táo và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bé có các cử chỉ, hành động bất thường như: 1 mình khóc, cười về đêm, nói năng không kiểm soát.

Khi nghe bé T. kể lại là nghe văng vẳng bên tai tiếng của ai đó, mẹ của bé vô cùng lo lắng và nghĩ rằng con mình bị “ma nhập” nên dự định mời thầy cúng về nhà để làm phép cho bé. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng về những biểu hiện khác lạ của bé T., gia đình quyết định đưa bé đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được điều trị.
Qua kiểm tra, thăm khám của các bác sĩ ở khoa Nhi, bé T. được ghi nhận mất định hướng về thời gian, không gian và khả năng thực hiện các phép tính đơn giản, rối loạn ngôn ngữ kèm rối loạn giấc ngủ và ảo thanh. Các kết quả cận lâm sàng không phát hiện tổn thương nhu mô não trên MRI, nhưng có tăng bạch cầu đơn nhân trong dịch não tủy kèm kháng thể kháng thụ thể NMDA dương tính - một chỉ dấu quan trọng trong xác định bệnh viêm não tự miễn.
Bé T. được điều trị với Methylprednisolon liều cao và giảm liều dần theo phác đồ. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, toàn diện dưới sự phối hợp liên chuyên khoa Nội thần kinh và Nhi ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tình trạng bệnh của bé T. có tiến triển tốt. Ngày 11/03, bé được xuất viện về nhà.

Sáng ngày 18/03/2025, bé T. trở lại khoa Nhi tái khám theo lịch hẹn. Lúc này, khả năng nhận thức và giao tiếp của bé đã dần cải thiện. Mẹ của bé cho biết bé ngủ ngon về đêm và không còn nói chuyện 1 mình. Các biểu hiện này cho thấy dấu hiệu phục hồi ở bé T. bắt đầu có kết quả như phác đồ điều trị bệnh viêm não tự miễn.
Viêm não tự miễn là một bệnh lý thần kinh nghiêm trọng, hiếm gặp, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào các tế bào thần kinh khỏe mạnh gây nên tình trạng viêm não. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng tâm thần như: ảo thanh, ảo giác, lo âu hoặc thay đổi hành vi khiến nhiều người lầm tưởng đó là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm lý khác.
TS.BS Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ: “Viêm não tự miễn là một bệnh lý có diễn biến phức tạp và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở nữ giới, trẻ tuổi và dễ nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần dẫn đến điều trị không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị. Ngoài ra, không ít trường hợp bị nhầm tưởng nên sẽ tìm đến các phương pháp điều trị bệnh này phản y học, sẽ làm chậm trễ phác đồ điều trị sau này”.
Theo BS.CKI Phạm Thị Hoàng Oanh, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có khoảng 30% - 50% trường hợp viêm não tự miễn có kết quả MRI sọ não bình thường như trường hợp của bé T. Do đó, MRI bình thường trong 1 tuần đầu của bệnh cũng không thể loại trừ chẩn đoán. Khi trẻ có các biểu hiện thần kinh khởi phát cấp tính < 3 tháng với tiền căn trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, cần nghi ngờ có tổn thương não thực thể và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng vì tiên lượng bệnh càng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm.
Do đó, khi thấy trẻ có các biểu hiện thần kinh bất thường như: rối loạn tâm thần, rối loạn nhận thức, rối loạn hành vi hoặc rối loạn giấc ngủ, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đừng để những hiểu lầm về bệnh viêm não tự miễn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc bởi sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ là món quà quý giá nhất.