Ăn uống hỗ trợ trị chứng ho đàm

Ðông y sĩ Mộc Nguyên (Hội Ðông y Q. Phú Nhuận)| 20/03/2023 12:24

Khi có triệu chứng ngứa, rát họng, ho khan hoặc ho kèm đàm, có thể tận dụng các món ăn hàng ngày, các loại thảo dược quen thuộc để đẩy lùi cơn ho và giảm đàm.

Các triệu chứng cảm, sốt kèm ho, ngứa rát họng kèm ho, kéo đàm khiến người bệnh mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, thậm chí suy nhược cơ thể. Tùy theo thể trạng từng người sẽ có triệu chứng ho cụ thể, ho khan hoặc ho có đàm (trắng loãng hoặc vàng).

Nguyên tắc chung để giảm ho, trước tiên phải uống đủ nước ấm, không uống nước lạnh. Ðiều này cần thiết cho cả trường hợp ho có đàm. Hệ hô hấp là cơ quan nhạy cảm, không chịu được sự khô lạnh và cả khô nóng. Do vậy, vào mùa nào cũng cần cung cấp đủ lượng nước để giữ cho các cơ quan hô hấp luôn ẩm và ấm.

Nếu ho khan hoặc ho có đàm loãng trắng, kèm nghẹt mũi, chảy mũi nước trong, hắt hơi, ớn lạnh, không hoặc ít đổ mồ hôi… cần tránh gió, tránh lạnh. Nên xông, vận động để cơ thể toát mồ hôi.

Nếu ho kèm đàm vàng dính, khát, họng đau, chảy nước mũi đục, cơ thể nóng, ra mồ hôi, sợ gió cần bổ sung thêm các loại trà từ hoa cúc, lá dâu tằm, uống thêm nước dừa, nước sắn dây, nước đậu xanh…

Trong bữa ăn hằng ngày, ưu tiên dùng các loại thực phẩm có tính thanh mát: bầu bí, khổ qua, mồng tơi, rau sam, củ cải trắng, cần tây, cá nước ngọt… Người dễ bị lạnh, tiêu hóa kém thì nên kết hợp thêm vài lát gừng hoặc sả.

Ðồng thời cần duy trì tập thở sâu và xoa bóp cho toàn thân ấm nóng, khí huyết lưu thông. Mỗi ngày 2-3 lần. Mỗi lần 10-15 phút.

Sau đây là một số cách giúp làm giảm ho, đàm.

Ho khan

- Ngậm kha tử: 10 quả kha tử, rửa sạch, để ráo, đập vỡ, cho vào chảo sao lửa nhỏ cho khô, thơm; để trong lọ, mỗi lần lấy một quả ngậm dần cho đến khi hết vị sẽ giúp giảm ho.

Kha tử giúp làm ấm phổi, trừ ho

- Nhai lá húng chanh với vài hạt muối và nuốt chầm chậm, mỗi lần dùng khoảng 5 lá, nên hái lá vào buổi sáng sớm.

- Chuẩn bị sẵn một ít gừng thái lát và ít muối, mỗi khi cảm thấy ngứa họng muốn ho thì lấy một miếng gừng muối nhai và nuốt chậm. Lưu ý, mỗi ngày chỉ nên nhai khoảng ba lần; trước khi ngủ dùng thêm một lần. Dùng khoảng 2-3 ngày sẽ thuyên giảm.

- 120-150g cà rốt, 10-15 quả táo tàu; thái nhỏ cà rốt, táo tàu và đổ vào nồi, sắc nhỏ lửa với 3 bát nước. Khi còn khoảng 1 bát nước thì lọc bỏ xác, lấy nước, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Uống 3-5 ngày liên tục; giúp thông phổi, giảm ho.

- Củ cải trắng giúp thông khí và giảm ho rất hiệu quả; có thể áp dụng nhiều cách khác nhau: gọt vỏ, rửa sạch và ăn sống giúp mát họng, hết ho. Cách khác là thái nhỏ, cho nước vào đun sôi, uống khi còn ấm, vào mỗi tối, mỗi lần nấu khoảng 250g củ cải, uống liên tục trong một tuần.

Củ cải trắng chưng mật ong

- Bột nấm linh chi 15-20g, thịt heo nạc 100g, trộn chung, đem chưng cách thủy, nêm muối, dầu ăn vừa khẩu vị; ăn với cơm; giúp tiêu viêm, giảm ho.

