Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp sao cho hiệu quả?

Hoàng Nguyễn| 01/03/2023 14:36

Ngày 1/3 tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại học Quốc gia và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức tọa đàm về ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp với chủ đề "Cơ hội và thách thức".

Sự kiện có sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng, PGS.TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM; TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cùng đại diện các chuyên gia, các doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, trong lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, một khảo sát với 1.000 doanh nghiệp công bố vào ngày 25/2 cho thấy có khoảng 48% công ty đã ứng dụng ChatGPT vào hỗ trợ giải quyết công việc. 

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng.

“Khoảng một nửa nhóm khảo sát này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ, thậm chí cũng đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định. Công cụ này đã giúp công ty tiết kiệm được hàng trăm ngàn USD", ông Thắng chia sẻ về “cơn sốt” Chat GPT.

Theo ông Thắng, Chat GPT có nhiều tiềm năng ở tất cả những lĩnh vực có sử dụng ngôn ngữ. Đối với lĩnh vực của quản lý nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định. Vì vậy, cần bình tĩnh và thận trọng với những thách thức tiềm ẩn.

Tại sự kiện, PGS.TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM trình bày báo cáo tham luận “ChatGPT và những hướng ứng dụng trong hệ thống dịch vụ công trực tuyến - cơ hội và thách thức”. Theo PGS.TS. Đinh Điền, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ khá nhiều, nhất là việc xử lý thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Điền khuyến cáo ChatGPT cũng có các sai số, thông tin sai hoặc không chuẩn xác các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử... Vì vậy, người dùng phải tự trang bị kiến thức thông tin để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT đưa ra.

PGS.TS. Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM

TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cũng có bài chia sẻ các cơ chế bảo mật và an toàn thông tin khi ứng dụng ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo TS. Võ Văn Khang, Chat GPT có nhiều rủi ro tiềm ẩn như tin giả (fake news), thất thoát dữ liệu nhạy cảm và lừa đảo mạng. Cần có cơ chế kiểm soát và bảo vệ dữ liệu đầu vào, cơ chế kiểm định tri thức đầu ra, bảo vệ tính riêng tư và phiên làm việc, cẩn trọng với các app thứ ba. Không tin ChatGPT một cách máy móc.

TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam

Sở TT&TT cũng đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực: hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (chatbot, tổng đài 1022, ...); hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố (trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu...); xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học; nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp sao cho hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO