3 bệnh nhi sụp mi mắt, suy hô hấp nghi ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa bán dạo

An Quý| 16/05/2023 09:58

Sau khi ăn giò lụa bán dạo, 1 người dì và 3 cháu nhỏ đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, bốn bệnh nhân từ từ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người và 3 đứa trẻ bị yếu cơ dần và suy hô hấp.

Ngày 16/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khoảng 9h ngày 13/05/2023, gia đình có 4 người (ngụ TP Thủ Đức) gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi); N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) có mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì.

Sau khi ăn khoảng 12 - 18 giờ cùng ngày, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, bốn bệnh nhân từ từ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người và 3 đứa trẻ bị yếu cơ dần.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp điều trị cho các bệnh nhi bị ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa bán dạo

Ngày 14/5, cả 3 bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Bệnh nhi N.V.Đ có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ sáng ngày 15/5, bệnh nhi này bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai bé còn lại là N.V.H và N.T.X cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều ngày 14/5. Và đến sáng ngày 15/5, hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.

BSCKI Nguyễn Văn Thuận, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thêm, khoảng 15h ngày 15/5, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc Botulinum do ăn giò lụa.

Sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc Botulinum do ăn giò lụa.

“Người nhà cho biết, chả lụa này được bao trong 2 lớp nilon và 1 lớp lá chuối. Sau khi ăn vào buổi sáng, đến chiều tối cùng ngày, 4 dì cháu bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Riêng 3 cháu nhỏ có biểu hiện yếu chi và sụp mi,” BS Thuận nói.

Đến 19 giờ cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc Botulinum. Do tính chất cấp bách của bệnh lý ngộ độc Botulinum nếu điều trị trễ sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3 - 6 tháng nên các bác sĩ đã quyết định điều trị sớm nhất có thể để tránh những biến chứng nặng xảy ra.

Các bệnh nhân nói trên ăn chả lụa bán dạo, không rõ nguồn gốc, không còn lưu mẫu thức ăn, cũng như không biết xuất xứ thực phẩm. Vì vậy, các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc Botulinum chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, diễn tiến bệnh và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý khác. 

Với mục tiêu đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức liên hệ với bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều chuyển thuốc BAT (2 lọ còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023).

Đến 1 giờ sáng ngày 16/5, đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, đón ekip của bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc BAT về thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi hội chẩn lại lần cuối, rạng sáng ngày 16/5, cả 3 trẻ đã được dùng thuốc BAT để giải độc Botulinum. Sau 1 giờ truyền thuốc giải độc, các bé đều ổn định không có biểu hiện bị phản vệ.

Đoàn của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, đón ekip của bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc BAT về thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Ghi nhận tình hình sức khỏe bệnh nhân đến 6 giờ sáng nay (16/5) tình trạng các bé ổn. Các bé sẽ được tiếp tục theo dõi và khám lại đánh giá tình trạng sức khoẻ sau 4 giờ/lần.

Cách đây khoảng hơn 40 năm, theo các chuyên gia của Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam cũng có ghi nhận rải rác vài ca bệnh ngộ độc botulinum do người dân sử dụng đồ hộp quá hạn sử dụng. Vụ việc nghiêm trọng nhất là ngộ độc Pate Minh Chay vào năm 2020 và mới đây là 10 ca nhập viện ở khu vực miền núi Bắc Quảng Nam vì ngộ độc Botulinum từ cá ủ muối chua.

Trước đó, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, từng cho biết, botulinum là độc tố không màu, không mùi không vị. Đây là loại ngộ độc cực hiếm dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như nhược cơ.

Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).

Rạng sáng ngày 16/05, cả 3 trẻ đã được dùng thuốc BAT để giải độc Botulinum. Sau 1 giờ truyền thuốc giải độc, các bé đều ổn định không có biểu hiện bị phản vệ.

Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (tức vi khuẩn tự “đóng kén” để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát.

Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, các bào tử này sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra Botulinum.

Trung bình từ 12 - 36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm bẩn, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc Botulinum. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Mặc dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục. Điều đó cho thấy ngộ độc Botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.

Ngoài việc xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc Botulinum dẫn tới ngộ độc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 bệnh nhi sụp mi mắt, suy hô hấp nghi ngộ độc Botulinum do ăn giò lụa bán dạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO