Bạn đang ở đâu trên đường chạy sự nghiệp?

NGUYỄN VĂN ĐẮNG (Phó Tổng Giám đốc Sawaco)| 20/03/2023 18:37

Trong một quyển sách tôi đọc gần. đây, tác giả kể về một cô gái vô tình bắt gặp một câu khẩu hiệu trong quán cà phê: “Nếu bạn không biết mình đang đi đâu, bạn có thể sẽ không thích nơi mà bạn đến”. Khi ấy, cô gái trẻ bắt đầu hoang mang nghĩ về công việc, tương lai và những mong muốn trong đời.

Những năm đầu vào đời, đại đa số thường bắt đầu bằng một số mệnh đề đơn giản: “Tôi muốn…”, “Tôi thích được…”, “Tôi thích giống…” và tùy vào đó, điền những kỳ vọng ban đầu. Tôi muốn đi du học/ Tôi muốn trở thành họa sĩ/ Tôi muốn làm việc với robot/ Tôi muốn đi du lịch khắp nơi... Trước những mệnh đề như vậy, tôi hay đặt câu hỏi: “Bạn đã làm gì để đạt được những điều đó?”. Câu hỏi phần lớn bị bỏ qua hoặc viện cớ “còn xa quá chưa nghĩ tới”.

Chúng ta thường nghĩ về tương lai như một sở thích hơn là một kế hoạch, giống người đi mua sắm đứng trước một chiếc điện thoại xịn hay một đôi giày hàng hiệu kiểu mới, nhưng cần làm gì để sở hữu tương lai đó thì không ai hành động.

Nhiều kỳ vọng nhưng không có kế hoạch

Giai đoạn đầu khi bước vào trường đại học, người trẻ bắt đầu có tương quan rộng hơn để phát triển ý niệm về con đường họ muốn đi trong đời. Nếu trước đó, thế giới của họ dừng ở chừng 50 bạn học cùng lớp và anh em họ hàng, thì trường đại học đem đến khung trời của hàng ngàn người cùng lứa tuổi với kỳ vọng sống và mong ước khác nhau. Sự mới mẻ đó giúp họ lần đầu tiên lắng nghe chính mình và soi chiếu bản thân trong thế giới tương quan với người cùng lứa tuổi. Cũng từ đây, cuộc cạnh tranh khốc liệt bắt đầu.

Trong khoảng từ 18-22 tuổi, bạn trẻ dần khám phá những thói quen, công việc mà họ muốn gắn bó. Ðó cũng chính là giai đoạn nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Họ muốn bỏ ngành học mà cha mẹ chọn cho mình. Họ muốn rẽ sang hướng làm việc khác kế hoạch gia đình quy định. Họ tìm thấy cơ hội ở công việc ngoài đời gợi ý, thay vì đi theo lối mà phụ huynh vạch sẵn. Họ cũng dần cảm nhận bản thân thích sống ra sao trong nhiều năm sắp tới. Kỳ vọng ở giai đoạn này gần gũi với quá trình hoàn thiện nhân cách ở lứa tuổi, chứa đựng nhiều nhiệt thành hơn so với tuổi còn nghe cha mẹ đặt đâu ngồi đó. Nhưng ở giai đoạn này, nhiều vấn đề mới cũng xuất hiện do không có kế hoạch cụ thể.

Kỳ vọng thôi chưa đủ

Bạn sẽ làm gì để biến kỳ vọng thành sự thật? Khác với trước đây, khi cuộc sống của bạn là một dự án do cha mẹ thi công, ở tuổi 22, bạn trở thành “đơn vị thi công” cho chính dự án cuộc đời mình. Dự án đó cũng không còn ở quy mô nhỏ như tuổi thiếu niên, thích thì làm, không thì bỏ, vẫn có cha mẹ lo. Buộc phải chịu trách nhiệm về bản thân sẽ khiến cho quá trình đặt nền móng tương lai của bạn nhiều việc và vất vả hơn. Nhưng đó là cách chúng ta trưởng thành, không có con đường dễ dàng hơn.

Biến kỳ vọng thành nếp sống

Bạn bước vào ký túc xá của trường đại học, sống chung phòng với khoảng 4-8 người bạn đến từ nhiều nơi khác nhau. Có người thức đánh bài từ tối đến 3 giờ sáng. Có người cặm cụi đọc sách tới khuya để hoàn thành học trình. Có người chọn đi làm thuê ngay sau giờ học để kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí. Người lại chọn làm việc không lương cho nơi nào đó để học nghề. Mỗi đêm khuya khác nhau sẽ tạo ra những con đường sự nghiệp khác nhau. Rồi bạn sẽ trở thành người bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình, hoặc trở thành giảng viên, hoặc lao vào chuyên môn mình muốn sớm hơn ngày tốt nghiệp... Mỗi ngày là viên gạch định hình cả sự nghiệp trước mắt bạn.

Chính vì vậy, năm tháng đầu đời không đơn giản chỉ là cuộc dạo chơi nhàn nhã trong khung cảnh trường đại học mà cha mẹ trả tiền học phí. Ðó là thời gian bạn dò đường để thấy sự nghiệp tương lai. Bất kỳ hành động nào cũng sẽ tác động đến khả năng làm việc của bạn sau thời gian tốt nghiệp. Làm việc nhiều năm trong ngành cấp thoát nước, tôi từng gặp những thực tập sinh đến công ty không hề biết chuyên ngành của họ có gì, cũng không biết công việc họ cần làm có thể diễn ra vào đêm khuya, kiểm soát sự cố cấp nước. Họ đến thực tập như trang giấy trắng. Khởi đầu như vậy thường rất vất vả, giống như bạn xuất phát ngơ ngác và trễ nải trên đường chạy khốc liệt.

Tư duy về tương lai từ sớm

Tôi thường khuyên các phụ huynh nên bắt đầu cùng con khám phá nghề nghiệp từ sớm, không phải để tạo áp lực lên người trẻ, mà để họ nhìn thấy tương lai rõ nét hơn và có những chọn lựa đúng đắn. Ðó cũng là bước thực hành đầu tiên cho kế hoạch dài trong đời là sự nghiệp. Ðể có lựa chọn đúng đắn, bạn phải có khả năng thu thập thông tin, khả năng hành động bền bỉ theo mục tiêu phù hợp. Cơ hội sẽ đến khi bạn trang bị đầy đủ mọi kỹ năng cần thiết trong thời gian còn đi học.

Tôi từng thấy bạn trẻ dành suốt thời gian học đại học hoặc học nghề để đi nhậu, chơi đề, cá độ đá banh hay trì hoãn học tập kỹ năng vì nghĩ vẫn đang được cha mẹ nuôi, không có gì đáng lo. Thời gian ba đến bốn năm này trở nên quý giá hoặc vô ích nếu bạn không sử dụng đúng cách.

Tôi biết một em sinh viên ngành địa lý. Năm đầu vào đại học, em đã đi hỏi xung quanh để biết ngành của em có thể làm gì trong tương lai vì khoa học xã hội là ngành rộng, khó tìm việc phù hợp nếu không định vị từ sớm. Em hỏi nhiều thầy cô và cựu sinh viên, biết ngành này có thể làm về vẽ bản đồ, nghiên cứu ở viện, cũng có thể làm du lịch, viết sách... Thời điểm học năm nhất đại học, em nộp hồ sơ xin đi dẫn tour xe máy cho người nước ngoài ở phố Tây. Em kể: “Dẫn tour như vậy em vừa được trả lương, lại được công ty đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thuyết minh, giới thiệu, hướng dẫn du khách... Công việc vừa có lợi cho chuyên ngành của em, vừa giúp em học hỏi thêm rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết cho tương lai”.

Hướng dẫn viên du lịch là một trong những ngành nghề trang bị cho người lao động nhiều kỹ năng mềm cần thiết. Ảnh: Internet