Nếu ho khan mà trong người nóng, nhiệt thì dùng các cách sau:

- Một quả lê rửa sạch, gọt vỏ bỏ hạt, 10g xuyên bối mẫu (nếu không mua được thì chỉ dùng lê), đường phèn vừa đủ. Thái nhỏ lê, cho vào chén cùng xuyên bối mẫu, hấp cách thủy khoảng 60 phút, cho đường phèn vào hấp tiếp cho tan. Ăn lê, uống nước. Dùng mỗi ngày/lần, 5 ngày liên tục, giúp thông phổi, giảm ho.

- Mật ong, kim ngân hoa, mỗi loại 30g. Kim ngân hoa đem sắc nhỏ lửa với 500ml nước, còn khoảng 300ml, hòa với mật ong uống trong ngày; giúp mát phổi, giảm ho.

- 400-500gr đầu mẩu mía, chẻ mỏng; 20g gừng tươi đập dập; 10g khoản đông hoa. Ðem cả ba cùng sắc kỹ với khoảng 1,5 lít; khi còn khoảng 800ml thì ngưng; gạn lấy nước chia làm 3 lần, uống trong ngày.

- 10-15g mộc nhĩ trắng lẫn đen, đường phèn vừa đủ. Ngâm và rửa sạch mộc nhĩ, trộn với đường phèn, hấp cách thủy từ 2-3 tiếng. Ăn mộc nhĩ và uống nước. Dùng mỗi ngày/lần, 5 ngày liên tục.

Ðể giúp kháng khuẩn và tăng cường khí lực cho hệ thống hô hấp, nên uống thêm một số loại thuốc đông y thành phẩm như: Siro ho, hoàn chỉ khái tiêu viêm, siro bổ phế, cao bổ phổi/bổ phế…

Ho kèm theo đàm

Những người ho kèm theo đàm trắng hoặc đàm vàng nhiều khả năng có kèm theo tình trạng tiêu hóa kém hoặc cơ thể nóng nhiệt do phần tân dịch, phần âm bị hao hư. Các món cháo sẽ rất phù hợp để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa và tăng sinh tân dịch, bổ phần âm cho cơ thể. Một số món ăn sau sẽ giúp làm mát phổi, tăng cường khí lực cho hệ thống hô hấp, tiêu hóa, thông khí, tiêu đàm và giảm ho:

- Phục linh 15g, ý dĩ 60g, cả hai cùng đem nấu thật nhừ thành cháo, thêm muối, ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục; giúp chữa ho có nhiều đàm trắng lỏng, bị đàm do hệ thống tiêu hóa hoạt động kém.

- Tía tô 15g, giã nát, gạo tẻ 100g. Ðem gạo nấu nhừ thành cháo, cho tía tô vào, nêm đường vừa ăn.

- Hoàng kỳ 20g, gạo tẻ 60g. Gạo tẻ đem nấu cháo, hoàng kỳ sắc nhỏ lửa, lọc lấy nước, đổ vào cháo, nêm đường trắng vừa ăn. Ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục. Cháo phù hợp cho người lớn tuổi, người có cơ thể hư nhược, chán ăn; không dùng khi đang bị cảm sốt.

Quế chi và trà quế chi giúp giảm ho

- Hạt sen 30g, bách hợp 30g, thịt nạc 200g; cả ba cùng đem ninh nhừ, nêm vừa ăn, ăn khi còn nóng. Phù hợp cho người ho kèm đàm vàng.

- Táo đỏ 10 quả, bí đỏ 200g, đường đỏ vừa đủ. Táo và bí đem nấu nhừ thành cháo, nêm đường vừa ăn. Ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục.

- Táo đỏ 6 quả, cam thảo 6g, đổ 2 bát nước, sắc còn 1 bát, uống nóng.

- 30g mộc nhĩ trắng, đường phèn và nước vừa đủ, đem hấp cách thủy. Ăn khi còn nóng,     1 lần/ngày, nhiều ngày liên tục.

- Gừng tươi, rau cải: 500g rau cải ngọt, 10g gừng tươi. Sắc với 4 bát nước, còn 2 bát, thêm 1 ít muối, uống nóng       2 lần/ngày. Trị ho có đàm trắng.

- 10-20g cây thuốc dòi khô, rửa sạch, sắc lấy nước uống. 20-30g cây thuốc dòi tươi, giã nát với vài hạt muối, vắt lấy nước, ngậm làm nhiều lần rồi nuốt dần; hoặc hòa với mật ong uống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ăn uống hỗ trợ trị chứng ho đàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO