“Vui khỏe mỗi ngày” tháng 4: Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe
Vào ngày 21/4, tại Hội trường Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (280 An Dương Vương, Quận 5, TP.HCM), chương trình “Vui khỏe mỗi ngày” sẽ diễn ra với chủ đề “Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe”, dự kiến thu hút hơn 500 sinh viên, giảng viên và đại biểu.
Sự kiện do Tạp chí Khoa học phổ thông phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam. Chương trình không chỉ mang đến kiến thức bổ ích về dinh dưỡng và sức khỏe tim mạch mà còn truyền cảm hứng cho lối sống bền vững, thân thiện với môi trường.

Dinh dưỡng xanh - lối sống bền vững
Phần báo cáo chuyên đề mở đầu với phần trình bày của ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y Dược TP.HCM. Về chủ đề “Dinh Dưỡng xanh trong phát triển bền vững”, ThS.BS Tường sẽ làm rõ khái niệm “dinh dưỡng xanh” - một xu hướng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Theo ThS.BS Tường, dinh dưỡng xanh không chỉ ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, mà còn cân đối, kiểm soát sử dụng sản phẩm động vật như thịt, trứng, sữa và giảm thiểu thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều hóa chất. Đặc điểm nổi bật của dinh dưỡng xanh là giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất tự nhiên, ít chất béo bão hòa, giàu chất chống oxy hóa và thân thiện với môi trường.
“Dinh dưỡng xanh không đồng nghĩa với ăn chay hoàn toàn. Đây là lối sống hài hòa, lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe của cá nhân mà còn góp phần bảo vệ môi trường”, ThS.BS Khuê Tường nhấn mạnh.

ThS.BS Tường trích dẫn báo cáo của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc), cho thấy canh tác thực vật sử dụng ít hơn 70% nước so với chăn nuôi. Đặc biệt, sản xuất 1kg thịt bò, phát thải ra khoảng 60kg CO2-eq, trong khi 1kg đậu Hà Lan chỉ phát thải 0,9kg CO2-eq. Chuyển sang chế độ ăn thực vật có thể giúp giảm 70% diện tích đất nông nghiệp, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và làm phong phú môi trường sống.
Để xây dựng khẩu phần ăn khoa học, ThS.BS Tường khuyến nghị áp dụng mô hình MyPlate của Hoa Kỳ, bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc, đạm và sữa.
Cụ thể, mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 400g rau củ mỗi ngày (theo WHO, 2023) và 2-3 phần trái cây (theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, 2022). Khẩu phần đạm, khuyến khích một nửa là đạm thực vật và đạm động vật nên ưu tiên thịt trắng như cá, ức gà; nửa còn lại là ngũ cốc, chủ yếu là ngũ cốc nguyên cám để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.


Thói quen ăn uống sai lầm của người Việt cần khắc phục
ThS.BS Tường chỉ ra năm sai lầm phổ biến trong thói quen ăn uống của người Việt: mất cân đối dinh dưỡng, phương pháp chế biến không lành mạnh, thói quen ăn uống thiếu khoa học, hiểu sai về dinh dưỡng và ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực.
Ví dụ, nhiều món ăn truyền thống như mắm, cá khô, thịt kho sử dụng lượng muối cao, dù không phải muối trắng trực tiếp mà qua nước mắm, nước tương. Giới trẻ ngày nay lại có xu hướng tiêu thụ đồ ăn nhanh, trà sữa và nước giải khát chứa đường. Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ 30% người trưởng thành đạt mức khuyến nghị 400g rau và trái cây mỗi ngày.
Để cải thiện, ThS.BS Tường lưu ý, nên tập ăn nhạt dần để điều chỉnh vị giác, hạn chế chiên rán, không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần vì nguy cơ gây viêm mạn tính và ung thư. Ngoài ra, cần duy trì bữa sáng, kết thúc bữa tối trước 19 giờ và hạn chế rượu bia (nam giới tối đa 2 đơn vị cồn/ngày, nữ giới 1 đơn vị/ngày).
Phòng tránh bệnh tim mạch - hành trang cho giới trẻ
.png)
Phần báo cáo thứ hai sẽ do ThS.BS.CKI Phùng Huy Hoàng, Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115, trình bày với chủ đề “Phòng tránh bệnh lý tim mạch ở người trẻ”. Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh, bệnh tim mạch đang trẻ hóa đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tàn phế và tử vong trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
Nguyên nhân chính bao gồm căng thẳng công việc và cuộc sống ngày càng tăng, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, lối sống ít vận động ngày càng phổ biến. Các thói quen xấu của giới trẻ như lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, ăn thức ăn nhanh là những yếu tố nguy cơ quan trọng.
Bên cạnh đó, sự quan tâm đến các bệnh lý tim mạch, sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán và nhận thức về tầm quan trọng của bệnh tim mạch ngày gia tăng , điều này giúp cho việc phát hiện bệnh lý ở người trẻ ngày càng nhiều hơn.
Để phòng ngừa đột quỵ và bệnh tim mạch, bác sĩ Hoàng khuyến nghị: tập thể dục đều đặn, giảm cân, điều chỉnh chế độ ăn với nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nguyên hạt và hạn chế chất béo có hại. Đặc biệt, chúng ta cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người có triệu chứng bất thường như đau ngực, khó thở hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.

Dinh dưỡng xanh - Trái tim khỏe: Thông điệp vui khỏe lan tỏa
“Dinh dưỡng xanh để trái tim khỏe” không chỉ là chủ đề của một buổi hội thảo mà còn là lời kêu gọi hành động vì sức khỏe và môi trường. Chương trình sẽ mang đến góc nhìn toàn diện về dinh dưỡng xanh, lối sống lành mạnh và cách bảo vệ trái tim từ khi còn trẻ. Với sự đồng hành của các chuyên gia và đơn vị tổ chức, “Vui khỏe mỗi ngày” tiếp tục là cầu nối đưa kiến thức y khoa đến gần hơn với cộng đồng, nhất là ở thế hệ trẻ.
Đặc biệt, phần giao lưu tư vấn hỏi đáp kéo dài 40 phút sẽ là điểm nhấn của chương trình. ThS.BS Trương Nhật Khuê Tường, ThS.BS.CKI Phùng Huy Hoàng sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của sinh viên, khách mời… về dinh dưỡng, lối sống và phòng ngừa bệnh tim mạch. Chương trình hứa hẹn nhiều hấp dẫn!
Liên quan đến quan niệm “tắm đêm gây đột quỵ”, ThS.BS.CKI Phùng Huy Hoàng, Khoa Nhịp tim học, Bệnh viện Nhân dân 115, làm rõ rằng đây là hiểu lầm phổ biến. Thực tế, bản thân tắm đêm không trực tiếp gây ra đột quị, mà tắm đêm với nhiệt độ nước không phù hợp gây rối loạn thân nhiệt đột ngột, cũng như tắm nước quá nóng trong thời tiết lạnh hoặc tắm ở nơi nhiều gió, mới là nguy cơ. Do đó, cần giữ ấm, điều chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp với môi trường và tránh tắm ở nơi gió lùa.