Công việc dẫn tour giúp em sinh viên kể trên trang bị thêm sự hiểu biết về ngành ngay trong thời gian hiện tại, dạy em tổ chức tour quy mô nhỏ, giao tiếp với du khách nước ngoài, cách ứng phó khi có sự cố trong thời gian dẫn tour, thậm chí tranh cãi về tiền bạc với khách cũng có quy trình xử lý phù hợp để không gây ra hệ lụy lâu dài cho công ty. Ðây là các kiến thức em khó tìm được trong chương trình học. Công việc ngoài giờ này cũng dần dẫn dắt em đi sâu hơn vào một nhánh của ngành như các thầy và cựu sinh viên nói, là nghề làm du lịch. Nếu đến năm thứ hai, ba, đi sâu hơn vào chuyên ngành, em có thể chọn học địa lý du lịch nếu thấy phù hợp sở thích. Nếu không hợp, em cũng đã có giai đoạn làm việc để hiểu bản thân không có đam mê để chuyển hướng sang chuyên ngành phù hợp hơn. Giai đoạn tích lũy trong năm đầu và năm thứ hai đại học giúp người trẻ đẩy mình vào môi trường làm việc bước đầu. Nếu không có khám phá ở giai đoạn này, họ sẽ phải bắt đầu vất vả hơn sau khi cầm tấm bằng đại học và xoay sở tìm kiếm công việc muốn làm.

Thu thập kỹ năng cần có

Thật đáng mừng vì hiện nay nhiều bạn trẻ rất tích cực trang bị các kỹ năng mềm và kỹ năng ngoài chuyên môn trước khi tốt nghiệp. Thời của tôi, tốt nghiệp đại học rồi mà mọi người không ai biết thuyết trình, không ai biết sử dụng máy tính làm một bài thuyết trình tốt. Ngoại ngữ, các kỹ năng sắp xếp văn bản là thứ hoàn toàn không ai biết, chỉ đến khi phải mày mò làm việc mới vật lộn học từng phần. Có thời, ngày nào đi làm về, tôi cũng phải ngồi mày mò học thiết kế bài thuyết trình đến tận khuya, để có thể đem bài đến sở làm sáng hôm sau thuyết trình.

Giờ đây, trong lúc học đại học, bạn nên dành thời gian tập luyện các kỹ năng cần thiết. Thuyết trình hay thực hiện bài thuyết trình là điều buộc phải có khi bạn cần thuyết phục đồng nghiệp hay phòng ban thực hiện công việc gì đó. Ðó không còn là kỹ năng nổi trội như thời của tôi nữa, nó chỉ là kỹ năng bạn tất nhiên phải có khi nhà tuyển dụng phỏng vấn bạn.

Làm việc nhóm cũng là một trong những kỹ năng cần thiết của con người trong xã hội hiện đại. Ảnh: Internet

Ngoại ngữ cũng cực kỳ cần thiết. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhưng một số chuyên môn có thể đòi hỏi bạn phải biết tiếng Trung hoặc tiếng Nhật. Tìm hiểu những thông tin này từ sớm giúp bạn sớm trang bị ngôn ngữ mới, vì ngôn ngữ không học trong một sớm một chiều được.

Biết trò chuyện, trao đổi công việc thông suốt, biết hợp tác với đồng nghiệp, hiểu quy tắc làm việc nhóm cũng là những kỹ năng khởi đầu cực kỳ quan trọng bạn cần phải biết. Bạn không thể đòi hỏi đồng nghiệp phải làm giúp việc bạn cần làm. Bạn phải biết giao tiếp với đồng nghiệp khi xảy ra xung đột công việc. Tranh luận không phải mạt sát. Trao đổi không phải là lộ nghề. Những quy tắc giao tiếp cơ bản giữa người với người sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn trong môi trường công ty trong tương lai. Những điều này không tự có, mọi bước nhỏ đều cần phải học.

Bước vào nơi làm việc với tinh thần sẵn sàng xử lý khó khăn. Nếu bạn từ chối hoặc quay lưng với khó khăn, hoặc bạn đã quen với việc được cha mẹ xử lý giùm mọi khó khăn, bạn sẽ khổ sở trong môi trường làm việc. Hãy học cách suy nghĩ tìm giải pháp cho sự cố, tìm đường vòng để ra khỏi ngõ cụt, tìm cách để nâng cao hiệu quả công việc... Ðó là những “mỏ vàng” giúp bạn đi xa hơn trong nghề nghiệp và được trọng dụng ở nơi làm việc. Tinh thần sẵn sàng tìm kiếm giải pháp thường được xây dựng từ sớm thông qua sự bền bỉ tập luyện từ những việc ngoài giờ, những hoạt động đội nhóm khi ở trường đại học… Nếu không bắt đầu từ sớm, bạn sẽ là người xuất phát trễ trên đường chạy sự nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạn đang ở đâu trên đường chạy sự nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO