TP.HCM ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng phát triển kinh tế tuần hoàn
Tại hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM”, các giải pháp đã được đề xuất.
Sở KH&CN TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM”.
Mục đích của hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các hướng ưu tiên nghiên cứu, phát triển, giải pháp khoa học công nghệ, chính sách trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM; hình thành liên kết nghiên cứu và phát triển, tư vấn ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các viện -trường trong hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện TP.HCM.
Đồng thời, đây là nơi tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế...
Thông qua cơ hội này, Sở KH-CN TP.HCM mong muốn định hướng các doanh nghiệp, viện - trường nhận thức được tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình hoạt động sản xuất. Đồng thời, hy vọng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đề xuất thêm các giải pháp nhằm phát triển nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho TP.HCM.
Chuyển đổi xanh là nhu cầu tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vì mô hình hệ thống sản xuất kinh tế tuần hoàn, chú trọng giảm thiểu nguồn nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa sản xuất, xử lý chất thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo… với mục tiêu tạo thành vòng lặp, tái sử dụng sản phẩm tối ưu, hiệu quả phát triển bền vững. Để triển khai kinh tế tuần hoàn có hiệu quả, cần có nền tảng chia sẻ giữa các doanh nghiệp, mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường - viện cần chặt chẽ hơn nữa.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐHQG TP.HCM) đã đề ra các giải pháp để phát triển nền kinh tế tuần hoàn cho TP.HCM như: xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh (trong đó có mối quan hệ giữa TP.HCM, Tây Nguyên, các tỉnh Đông Tây Nam bộ và quốc tế); phát triển các chương trình đào tạo cho sinh viên, nhà khởi nghiệp xanh; xây dựng chính sách tài trợ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ xanh cho nhóm các doanh nghiệp có tác động cao…
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Lê Thanh Minh cho biết hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian qua.
Trong giai đoạn từ 2016 đến 2022, thành phố đã đầu tư 13.657 tỷ đồng vào khoa học và công nghệ, chiếm hơn 2,55% ngân sách nhà nước. Trong số này, 4.628 tỷ đồng dành cho sự nghiệp khoa học, công nghệ và 9.028 tỷ đồng cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ.
Chính nhờ những nỗ lực đó mà chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng mạnh, đạt trung bình 46,7%, với 74% đóng góp từ khoa học và công nghệ. Năng suất lao động của TP.HCM cao gấp 2 lần so với cả nước và năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của thành phố.
Hội thảo đã diễn ra thành công với nhiều đề xuất, góp ý cho các dự thảo tới từ đại diện các viện - trường, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ nền kinh tế xã hội cho TP.HCM hiện còn ở tầm vĩ mô, do vậy, cần có lộ trình cụ thể và mô hình cụ thể hơn.
TP.HCM cần tập trung nâng cao nhận thức kinh tế tuần hoàn cho tất cả mọi người, nhất là đội ngũ giảng viên, sinh viên; quan tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở vật chất, có cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi nguồn kinh tế tuần hoàn, có đơn vị hướng dẫn hỗ trợ chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp…
Trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, mục tiêu TP.HCM hướng đến xây dựng thành phố thông minh và bền vững, trở thành đầu tàu của nền kinh tế quốc gia. Mặc dù vậy, việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh hiện nay còn là thách thức lớn.