Ứng xử hài hòa với tự nhiên

NGUYỄN MINH HẢI| 09/03/2023 11:23

Người Việt nói chung và người Nam bộ nói riêng, trong đó có người Sài Gòn - TP.HCM, vốn có truyền thống ứng xử khá hài hòa, hợp lý với tự nhiên. Điều đó thể hiện trong quan niệm sống, lối sống, ngôn ngữ…

Ngôn ngữ, địa danh mang đậm yếu tố tự nhiên

Miền Nam là vùng sông nước, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và bờ biển dài… nên đi lại phổ biến là bằng đường thủy, giỏi bơi lặn; phương tiện giao thông trên sông nước phong phú với thuyền, ghe, xuồng, bè, mảng, tàu, thúng...(1)   Đặc biệt, trong ngôn ngữ, cách sử dụng từ ngữ liên quan đến hoạt động sông nước cũng khá phổ biến. Ví dụ như “anh em cột chèo” (“cọc chèo”, người miền ngoài gọi là “anh em đồng hao”); đò, trong xe đò (theo nghĩa đò là “thuyền chở khách trên sông nước theo một tuyến nhất định”); “khẳm” là “quá nhiều, quá sức chứa” (tiền vô khẳm, lời khẳm, thêm một ly nữa là khẳm…); “quá giang” (nghĩa đen là “qua sông” nhưng được dùng để đi nhờ cả phương tiện đường bộ); “chèo chống” (thể hiện sự xoay xở, chống đỡ các thử thách của cuộc sống); “sông sâu, đò đầy” (trong câu ca dao “Ra đi mẹ có dặn dò/Sông sâu con đừng lội, đò đầy con đừng qua”, chỉ những bất trắc, rủi ro của cuộc đời); “chìm xuồng” (chỉ vụ việc bị lãng quên hoặc bị người khác che đậy, giấu đi)…

Một số thành ngữ, tục ngữ cũng mượn hình ảnh của sông nước, như “nước đến chân mới nhảy”, “nước lên thuyền lên”, “ba chìm bảy nổi”, “rồng đến nhà tôm”, “cá mè một lứa”, “ăn như xáng múc, mần như lục bình trôi”, “lớn thuyền lớn sóng”, “thả con tép bắt con tôm”, “cá ăn kiến kiến ăn cá”… Đương nhiên, trong số này, có những cách diễn đạt đã có từ miền ngoài, nhưng vào trong Nam “sống được” có nghĩa là phải thực sự gần gũi, có gì đó cụ thể.

Ở vùng đất Sài Gòn, người dân cũng thể hiện lối sống gần gũi với tự nhiên khá rõ nét. Chẳng hạn, về địa danh, có rất nhiều nơi được đặt tên theo những yếu tố tự nhiên, như Gò Vấp (để chỉ vùng đất cao (gò) có nhiều cây vấp (hoặc vắp), Hóc Môn (thường được lý giải là vùng đất hóc hẻm có nhiều cây môn), hoặc nhiều địa danh liên quan đến cây cối (như Cây Bàng, Cây Mai, Cây Keo, Cây Trâm, Cây Điệp, Cây Thị, Cây Quéo, Vườn Chuối, Vườn Xoài, Đầm Sen…) hay các yếu tố tự nhiên khác (như xóm Bàu Cát, rạch Cầu Sấu, rạch Bến Nghé, kênh Ruột Ngựa…). Những yếu tố đó còn đọng lại đến ngày nay, dù dấu vết, nguồn gốc có thể đã bị phai nhạt ít nhiều.

Quan niệm sống hòa hợp tự nhiên

Gắn với địa danh là quan niệm sống. Như ở Bình Thạnh có địa danh Bà Chiểu, mà một số người hiểu nhầm là tên của một phụ nữ. Theo nhà văn Sơn Nam, “chiểu” có nghĩa là ao nước tự nhiên (giống như “bàu”, không phải do người đào); “bà chiểu” là “nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên”, được hiểu rộng hơn là sự tôn trọng (với tính chất linh thiêng) đối với ao nước đó, bởi gắn với việc sử dụng của người dân địa phương, tức là người ở đó phải giữ gìn nước của ao sạch sẽ.

Hay người vùng biển Cần Giờ thì có tục thờ cá voi (được gọi là “cá Ông”). Với ngư dân ở khắp vùng biển phía Nam, trong đó có Cần Giờ, thì cá Ông được xem là loài vật linh thiêng, luôn cứu giúp người đi biển khi gặp sóng to gió lớn. Vì vậy, mỗi khi có xác cá Ông bị trôi dạt vào bờ (người ta không gọi là “chết” mà gọi là “lụy”) thì mọi người có trách nhiệm để tang và lo việc chôn cất thật cẩn thận, chu đáo, đồng thời thờ cúng trang trọng, thành kính. Từ đó, lễ hội “Nghinh Ông Thủy Tướng” (ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm) đã vượt ra ngoài một hoạt động tín ngưỡng gắn với cá Ông hoặc nghề đi biển, trở thành lễ cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi việc suôn sẻ…

Hay những nét văn hóa khác liên quan đến sự hòa hợp với thiên nhiên như người Sài Gòn trước đây thường làm nhà lấy khí trời và gió tự nhiên, nên nhà cao, rộng rãi (2), có nhiều cửa sổ, cửa chính thường rộng (khác với miền ngoài thường làm thấp để hạn chế bị mưa bão tàn phá)… Hoặc ngày tết, người ta thường ít thực hiện thói quen bẻ cành lấy lộc…

Trồng cây tạo môi trường sống Xanh - Sạch - Đẹp. Ảnh: Internet

Nếp sống đó phản ánh điều kiện tự nhiên, lối sống của người Sài Gòn trước đây, đến nay trong bối cảnh đô thị TP.HCM phát triển, có một số điều không còn phù hợp. Như việc xây cất nhà ở, thành phố bây giờ đất chật người đông, không thể làm theo cách như trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều nên tiếp tục duy trì và phát huy để xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, nhất là trong bảo vệ môi trường, và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Quan niệm sống gần gũi, hài hòa với tự nhiên nên được đặt trong điều kiện mới và thực hiện theo những phương thức mới gắn với cuộc sống đô thị. Trước hết, cần giữ gìn môi trường tự nhiên thật sự trong lành, thân thiện. Quan niệm tôn trọng cái ao nước trong địa danh Bà Chiểu ít nhiều mang yếu tố tín ngưỡng, thực sự là để bảo vệ sức khỏe người dân, tức là bảo đảm sự trong lành của môi trường gắn với yêu cầu về cuộc sống của người dân. Do đó, trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng quy tắc ứng xử, quy ước (hương ước)… cần thể hiện tính chất của tập quán này để khơi gợi, thúc đẩy sự tham gia, hưởng ứng của người dân, trên tinh thần bảo vệ môi trường là để bảo vệ chính bản thân mỗi người.

Bên cạnh đó, cần duy trì và xây dựng thói quen gắn bó với tự nhiên thông qua việc trồng nhiều cây xanh. Mỗi gia đình nên có những “góc xanh” với những loại cây phù hợp, không chỉ góp phần tạo không khí trong lành, xanh mát trong nhà mà còn là một hình thức nhắc nhở, giáo dục các thành viên quan tâm đến việc bảo vệ cây xanh và lan tỏa vai trò, ý nghĩa của mảng xanh trong đời sống. Đặc biệt, người lớn cần giáo dục, hình thành và phát triển ý thức yêu cây xanh cho trẻ bằng những thói quen và hành động thiết thực, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có tình yêu cây xanh nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Phân loại rác tại nguồn là góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: Internet

Ngoài ra, ý thức về bảo vệ môi trường nước, không khí, đất, chống ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn… cần tiếp tục được tác động bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, các hoạt động đổi rác thải rắn lấy quà, đổi pin lấy sách, đổi rác lấy cây xanh, phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế, hội thi sáng tạo từ rác thải, ủ rác hữu cơ thành phân bón… cần được phát triển rộng rãi ở các địa bàn dân cư. Hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng, nội dung bảo vệ môi trường cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là việc tác động nhận thức, trách nhiệm chứ không chỉ tuyên truyền về các hình thức hoặc mức xử phạt. Hay thi tìm hiểu, triển lãm trực quan, xây dựng video clip, thiết kế đồ họa… cũng nên được tổ chức thường xuyên ở các trường học để góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về các nội dung này.

Suy cho cùng, trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nên được thực hiện có chiều sâu ở góc độ tác động đến nhận thức từ các hành vi văn hóa chứ không phải chỉ qua việc thúc đẩy làm theo, bắt chước hoặc lo sợ bị phạt. Do đó, việc tác động nên được điều chỉnh bằng những cách thức phù hợp, trên tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, khơi gợi ý thức trách nhiệm và tình cảm trách nhiệm, không chỉ thông qua các hoạt động bề nổi mà còn ở những thúc đẩy mang tính lâu bền. Trong đó, rất nên quan tâm đến việc phát huy, làm lan tỏa truyền thống hài hòa với tự nhiên trong việc hình thành ý thức bảo vệ môi trường nói riêng và xây dựng đời sống văn hóa nói chung của người dân TP.HCM trong bối cảnh hiện nay.

--------------

1.  Ngay cả một số loại phương tiện có nguồn gốc nước ngoài, sau này cũng được Việt hóa như là phương tiện của người Việt, như phà (vốn có nguồn gốc từ chữ ferry), bắc (nguồn gốc từ chữ bac, cũng có nghĩa là phà), sà lan (có nguồn gốc từ tiếng Pháp là chaland)…

2. Thành ngữ “nhà cao cửa rộng” thường được hiểu là chỉ nhà rộng, lớn, nghĩa bóng là nhà khá giả, giàu có, nhưng nó còn mang nghĩa là một kinh nghiệm xây nhà, nên làm nhà cao, có cửa rộng để thoáng mát, dễ chịu, thể hiện tâm hồn khoáng đạt của người Nam bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử hài hòa với tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO