TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Chủ trì điểm cầu TP.HCM có ông Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM. Cùng dự có Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy và Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM Lê Minh Đức.
Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định sau hơn 05 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; Phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua vẫn còn có tồn tại, hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao;...
Thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, tại Hội nghị sơ kết này, các đại biểu sẽ được nghe dự thảo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận các nội dung thiết thực, hiệu quả, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết, sau 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác PCTN đã có bước tiến quan trọng, mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt kết quả tích cực, toàn diện, đồng bộ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao.
Theo ông Lê Tiến Đạt, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Kết quả tích cực của công tác PCTN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trong 5 năm qua, hơn 34,6 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) với hơn 965.000 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTNTC được tổ chức và trên 4,1 triệu cuốn sách, tài liệu về PCTNTC được phát hành.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra tại 139.208 cơ quan, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Toàn quốc đã có 235.271 công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 34.589 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có hơn 9.000 kết luận thanh tra đã hoàn thành. Các cơ quan hành chính tiếp nhận 1.178.622 đơn các loại, đã xử lý 1.133.558 đơn, có 944.971 đơn đủ điều kiện xử lý.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
TP.HCM đạt được nhiều thành tích ấn tượng
Từ điểm cầu TP.HCM, phát biểu tham luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải thông tin, thời gian qua, Thành ủy và UBND TP.HCM lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, không chủ quan lơ là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) với phương châm “lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi TNTC”.
Đồng thời, luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TNTC để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp tình hình địa phương; các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa TNTC và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, ngoài tập trung mạnh mẽ cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, TP.HCM cũng tổ chức 1.620 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện 214 người/98 vụ vi phạm với tổng số tiền vi phạm đã được thu hồi, bồi thường hơn 11,5 tỷ đồng.
Thành phố đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đối với 6.589 cơ quan, tổ chức, đơn vị, qua đó phát hiện 25 trường hợp vi phạm và đã xử lý theo quy định. Có 5.056 trường hợp công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức nhằm phòng ngừa TNTC.
Cũng theo ông Dương Ngọc Hải, trong 5 năm, TP.HCM đã phát hiện, xử lý kỷ luật 14 vụ/16 trường hợp sai phạm liên quan hành vi tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị. Qua công tác thanh tra đã phát hiện và xử lý 4 vụ/19 người có liên quan hành vi tham nhũng. Ngành Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra 211 vụ, 562 bị can về các tội danh tham nhũng; đề nghị truy tố 132 vụ, 453 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố đã đưa ra xét xử 133 vụ án/257 bị cáo. Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống TNTC và Ban Chỉ đạo phòng, chống TNTC TP.HCM theo dõi chỉ đạo.
Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng đạt những kết quả tích cực, TP đã thu hồi trong công tác điều tra đạt gần 3.000 tỷ đồng; giai đoạn truy tố, xét xử đạt trên 17.700 tỷ đồng, giai đoạn thi hành án đạt 60.000 tỷ đồng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập về công tác PCTNTC trong thời gian tới, ông Dương Ngọc Hải kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật các cơ chế về PCTNTC; thể chế hoá các nội dung chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC. Đối với công tác xác minh tài sản, thu nhập, cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó, cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đồng thời, có quy định xác định cụ thể đối với từng hành vi kê khai, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng…
Đồng thời, sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Đối với doanh nghiệp và tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, cần ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp…