TS.BS.Trương Quang Khanh:Trở thành bác sĩ giỏi nhờ mê ngành y

HỒNG DUNG| 26/02/2015 09:55

Năm 1994, Trương Quang Khanh tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa của Trường đại học y dược TP.HCM và năm 2000, anh lấy bằng thạc sĩ nội khoa. Chọn nhi khoa nhưng cơ duyên lại đưa BS. Khanh đến chuyên khoa tim mạch của BV Thống Nhất. Đến năm 2013, anh lấy bằng tiến sĩ chuyên khoa tim mạch và hiện là phó khoa tim mạch cấp cứu - can thiệp của BV này. 

Mơ làm bác sĩ   

Trò chuyện với phóng viên Báo Khoa Học Phổ Thông nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, TS.BS. Trương Quang Khanh bộc bạch: “Tôi đến với ngành y vì từ nhỏ đã từng bị bệnh phải nằm viện, được sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ nên từ tâm thức của mình, hình ảnh người bác sĩ rất thân quen và kính trọng. Tôi ước mong sau này được mặc chiếc áo blouse trắng, được đến từng giường bệnh để thăm hỏi, khám cho từng bệnh nhân. Ước mơ này, cứ theo tôi suốt thời học phổ thông. Nhưng thời điểm đó, ngành y được xem là ngành rất khó thi vào, nên tôi không “tự tin” lắm. Ba mẹ động viên tôi rất nhiều và một ấn tượng thật mãnh liệt đã nung nấu ước mơ của tôi, khi tôi đứng trước cổng trường Đại học y dược TP.HCM (năm 1987), thấy các anh chị sinh viên y khoa lấy xe ra về, ánh mắt và gương mặt người nào cũng hiền hậu và thông minh khiến tôi vô cùng cảm phục. Trong lòng tôi lại ấm lên một quyết tâm phải thi đậu vào trường y và tôi đã đạt được nguyện vọng vào kỳ thi năm đó”. 

Có  duyên với khoa tim mạch  

Khi tốt nghiệp y khoa, BS. Khanh ước vọng được vào chuyên khoa nhi, nhưng cơ duyên lại đưa BS. Khanh đến với chuyên khoa tim mạch. Lý giải điều này, anh cho biết : “Hình ảnh các bệnh nhi khiến mình nhiều trăn trở lắm, nhưng xin vào các bệnh viện nhi tại TP lúc đó khó khăn lắm, trong thời gian chờ đợi để nhận vào làm việc, tôi tình cờ gặp được cố GS.TS. Nguyễn Mạnh Phan - thầy là người đầu tiên đặt nền móng cho việc cấy máy tạo nhịp cho bệnh nhân Việt Nam bị bệnh lý nhịp tim chậm và là giám đốc BV. Thống Nhất sau này, được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động và là chủ tịch Hội tim mạch TP.HCM. Lúc đó, thầy đang cần một bác sĩ nam trẻ để đào tạo về điều trị cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Tôi may mắn được thầy chọn, được làm việc và là học trò của thầy, tôi được dịp tiếp xúc với nhiều kỹ thuật tim mạch chuyên sâu và mới mẻ lúc bấy giờ. Thầy là tấm gương sáng để tôi noi theo. Tôi học rất nhiều điều ở thầy về chuyên môn, sự nhân hậu, yêu thương bệnh nhân, hết lòng vì khoa học... Thầy đã đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò nổi tiếng về tim mạch sau này”. 

Có áp lực, gian nan mới giỏi nghề  

Hơn 8 năm làm việc, tại khoa tim mạch cấp cứu - can thiệp, BV Thống Nhất, hàng ngày BS. Khanh phải tiếp xúc ít nhất 20 bệnh nhân trong tình trạng nặng, cần theo dõi sát và chăm sóc tích cực. Bên cạnh đó, khoa còn có khu hồi sức tim mạch khoảng 30 giường bệnh, dành cho bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm và nằm chờ làm thủ thuật. Trong khoa có 2 nhóm bác sĩ chuyên làm can thiệp mạch vành và điều trị rối loạn nhịp tim, các nhóm lần lượt sắp xếp lịch cho bệnh nhân xuống phòng thông tim làm các thủ thuật tim mạch chuyên sâu như can thiệp động mạch vành, mạch máu ngoại biên, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, triệt đốt các rối loạn nhịp tim nhanh… Giờ làm việc của khoa là bất kể giờ giấc, phải luôn có bác sĩ thường trực, thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân tim mạch trong giai đoạn cấp cứu và hồi sức. Ngoài ra, thuốc tim mạch thường là “con dao 2 lưỡi”. Chẳng hạn, thuốc chống loạn nhịp tiềm ẩn khả năng gây loạn nhịp... đòi hỏi bác sĩ phải nắm vững về chuyên ngành tim mạch và hồi sức. Chưa kể, các bác sĩ ở khoa còn phải chấp nhận nguy cơ bị quá liều tia X, vì phòng thông tim sử dụng máy kỹ thuật số xóa nền có tia X để chiếu và chụp khi làm các thủ thuật, thường mỗi bác sĩ khi vào phòng thông tim phải làm liên tục 6 - 10 tiếng.  

Chức năng can thiệp mạch vành và điều trị triệt đốt loạn nhịp bằng năng lượng sóng tần số radio - chuyên ngành sâu của tim mạch, đây là một trong mũi nhọn của bệnh viện. Các bác sĩ phải được đào tạo ít nhất 3 - 5 năm mới tham gia vào ê kíp được. TS. Khanh là người phụ trách chính trong nhóm điều trị loạn nhịp của bệnh viện. Vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn đã khiến công việc của anh nhân đôi. Ê kíp vừa cấy máy tạo nhịp cho bệnh nhân bị nhịp chậm, máy phá rung ngừa đột tử, máy điều trị suy tim, vừa triệt đốt các loạn nhịp tim như: ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất, rung cuồng nhĩ… đạt được nhiều kết quả tốt, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân.  

TS.BS. Khanh rất tự hào về công việc của mình. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh không quên khuyến cáo mọi người về bệnh tim mạch. Theo anh, tim mạch là bệnh khó chữa và tốn kém tiền bạc, đa số bệnh tim mạch liên quan đến lối sống, do vậy chúng ta nên quan tâm đến lối sống, tập luyện thể dục đều đặn, chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều mỡ, rượu bia và thuốc lá... là có thể phòng ngừa phần lớn các bệnh lý tim mạch hiện nay. Khi đã mắc bệnh cần tuân thủ các chỉ dẫn của y bác sĩ, chế độ ăn uống, cải thiện lối sống và nghiêm túc với chế độ thuốc men, hiện nay với sự phát triển vượt bậc của y học cũng đem đến nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân tim mạch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS.BS.Trương Quang Khanh:Trở thành bác sĩ giỏi nhờ mê ngành y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO